WHO ngày 17/3 bày tỏ lo ngại về số ca mắc mới đặc biệt tăng mạnh tại châu Á, đồng thời kêu gọi nhanh chóng mở rộng chương trình tiêm chủng bao phủ, cũng như thận trọng cân nhắc các kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. PAHO, Văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhấn mạnh rằng số ca mắc mới COVID-19 tuần trước ở khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, đã tăng 28,9% so với tuần trước đó; ở châu Phi tăng12,3%; ở châu Âu tăng gần 2%.
Theo trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, bà Maria van Kerkhove, trong 1 tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 11 triệu ca mắc COVID-19, tăng 8% so với tuần trước đó. Bà nhấn mạnh cho đến nay Omicron là biến thể dễ lây nhiễm nhất và các yếu tố khiến dịch lây lan nhanh hiện nay là việc các nước gỡ bỏ các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tại các nước. Thêm vào đó, việc các nước chưa hoàn tất chiến dịch tiêm chủng bao phủ và cụ thể là nhóm người có nguy cơ trở nặng khi mắc COVID-19 cũng là một phần nguyên nhân khiến dịch bệnh trầm trọng hơn.
WHO cảnh báo tình hình dịch bệnh tại mỗi nước khác nhau, do đó cần cảnh giác ứng phó kịp thời với dịch bệnh khi dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt.
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19. |
Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 18/3 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.803.990 ca nhiễm, 5.072 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 465.502.865 ca, trong đó 6.085.834 ca tử vong và 397.400.071 ca đã được chữa khỏi.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (168.315.977 ca), tiếp theo là châu Á (129.677.727 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (95.902.221 ca) và Nam Mỹ (55.491.173 ca). Châu Phi (11.651.808 ca) và châu Đại Dương (4.463.238 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.
Tại châu Á, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận hơn 600.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua, với mức 621.328 ca trong ngày 17/3, tăng mạnh so với ngày trước đó (ở mức 400.714 ca). Số ca tử vong cũng tăng gấp 2 lần, lên 429 ca - mức cao chưa từng thấy. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 17/3, giới chức Hàn Quốc cho biết chính quyền thành phố Seoul đã xây dựng dự thảo ngân sách bổ sung trị giá 1.100 tỷ won (897,3 triệu USD) để hỗ trợ chương trình chống dịch COVID-19, cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tại Trung Quốc, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong cũng đang nỗ lực khống chế đợt bùng phát dịch thứ 5 khi biến thể Omicron lây lan mạnh, gây sức ép đối với hệ thống y tế thành phố. Nhiều bệnh viện hiện quá tải với khối lượng bệnh nhân mắc COVID-19, trong khi nhà xác, nhà tang lễ cũng chịu áp lực lớn. Ngày 17/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc nâng cấp mức độ kiểm soát và phòng chống dịch.
Phát biểu khi chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc phải kiềm chế đà lây lan của dịch COVID-19 càng sớm càng tốt trong khi vẫn tuân thủ chính sách "Không COVID-19". Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, nước này phải nâng cấp mức độ kiểm soát và phòng chống dịch cũng như tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch hiện hành. Chỉ 3 tuần trước, Trung Quốc đại lục ghi nhận số ca mắc COVID-19 dưới 100 ca/ngày. Tuy nhiên, con số này đã tăng vượt 1.000 ca/ngày trong 1 tuần qua.
Tại châu Âu, Đức ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 ở mức cao nhất với 296.980 ca, tiếp đến là Pháp (101.747 ca), Anh (89.717 ca)… Trong đó, tại Đức, lo ngại về số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh trong những ngày qua, nhiều bang đã do dự trong việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh, dự kiến vào ngày 20/3. Các quy định trước đây như yêu cầu về đeo khẩu trang hoặc quy tắc 2G (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau mắc COVID-19) và 3G (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau mắc COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính) có thể vẫn được áp dụng cho đến ngày 2/4./.