Sau khi thăm một số khoa, phòng thí nghiệm, ký túc xá của trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo nhà trường chia sẻ những điều tâm huyết, vướng mắc, bức xúc nhất trước yêu cầu sắp xếp, cơ cấu lại toàn bộ hệ thống đào tạo sư phạm nhằm bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu đổi mới giáo dục.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết toàn trường có 1.143 cán bộ, giáo viên, trong đó có 735 giảng viên với 16 Giáo sư, 159 Phó Giáo sư, 272 Tiến sĩ; 495 Thạc sĩ; 154 Cử nhân…
“Đội ngũ cán bộ, giảng viên của ĐH Sư phạm Hà Nội đang ở “độ tuổi vàng”, được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, đây là tài sản quý giá nhất của trường. Chúng tôi muốn tạo môi trường tốt nhất cho anh chị em làm việc”, GS. Nguyễn Văn Minh bày tỏ.
Với đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có chất lượng (59% có trình độ từ tiến sĩ trở lên), trường ĐH Sư phạm Hà Nội là đơn vị chủ chốt xây dựng các chương trình khung, chương trình chi tiết làm cơ sở cho các trường sư phạm khác xây dựng các ngành đào tạo; làm nòng cốt cho việc xây dựng các chương trình khung cho toàn ngành sư phạm.
Qui mô tuyển sinh của Trường hàng năm là khoảng 2.000 sinh viên chính qui tập trung; 1.000 học viên cao học, 150 nghiên cứu sinh. Các chương trình đào tạo đều được xây dựng theo các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT; liên tục được cập nhật, đổi mới thường xuyên theo chu kì. Từ năm 2009 đến 2014, Nhà trường đã hai lần đổi mới toàn bộ chương trình đào tạo cử nhân chính quy; năm 2018, trường đã thực hiện cập nhật đổi mới chương trình đào tạo thạc sĩ.
Mặc dù kinh phí hoạt động nghiên cứu cho giai đoạn 2008-2018 chỉ khoảng 10 tỷ đồng/năm nhưng ĐH Sư phạm Hà Nội luôn nằm trong tốp 5 các trường đại học cả nước có số lượng bài báo khoa học đăng trên các tạp chí ISI/Scopus, năm 2018 đạt tỷ lệ 5,6 cán bộ, giảng viên/bài báo.
Là cơ sở có nguồn lực tốt nhất trong hệ thống đào tạo sư phạm, lãnh đạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội rất mong được tham gia đầy đủ, toàn diện và trách nhiệm vào sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
“Với tỷ lệ 59% giảng viên có trình độ tiến sĩ, Nhà trường mong muốn Bộ GD&ĐT tin tưởng giao cho trường những nhiệm vụ lớn, không chỉ trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mà cả những đề tài nghiêu cứu khoa học giáo dục làm cơ sở, căn cứ, nền tảng vững chắc trong quá trình triển khai những nhiệm vụ về đổi mới giáo dục và đào tạo”, GS. Nguyễn Văn Minh bày tỏ.
Cơ sở vật chất của ĐH Sư phạm Hà Nội còn nhiều khó khăn, có những giảng đường, phòng thí nghiệm, ký túc xá được xây dựng cách đây 30-40 năm. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phải quyết tâm sắp xếp lại các trường sư phạm
Trước thực tế hiện có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương, nhiều tỉnh đã thừa giáo viên, TSKH. Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán-Tin đặt vấn đề phải quyết tâm tái cơ cấu quyết liệt hệ thống các trường sư phạm theo hướng các trường đại học có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn thành trường trọng điểm, các trường khác sẽ được chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay "vệ tinh" của các trường trọng điểm.
Cả nước hiện có 113 cơ sở đào tạo giáo viên (trường sư phạm) gồm: 14 trường đại học sư phạm, 48 trường đại học đa ngành có đào tạo sư phạm, 30 trường cao đẳng sư phạm, 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo sư phạm và hai trường trung cấp sư phạm. Một thời gian dài, việc nâng cấp và mở mới dẫn đến hệ thống các trường sư phạm phân bố dàn trải, nguồn lực bị phân tán; nhiều trường quy mô nhỏ, chất lượng thấp, khó phát triển
Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết Bộ Nội vụ ủng hộ chủ trương hình thành các trường sư phạm trọng điểm như ĐH Sư phạm Hà Nội làm “hạt nhân” hướng dẫn cho các “trường vệ tinh” ở địa phương trong công tác tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cấp bách nhất hiện nay là đào tạo, bồi dưỡng lại giáo viên theo chương trình, SGK mới.
