Thấy gì qua kết quả liên hoan sân khấu TPHCM lần 1 - Khát vọng phương Nam?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Liên hoan sân khấu kịch TPHCM lần 1- Khát vọng phương Nam vừa kết thúc và công bố giải thưởng. Nhiều bộ huy chương vàng, bạc đã được trao, trong đó nội dung vở diễn được quan tâm nhiều nhất, vì nó thể hiện rõ nhất quan điềm của hội đồng giám khảo.
Vở Giáng Hương đoạt huy chương vàng vở diễn rất xứng đáng
Vở Giáng Hương đoạt huy chương vàng vở diễn rất xứng đáng

Cụ thể có 5 huy chương vàng được trao cho nội dung vở diễn, tức nội dung đánh giá mang tính tập thể, gồm: Đồng chí (Hội sân khấu TPHCM), Cánh đồng rực lửa (Sân khấu Quốc Thảo), Giáng Hương (Sân khấu Thiên Đăng), Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử (Nhà hát kịch Idecaf), Cơn mê cuối cùng (Sân khấu Hoàng Thái Thanh).

Hội đồng giám khảo có lý lẽ riêng thuyết phục

Đâu đó trong mỗi cuộc thi nghệ thuật sẽ luôn có những ý kiến trái chiều, bởi nghệ thuật vốn là cảm tính chứ không thể có đáp án định lượng như toán học. Sẽ có nhóm người này thích vở này, nhóm người khác thích vở khác, nhưng vẫn có nhóm thứ ba khách quan đo lường tương đối chính xác vở nào hay hơn vở nào. Với những người theo dõi thường xuyên đời sống sân khấu kịch tại TPHCM, kết quả kỳ này dù cũng có những điểm chưa thuyết phục nhưng cho thấy có sự hợp lý hơn so với nhiều liên hoan trước đây.

Vở Đồng chíCánh đồng rực lửa là hai vở mang tinh thần người lính của thời chiến và thời bình. Hội đồng giám khảo chấm huy chương vàng cho hai vở diễn ngoài chất lượng còn dựa trên tinh thần chào đón ngày 30/4/2025 kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Hội đồng giám khảo có lý do của họ, nghệ thuật chuyển tải và phản ánh sự kiện lịch sử Việt Nam.

Ba huy chương vàng còn lại thể hiện ý chí khác của ban tổ chức. Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử là vở ca ngợi nhân vật lịch sử, cụ thể là chân dung Đức ông Lê Văn Duyệt. Điều này cho thấy rằng ban bình chọn tôn trọng phong cách dòng kịch văn học sử. Thực tế đây là vở diễn bán vé rất tốt của Nhà hát kịch Idecaf.

Thấy gì qua kết quả liên hoan sân khấu TPHCM lần 1 - Khát vọng phương Nam? ảnh 1

Nghệ sĩ Ái Như đoạt giải vàng cá nhân trong vở Cơn mê cuối cùng, vở này đồng thời đoạt luôn huy chương vàng

Vở Cơn mê cuối cùng, Giáng Hương theo phong cách kịch tâm lý tình cảm đặc thù Nam bộ. Đây là vở diễn thể hiện rõ cái tình người sống trong vùng đất và không gian văn hóa Nam bộ. Nó miêu tả tình cảm, tâm lý con người ở vùng đất rất đúng với chủ đề “Khát vọng phương Nam”. Cả hai vở diễn này cũng bán vé rất tốt trước, trong và sau khi liên hoan diễn ra. Trên tinh thần này, nếu có thêm một huy chương vàng nội dung cho vở diễn Má ơi út dìa (Nhà hát kịch Idecaf) cũng xứng đáng.

Nhìn vào thực tế, các sân khấu kịch TPHCM đa phong cách, nhiều sắc màu. Bên cạnh những sân khấu theo phong cách chính kịch, kịch văn học sử và tâm lý đậm chất Nam bộ, còn có những sân khấu trẻ trung với dòng kịch kinh dị, hài, giới tính. Những sân khấu này đã mang đúng phong cách của họ đến liên hoan, và nỗ lực phù hợp với tiêu chí bằng cách chọn những kịch bản đậm chất văn học.

