WHO khuyến nghị Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt số ca COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo đại diện WHO tại Việt Nam, trong giai đoạn các ca nhiễm đang có xu hướng gia tăng như hiện nay, nước ta cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo rằng các cơ sở và nhân viên y tế không bị quá tải.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Sau khi WHO công bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu (ngày 5/5), TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã nhấn mạnh khuyến nghị đối với Việt Nam trong phòng, chống bệnh COVID-19 hiện nay.

Theo TS. Angela Pratt, trong giai đoạn các ca nhiễm COVID-19 đang có xu hướng gia tăng như hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao, chặt chẽ các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là giám sát chặt chẽ năng lực các cơ sở và nơi chăm sóc đặc biệt (ICU) để đảm bảo rằng cơ sở và nhân viên y tế không bị quá tải, đồng thời có thể cần điều chỉnh các biện pháp ứng phó phù hợp.

"Chúng ta không muốn quay trở lại tình trạng mà các quốc gia phải trải qua trong hơn 3 năm qua. Vì vậy, tất cả những điều trên thực sự rất quan trọng ngay tại thời điểm hiện tại khi mà số ca mắc đang gia tăng tại Việt Nam", đại diện WHO nhấn mạnh.

WHO cam kết sẽ luôn luôn đồng hành cùng Việt Nam, cụ thể là Bộ Y tế, trong công cuộc phòng, chống, kiểm soát và quản lý lâu dài dịch bệnh COVID-19.

7 khuyến nghị trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với các quốc gia

Sau khi công bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, WHO cũng đưa ra 7 khuyến nghị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các quốc gia.

Thứ nhất, phải duy trì những thành tựu đã đạt được và những đầu tư mà chúng ta đã thực hiện trong việc ứng phó với bệnh truyền nhiễm COVID-19, rút ra những bài học trong ba năm rưỡi qua và áp dụng những điều đó để ứng phó với COVID trong tương lai, cũng như để chuẩn bị cho mối đe dọa đến từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác.

Vì vậy, thông điệp được nhấn mạnh số một là chúng ta không được nghỉ ngơi vào lúc này, không được rời chân khỏi bàn đạp và không được mất cảnh giác, hãy phát huy mọi thứ chúng ta đã làm và học được trong vài năm qua.

Thứ hai, về tiêm chủng, đã đến lúc cần phải nghĩ về việc tích hợp tiêm phòng COVID-19 vào các chương trình tiêm chủng thường quy, vì COVID-19 sẽ còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta trong tương lai gần. Chúng ta sẽ cần đảm bảo rằng, mọi người được miễn dịch thông qua chương trình tiêm chủng thường xuyên.

Điều quan trọng đối với Việt Nam về tiêm chủng hiện nay là độ bao phủ của các liều nhắc lại. Việt Nam có độ bao phủ vaccine COVID-19 rất tốt đối với liều cơ bản, nhưng độ bao phủ của mũi nhắc lại không như mong đợi, đặc biệt là hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm mới.

Chính vì vậy, chúng ta cần đảm bảo rằng, tất cả những người đủ điều kiện, tất cả những người thuộc nhóm có nguy cơ cao đều đã được tiêm liều nhắc lại - đây là ưu tiên quan trọng nhất hiện nay.

Thứ ba, về công tác giám sát. Đã đến lúc tích hợp giám sát COVID-19 với giám sát các mầm bệnh đường hô hấp khác và tiếp tục báo cáo dữ liệu đó cho WHO.

Cụ thể, giám sát bộ gene hoặc giải trình tự gene, tức là xét nghiệm các mẫu khác nhau để xác định một người bị nhiễm biến thể nào của COVID-19. Điều này thực sự quan trọng để chúng ta có thể tiếp tục theo dõi hành vi của các biến thể khác nhau và chúng có thể ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau như thế nào. Điều này sẽ xác định cách chúng ta cần ứng phó trong tương lai.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần sử dụng dữ liệu này về COVID-19 để theo dõi cẩn thận bất kỳ thay đổi nào về khả năng lây truyền - tức là mức độ lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Liệu chúng ảnh hưởng khác nhau thế nào đến các nhóm người khác nhau. Và thông qua việc xem xét khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng, chúng ta sẽ xem xét tác động tổng thể mà virus đang gây ra. Vì vậy, việc tiếp tục theo dõi và giám sát là rất quan trọng.

