Tại tọa đàm, rất nhiều ý kiến được đưa ra khi đề cập đến vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ du khách thời kỳ hậu COVID-19 trên cơ sở phân tích nguồn tài nguyên văn hóa sẵn có và sự thay đổi nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Bởi các bảo tàng, di tích không thể giữ mãi phương thức phục vụ truyền thống, sản phẩm du lịch đã quá quen thuộc, khi khả năng dịch bệnh chưa hoàn toàn khống chế, tâm lý và nhu cầu khám phá điểm đến của khách đã thay đổi.
Trong đó, việc đa dạng hóa sản phẩm, tạo sản phẩm mang tính mới lạ, đặc thù và tăng cường tính trải nghiệm tạo cảm xúc cho khách được đặt lên hàng đầu. Ngoài việc tham quan các giá trị vật thể, du khách còn muốn tìm hiểu các giá trị phi vật thể tại điểm đến đó thông qua hoạt động trải nghiệm, khám phá, tăng phần hứng thú cho khách và đó cũng là dấu ấn để thu hút khách quay trở lại những lần khác.
Thay vì chờ đợi du khách đến với bảo tàng, di tích, các đơn vị quản lý điểm đến đang chủ động tạo ra các sản phẩm mới để hút khách đến.
Qua ý kiến của các bảo tàng, di tích cho thấy, tất cả các đơn vị quản lý điểm đến đều ý thức trong việc xây dựng ra các sản phẩm mới phù hợp với điều kiện mới khi mà dịch COVID-19 đang tác động nặng nề.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, khu hồ Văn rộng 12.000 m2 có hồ, đảo là nơi có nhiều tiềm năng để khai thác tổ chức các hoạt động và có thể kết nối với khu nội tự Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám. Trung tâm đang xây dựng Phương Đình tại gò Kim Châu tại đây.
Ông Lê Xuân Kiêu cũng cho biết, Trung tâm đang có định hướng đề xuất với thành phố Hà Nội và quận Đống Đa xây dựng phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám thành phố đi bộ cuối tuần, trở thành không gian văn hóa, có hệ sinh thái gồm rất nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Với định hướng như thế, Trung tâm xây dựng nhiều sản phẩm, hoạt động tổ chức tại hồ Văn, vườn Giám.
Còn tại khu nội tự, Trung tâm tổ chức các hoạt động trải nghiệm với hoạt động trưng bày Quốc Tử Giám, giới thiệu cho khách giá trị lịch sử, truyền thống đạo học ở di tích.
Đặc biệt, Trung tâm đang xúc tiến xây dựng tour du lịch ban đêm nhằm khai thác vẻ đẹp Văn Miếu – Quốc Tử Giám về đêm, có áp dụng công nghệ 4.0, để kể câu chuyện về đạo học Việt Nam. Nếu sản phẩm này hoàn thành sẽ cùng với sản phẩm đêm của di tích Nhà tù Hỏa Lò và Hoàng thành Thăng Long tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm du lịch Hà Nội.
Thời gian này, các bảo tàng: Lịch sử Quốc gia, Lịch sử Quân sự, Mỹ thuật Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam… cũng xây dựng nhiều hoạt động sáng tạo, mới lạ đưa vào phục vụ du khách, trong đó chú trọng về các hoạt động trải nghiệm.
Bà An Thu Trà, Phó trưởng phòng Trưng bày, Truyền thông công chúng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, Bảo tàng xác định đối tượng khách tiềm năng là các nhóm nhỏ, các gia đình nên tập trung xây dựng các sản phẩm phục vụ đối tượng này.
Lấy lợi thế là không gian xanh tại Bảo tàng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: Làm nông dân bắt cá dưới suối nhân tạo, tổ chức các hoạt động tìm hiểu văn hóa truyền thống… hay chủ động đưa hoạt động đến trường học thay vì đợi các trường đưa học sinh tới.
Do vận dụng sáng tạo nên trong hai ngày cuối tuần qua, Bảo tàng Dân tộc học đón được 500 khách tới tham quan, trải nghiệm, dù không nhiều nhưng là con số ý nghĩa trong thời gian này.