Đồng thời, chỉ những trường sư phạm trọng điểm mới được giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên căn cứ vào nhu cầu cụ thể của các địa phương với chương trình chuẩn hóa và đồng bộ trong toàn hệ thống để bảo đảm chất lượng được đồng nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các nhà sư phạm, các nhà giáo phải là những tấm gương mô phạm từ đạo đức, lý tưởng, đến lòng yêu nước, văn hoá, sinh hoạt… Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trường sư phạm phải mẫu mực, chuẩn mực nhất
Nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ dành cho trường ĐH Sư phạm Hà Nội là “làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chữ ‘mô phạm’ Bác Hồ dành cho trường sâu sắc vô cùng. Trường cần xây dựng môi trường văn hoá mẫu mực, chuẩn mực nhất trong giảng dạy, sinh hoạt, giữ gìn môi trường, không vứt rác bừa bãi…
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trước hết phải trở thành một trường ĐH mẫu mực trong thực hiện tự chủ. Theo Phó Thủ tướng, từ trước đến nay, nói đến tự chủ ĐH thì các trường sư phạm bao giờ cũng nghĩ mình đi sau nhưng trong xu hướng đổi mới giáo dục ĐH, cốt lõi là tự chủ về chuyên môn, tổ chức, tài chính, nếu là trường mẫu mực, chuẩn mực thì ĐH Sư phạm Hà Nội phải đi đầu. Với đặc thù đào tạo giáo viên, Nhà trường cần nghiên cứu cơ chế, kiến nghị để tự tháo gỡ cho mình và góp sức thực hiện tự chủ ĐH trên cả nước.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cần làm tốt hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sư phạm, giáo dục lẫn nghiên cứu cơ bản. Nhà trường là ‘hạt nhân’, ‘đầu tàu’, một mắt xích quan trọng có tính định hướng cho đổi mới giáo dục theo nghị quyết 29, cụ thể là đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học.
Khẳng định vai trò quan trọng, quyết định của đội ngũ giáo viên trong thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng cho rằng yêu cầu đặt ra cho mỗi giáo viên phải nắm bắt được tri thức, xu thế mới, phương pháp dạy và học mới theo hướng phát triển năng lực, không truyền đạt kiến thức cho học sinh thụ động, một chiều mà trao đổi lại để phát huy sáng tạo, sở trường của từng học sinh. Muốn làm được như vậy, đầu tiên phải thay đổi từ đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm nhằm thực sự khuyến khích sáng tạo cá nhân của sinh viên. Tuy nhiên, đây đang là điểm yếu trong các trường sư phạm.
“Các nhà sư phạm, các nhà giáo phải là những tấm gương mô phạm từ đạo đức, lý tưởng, đến lòng yêu nước, văn hoá, sinh hoạt… để những ‘sản phẩm’ do mình đào tạo trở thành những người mẫu mực trong xã hội. Dạy làm người cho các em học sinh, nhất là những em nhỏ, trước hết người lớn phải làm gương mà đầu tiên chính là các thầy cô. Đây là vinh dự, trách nhiệm vô cùng lớn lao của các trường sư phạm”, Phó Thủ tướng mong muốn.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Mạng lưới trường sư phạm có ‘hạt nhân’ và ‘vệ tinh’
Trước tình trạng đào tạo sinh viên sư phạm vượt rất xa nhu cầu, kiểm định chất lượng đào tạo chưa tốt nên kể cả những trường có chất lượng đào tạo tốt như ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chỉ có 30-35% sinh viên ra trường làm trong ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là "bài toán"phải giải cho bằng được. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT xem xét quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, “khắc phục câu chuyện mở ra ào ạt, số lượng nhiều nhưng không kiểm soát được chất lượng”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Hiện Bộ GD&ĐT đã nắm được số lượng giáo viên từng trường, từng bộ môn và dự báo được nhu cầu giáo viên trong 3-5 năm tới cũng như số lượng sinh viên đang đào tạo. Làm cơ sở cho các địa phương thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên ở những trường sư phạm tốt nhất. Sinh viên sư phạm được bảo đảm việc làm sau khi tốt nghiệp. Làm được như vậy, trong một vài năm chất lượng đầu vào cũng như chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm sẽ được nâng lên.
Trong khi đó, các trường sư phạm địa phương tập trung bồi dưỡng, tập huấn giáo viên với sự hướng dẫn từ các trường trọng điểm như trường ĐH Sư phạm Hà Nội tương tự như ngành y tế có “bệnh viện hạt nhân” tuyến trên kết nối, hướng dẫn cho các “bệnh viện vệ tinh” bên dưới.
“Đây là điểm cốt lõi trong đổi mới, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm chứ không đơn thuần là bỏ trường này, giữ trường kia. Chúng ta cần hình thành một mạng lưới đào tạo giáo viên mới, đào tạo người tốt nghiệp ĐH làm giáo viên, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên thường xuyên, tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn.
Đồng thời, phát triển các trường phổ thông thực hành nằm trong trường sư phạm ‘hạt nhân’ và một số trường ở địa phương để đưa vào những chương trình, phương pháp giảng dạy mới, thực hiện đổi mới cơ chế quản trị trong trường phổ thông. Mạng lưới trường là cơ sở thực hành của các trường sư phạm phải thật lớn, thật rộng, có sự giao lưu, trao đổi thường xuyên”, Phó Thủ tướng yêu cầu.