Thật ra, từ trong bản gốc nhiều khán giả đã đặt ra câu hỏi rằng vì sao sống gần nhau suốt nhiều năm mà Lương Sơn Bá không biết Chúc Anh Đài giả trai? Bởi vì, con gái phải có giọng nói, cấu trúc cơ thể, ngôn ngữ cơ thể, sắc diện khác con trai. Thế nhưng, trong nghệ thuật có nhiều điều phi lý nhưng hay quá, đẹp quá cũng sẽ khiến người xem tin đó là thật. Vì vậy, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài trở thành một trong những tác phẩm kinh điển trên sân khấu cải lương.
NSƯT Đại Nghĩa (phái) vai Mã Văn Tài |
Tác giả Võ Trung Tín đã sử dụng cái sự bất hợp lý này để tạo nên những tình huống cười, hay nói đúng hơn là cười vào sự ngây ngô của nhân vật Lương Sơn Bá và cả Mã Văn Tài. Võ Trung Tín xoáy vào yếu tố gái giả trai, trai giả gái để tạo nên mớ bòng bong câu chuyện mơ hồ về giới tính. Trong câu chuyện kịch Mã Văn Tài vì ham chứng minh mình có tài văn nghệ mà giả gái để được thầy chọn đóng vai Chức Nữ. Từ đây, những trái khoáy, những ngộ nhận xảy ra để tạo nên những tình huống dở cười dở khóc.
Nghệ sĩ Đình Toàn vào vai Lương Sơn Bá ngô nghê, NSƯT Bùi Đại Nghĩa vào vai Mã Văn Tài phản diện kiểu vô tri, ác mà ngờ nghệch kiểu Bùi Kiệm; NSƯT Mỹ Duyên (Mã phu nhân); diễn viên trẻ Cẩm Hò sôi động trong vai Ngân Tâm, Phi Nga (Chúc phu Nhân), Trịnh Minh Dũng (Mã Não), Đông Hải (Tứ Cửu) cùng các diễn viên còn lại phối hợp tung hứng tạo nên nhiều tình huống cười vui, dí dỏm.
Trà Ngọc (trái) vai Chúc Anh Đài và Cẩm Hò vai Ngân Tâm |
Điểm đặc biệt là đạo diễn Vũ Đình Toàn đã mời Trà Ngọc vào vai Chúc Anh Đài để tận dụng kỹ năng vũ đạo hồ quảng và giọng hát cải lương ngọt ngào. Nữ diễn viên trẻ này có gương mặt đẹp và diễn xuất thuần thục, tự nhiên. Phục trang là điểm cộng của vở diễn. Nhà thiết kế Ngọc Tuấn đã đi theo hướng không xác định phong cách thời trang cụ thể thuộc triều đại nào, nhưng quần áo và phụ kiện tôn lên vẻ đẹp thời xưa của các diễn viên nữ. Ngọc Tuấn đã thiết kế rất đẹp phục trang cho vở Dưới bóng giai nhân, giờ đây anh đã ghi thêm dấu ấn qua vở diễn cổ trang Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài ngoại truyện.
Tuy nhiên, có điều gì cần phải góp ý cho kịch bản này là sự bất hợp lý ở cái quyết tâm Lương Sơn Bá cưới Chúc Anh Đài trong phần cuối câu chuyện. Vì rằng ở đoạn đầu, Lương Sơn Bá không hề có chút tình cảm gì với Chúc Anh Đài. Thế nên hành động đột nhiên “quay xe” đòi cưới Chúc Anh Đài chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhận ra cô nàng là gái thì thiếu logic tâm lý.
Đình Toàn (trái) vai Lương Sơn Bá và Trà Ngọc đầy nữ tính trong vai Chúc Anh Đài |
Nói một cách mở rộng hơn, vở diễn này mang ngôn ngữ của thời hiện đại, và ở đó, chuyện giới tính cũng có ngụ ý hướng tới những ai quan tâm chủ đề này. Lấy chủ đề giới tính để tạo nên tiếng cười nhẹ nhàng, không lạm dụng hay bi kịch hóa cũng là một thủ pháp mà nhiều sân khấu đang hướng tới. Sau một năm thành công đặc biệt, có vẻ như Nhà hát kịch Idecaf đang sẵn sàng cho một mùa kịch Tết đầy sôi động.