Thứ tư, đảm bảo chúng ta có nguồn cung cấp vaccine tốt, chẩn đoán và điều trị tốt. Tức là cần đảm bảo các công cụ để chẩn đoán, các loại thuốc hiện có sẵn để điều trị và các loại vaccine để ngăn ngừa bệnh nặng và giảm khả năng tử vong. Tất cả những công cụ này đều được cung cấp ở Việt Nam và các quốc gia khác trong trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, thời điểm hiện tại là cần xem xét khung pháp lý, chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng nguồn cung cấp đáng tin cậy trong tương lai và những sản phẩm này có sẵn cho người dân. Lý tưởng nhất là chúng ta vẫn được cung cấp miễn phí, hoặc được trợ cấp phần lớn để đảm bảo chi phí không phải là rào cản tiếp cận những sản phẩm này.

Thứ năm, tiếp tục làm việc, gắn kết sự tham gia và truyền thông tới các cộng đồng. Bây giờ không phải là lúc ngừng truyền thông tới cộng đồng hoặc ngừng chia sẻ với công chúng về vai trò của họ trong việc giảm lây truyền bệnh, đặc biệt là bảo vệ những người dễ bị tổn thương.

Thứ sáu, về các biện pháp liên quan đến đi lại. Chúng ta vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt, nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.

Thứ bảy, tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu về cả hiệu quả và hiệu suất của vaccine, cũng như tình trạng hậu COVID-19.

Bình luận
Triển lãm Venice Biennale: UNESCO tôn vinh công cuộc phục hưng kiến trúc Mosul
Triển lãm Venice Biennale: UNESCO tôn vinh công cuộc phục hưng kiến trúc Mosul
(Ngày Nay) - Từ ngày 10/5-25/5, triển lãm “Mosul, một cuộc phục hưng kiến trúc” mở cửa đón công chúng tại các sảnh đường uy nghi và lịch sử của Thư viện Quốc gia Marciana ở Venice. Khách tham quan được tìm hiểu cách UNESCO dẫn dắt công cuộc tái thiết các công trình biểu tượng tại thành phố Mosul của Iraq, nơi từng bị tàn phá nghiêm trọng trong thời gian bị chiếm đóng bởi tổ chức khủng bố Daesh. 
Các loại kính màu lý tưởng cho người mới học làm kính nghệ thuật
Các loại kính màu lý tưởng cho người mới học làm kính nghệ thuật
(Ngày Nay) - Kính màu có một lịch sử phong phú không kém gì màu sắc rực rỡ của nó. Dù kính màu đã xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại và từng được sử dụng ở La Mã cổ, nhưng đến thế kỷ IV – khi Kitô giáo bắt đầu xây dựng các nhà thờ – nghệ thuật kính màu mới thực sự phát triển mạnh.
Cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên cùng người dân địa phương tuần rừng tại khu vực xã Cúc Đường (Võ Nhai).
Bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng
(Ngày Nay) - Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng trước đây là Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, là một khu rừng đặc dụng quan trọng của tỉnh Thái Nguyên và cả nước, thành lập năm 1999, được xem là lá phổi xanh tự nhiên của tỉnh. Khu dự trữ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vỹ, hệ động thực vật rất phong phú, đa dạng và hệ sinh thái rừng núi đá đặc trưng, có giá trị bảo tồn cao.
Joan Agajanian Quinn tại căn nhà ở Beverly Hills của bà
Hơn nửa thế kỷ, nhà sưu tập Joan Agajanian Quinn là trái tim của cộng đồng nghệ thuật Los Angeles
(Ngày Nay) - Hơn 50 năm qua, Joan Agajanian Quinn đã đặt ra những câu hỏi mà ai cũng muốn có câu trả lời. Là một nhà báo tài ba, bà đã từng là biên tập viên khu vực West Coast của tạp chí Interview, LA Herald Examiner, và là người dẫn chương trình phỏng vấn trên truyền hình với các chương trình như The Joan Quinn Profiles và Beverly Hills View. Với Quinn, sự chú ý luôn phải dành cho các nghệ sĩ mà bà và người chồng quá cố, Jack Quinn, đã hỗ trợ trong suốt nhiều thập kỷ.
Đông đảo người dân và du khách chăm chú lắng nghe thuyết minh về cuộc đời Bác Hồ.
TP Hồ Chí Minh: Triển lãm tái hiện dấu ấn lịch sử và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Ngày Nay) - Ngày 15/4, hai triển lãm đặc biệt trưng bày 2 chuyên đề “Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975” và “Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ngôn ngữ điêu khắc” đã khai mạc tại TP Hồ Chí Minh, đánh dấu kỷ niệm các dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc.