Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Hiện nay, vấn đề thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang được coi là một trong những nhiệm vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần giúp Việt Nam sớm trở thành một quốc gia khởi nghiệp có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Để trở thành một quốc gia khởi nghiệp, việc cần làm đầu tiên là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện hơn. Ở đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được ươm tạo, hỗ trợ và nhanh chóng có được những mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững.
Các các báo cáo nghiên cứu về việc xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đều chỉ rất rõ vai trò quan trọng của trường đại học. Trước hết, trường đại học phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, hình thành văn hóa khởi nghiệp và là nơi nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển tài năng, năng khiếu của học sinh, sinh viên.
Trường đại học là nơi cung cấp những kiến thức cơ bản, xây dựng những chương trình đào tạo tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, cung cấp các kiến thức cần thiết để hế hệ trẻ có thể đối mặt với các vấn đề của thực tiễn một cách tích cực nhất. Đó cũng là cách để học sinh, sinh viên có thể tạo lập sự nghiệp của mình, dù đi làm thuê hay khởi tạo doanh nghiệp riêng.
Ngoài ra, trường đại học chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo các sinh viên sau khi tốt nghiệp có tinh thần doanh nhân và kiến thức, kỹ năng, thái độ, là nguồn tài nguyên lớn giúp các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng một cách bền vững.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ: bằng sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo và đội ngũ cán bộ tham mưu tại các nhà trường, một số mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đã rất thành công tại các nhà trường. Tuy nhiên, một số nhà trường vẫn chưa định hình được các hướng đi sao cho hiệu quả.
Trao đổi tại tọa đàm, các chuyên gia đến từ nhiều cơ sở giáo dục đại học nhận định, sáng tạo và khởi nghiệp là trụ cột để giúp các hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu của các trường đến gần hơn với thực tiễn.
Theo đại diện các cơ sở giáo dục đại học, phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên thực sự được lan tỏa sau khi có Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Đề án 1665). Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định về kế hoạch triển khai Đề án 1665 và có công văn hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Đồng thời, Bộ quyết định thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới tại ba cơ sở giáo dục đại học vào năm 2019 là: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Huế.
Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên và cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường niên. Hoạt động này đã thu hút ngày càng đông đảo học sinh, sinh viên toàn quốc cũng như các cơ sơ giáo dục và các doanh nghiệp. Số dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tăng dần theo từng năm và hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án ngày càng cao.
Theo thống kê, đến nay, 50% các trường đã thành lập được câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. 70 cơ sở đào tạo bố trí được không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên; khoảng 45 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Trên cơ sở các trao đổi, thảo luận tại tọa đàm, các cơ sở giáo dục đại học từng bước định hình những nội dung cốt lõi, yếu tố cơ bản ban đầu để có được những mô hình khởi nghiệp hiệu quả.