Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết vào năm 2019, cứ 4 ca thai lưu thì có 3 ca xảy ra ở khu vực cận Sahara, châu Phi hoặc Nam Á. WHO định nghĩa thai lưu là trường hợp một đứa trẻ sinh ra không có dấu hiệu của sự sống ở tuần thứ 28 của thai kỳ hoặc muộn hơn.
Henrietta Fore, giám đốc điều hành của UNICEF, cho biết: “Cứ sau 16 giây, một người mẹ ở đâu đó sẽ phải chịu đựng bi kịch khôn lường của thai lưu". Bà Fore cho biết phần lớn các ca thai lưu có thể được ngăn chặn bằng cách theo dõi tốt hơn, chăm sóc tiền sản đúng cách và một người đỡ đẻ có tay nghề cao.
WHO cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này, ước tính rằng việc cắt giảm 50% dịch vụ y tế trong đại dịch có thể dẫn tới 200.000 ca thai lưu trong năm tới ở 117 quốc gia đang phát triển.
Báo cáo cũng lưu ý rằng hơn 40% trường hợp thai lưu xảy ra trong quá trình chuyển dạ và có thể tránh được nếu phụ nữ sinh con với sự trợ giúp của nhân viên y tế được đào tạo. Khoảng một nửa số ca thai lưu ở châu Phi cận Sahara và Trung Á xảy ra trong quá trình chuyển dạ, so với khoảng 6% ở châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand.
Ở các nước phát triển, WHO và các đối tác báo cáo rằng các dân tộc thiểu số thường có tỷ lệ thai chết lưu cao hơn. Ví dụ, ở Canada, báo cáo cho thấy phụ nữ Inuit có tỷ lệ thai lưu cao hơn gần 3 lần so với các vùng còn lại của Canada. Tại Mỹ, phụ nữ Mỹ gốc Phi có nguy cơ thai chết lưu gần gấp đôi so với phụ nữ da trắng.
WHO: Thế giới có 2 triệu ca thai lưu mỗi năm
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF cho biết có khoảng 2 triệu ca thai lưu mỗi năm, tập trung ở các nước đang phát triển.
Theo AP