Liên quan đến vụ việc trường quốc tế Việt Úc (VAS) bất ngờ gửi thư thông báo không tiếp nhận học sinh vào năm học sau (2020-2021), vì lý do phụ huynh và nhà trường không đạt được một số thoả thuận. Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết, đại diện bảo vệ quyền lợi phụ huynh học sinh nhận định những điều chưa hợp lý của vụ việc, như sau:
Cách tính phí học online trong thời gian nghỉ dịch chưa chính xác
Mặc dù đã có hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM về cách tính học phí trong thời gian nghỉ dịch là "tính trên số thời gian thực học". Nhưng, VAS lại tính luôn cả thời gian nghỉ Tết và thời gian không dạy học (ví dụ một trường hợp học sinh lớp 6 học tại cơ sở Sala: Trường tính học phí online của bé là 11,8 tuần, tương đương 19.341.852đ tiền học phí. Nhưng thời gian trường thực dạy và bé thực học chỉ có 4,2 tuần, tương đương 6.884.388đ tiền học phí. Vậy, trường tính sai học phí, lạm thu của trường hợp này đến 12.457.464 VND -Áp dụng văn bản hướng dẫn của Sở GD số 642/GDĐT-KHTC ngày 27/2/2020).
Nhồi nhét, tăng tiết, học bù đi ngược với chủ trương của Sở GD&ĐT TP.HCM
Đối với thời gian học bình thường, mỗi tuần các em đã phải học 45 tiết. Nay trường tăng thêm 10 tiết, thành ra các em phải học đến 55 tiết mỗi tuần. Trong khi đó, Sở GD&ĐT TP.HCM đã hướng dẫn phải cắt bớt, tinh giảm những chương trình không cần thiết để đảm bảo sức khoẻ của học sinh. Nhưng theo phản ánh của phụ huynh, ngoài việc tăng tiết hằng ngày, dù tới ngày 30/6 các em đã hoàn thành xong chương trình, học sinh vẫn phải đóng thêm học phí 2 tuần nữa chỉ để lên lớp xem tivi, bấm điện thoại hoặc làm những việc khác không liên quan môn học. Vậy thì việc kéo dài thêm có cần thiết?
Về việc trường VAS gửi công văn không tiếp nhận học sinh trong năm học 2020-2021 đến một số phụ huynh: Trước hết, chưa khẳng định ai sai, ai đúng. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm luật sư bảo vệ phụ huynh học sinh, tôi nhận định, như sau:
Một là, mặc dù 2 bên không kí hợp đồng xác định một thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự về giải thích hợp đồng, thì trước tiên là căn cứ vào ý chí của các bên tại thời điểm giao kết. Theo đó, ý chí của phụ huynh khi cho con đi học là hoàn thành chương trình theo từng cấp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Chương trình học được chia theo từng cấp gồm: Mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Còn việc đóng tiền theo từng năm học, về bản chất là từng giai đoạn thực hiện hợp đồng. Xét theo ý chí nhà trường, ngay từ lúc đầu, khi tư vấn cho phụ huynh là tư vấn theo lộ trình học. Và mỗi lộ trình là gồm một chuỗi kiến thức học trong nhiều năm. Do đó, ý chí của VAS không phải là chỉ ký hợp đồng 1 năm học. Như vậy, việc VAS ra thông báo không tiếp nhận học sinh học vào năm sau bản chất là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Hai là, căn cứ vào quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng và Bộ luật dân sự thì phía người cung cấp dịch vụ không được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu không có lý do chính đáng. Việc VAS lấy lý do bất đồng quan điểm để chấm dứt hợp đồng là không chính đáng. Bởi, đó không phải là sự kiện bất khả kháng hay do thay đổi hoàn cảnh dẫn đến việc không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết (Đoàn luật sư TP.HCM), đại diện bảo vệ quyền lợi phụ huynh học sinh nhận định "VAS đơn phương chấm dứt hợp đồng" |
Ở góc độ cũng là phụ huynh có con đang độ tuổi đến trường, tôi đồng cảm sâu sắc với những Quý phụ huynh vì lên tiếng những điều chưa hợp lý mà phải rơi vào tình cảnh khó xử như hiện tại. Chắc chắn, họ vừa thấy ấm ức với lối hành xử của nhà trường lại vừa cảm thấy xót con, nhất là trường hợp phụ huynh có con em đang bị khủng hoảng về tâm lý phải nhập viện điều trị.
Chúng ta đang sống ở một xã hội thượng tôn pháp luật, mỗi một tranh chấp đều phải dùng luật pháp để phân định đúng sai. Là người hành nghề luật, tôi sẽ đồng hành cùng phụ huynh học sinh đeo đuổi vụ việc đến cùng, để ít nhất, các em học sinh có niềm tin vào vào công lý sau một cú sốc lớn tại chính mái trường giáo dục các em.
Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết (Đoàn luật sư TP.HCM)