Điển hình là vở Ông già đoàn lô tô của sân khấu Thế Giới Trẻ là kịch bản cảm tác từ truyện ngắn Cải ơi về đâu của Nguyễn Ngọc Tư. Vở diễn này chỉ đoạt 3 huy chương bạc cá nhân cho Quang Tuấn, Phương Lan, Khả Như. Còn vở Lỡ nhớ lầm thương đúng với phong cách Thế Giới Trẻ đoạt huy chương bạc vở diễn, và 3 huy chương cá nhân, gồm 1 vàng cho Gia Bảo, 1 vàng cho Minh Dự, 1 bạc cho Phạm Yến.

Từ huy chương vàng vở diễn xét một chút đến các huy chương vàng cá nhân tiêu biểu, gồm: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Thành Hội, NSƯT Minh Nhí, NSƯT Quốc Thảo, nghệ sĩ Ái Như, nghệ sĩ Thanh Thủy. Những gương mặt gạo cội của sân khấu kịch TPHCM từ thế hệ vàng sân khấu kịch thể nghiệm đều nhận huy chương xứng đáng cho tài năng của mình. Đây là các huy chương vàng rất thuyết phục bên cạnh huy chương vàng của NSƯT Đại Nghĩa, NSƯT Tuyết Thu, Đình Toàn, Quang Thảo, Việt Hương.

Không huy chương vẫn vui và mong sân khấu luôn sáng đèn

Nhưng cũng tại đây lại xuất hiện một chi tiết khó hiểu, đó là nghệ sĩ Trung Dân không đoạt một giải thưởng cá nhân nào cả. Nếu so với vài diễn viên đoạt huy chương vàng và bạc, tài năng của Trung Dân cao hơn hẳn. Anh tham gia dự thi vở diễn Tiếng chim vườn ngọc lan (sân khấu Trăng của bà bầu kiêm đạo diễn Minh Nguyệt). Anh hóa thân rất tốt vào thân phận người cha có đứa con yêu người đàn bà có chồng là người đồng tính, vì thương con nên ông ngăn cấm. Thế nhưng, kết quả của vở diễn này chỉ diễn viên Công Danh được huy chương bạc.

Vốn là người có tính cách ít chú trọng vào danh hiệu nên Trung Dân không tỏ thái độ buồn vui khi được hỏi đến kết quả này. Một kiểu nào đó anh lý giải rằng hội đồng giám khảo có lý do riêng trong quyết định, anh là thí sinh dự thi không có gì để phản biện. Với kỳ thi này, anh góp sức vào tập thể, và nếu có huy chương cũng là một kỷ niệm trong vô vàn kỷ niệm đời nghệ sĩ. Hiện nay, Trung Dân cũng là một ngôi sao lớn bên cạnh Thanh Thủy, Minh Nhí, Quốc Thảo…

Thấy gì qua kết quả liên hoan sân khấu TPHCM lần 1 - Khát vọng phương Nam? ảnh 2

Trung Dân vai người cha diễn cảm xúc trong vở Tiếng chim vườn ngọc lan

Sân khấu Hoàng Thái Thanh lần đầu tiên tham dự Liên hoan, nghệ sĩ Ái Như nhận huy chương vàng cá nhân, bộc bạch: “ Chúng tôi tham gia liên hoan trên tinh thần học hỏi, vô tư, nên được giải thưởng vừa vui vừa bất ngờ vì chỉ biết cống hiến chứ không biết được tiêu chí chấm điểm. Tôi ghi nhận một điều là hội đồng đã rất linh hoạt trong việc xét thời lượng vở diễn. Quy định ban đầu mỗi vở chỉ hơn 2 tiếng, nhưng rất nhiều vở trong liên hoan đến 3 tiếng. Nhưng thời lượng đó phù hợp để kể câu chuyện hay nhất có thể, và hội đồng giám khảo chấp nhận. Tôi mong rằng kết quả của sân khấu chúng tôi tại liên hoan đến được công chúng nhiều hơn. Đó là cách hỗ trợ chúng tôi rất hữu hiệu trong bối cảnh đời sống kịch còn đang khó khăn”.

Nhìn chung liên hoan thành công nhất định trong bối cảnh đời sống kịch nghệ diễn ra tại TPHCM. Dẫu đâu đó có ý kiến chưa thực sự hài lòng với kết quả ở điểm này điểm kia, nhưng nhìn khách quan tính hợp lý khá cao so với kết quả của các kỳ liên hoan khác. Vấn đề ở đây là mỗi sân khấu có một đối tượng khán giả riêng biệt, sau liên hoan họ sẽ trở về phục vụ cho những người mua từng tấm vé để thưởng thức. Hiện tại, các sân khấu bán vé rất mạnh, gồm: Thế Giới Trẻ, Thiên Đăng, Nhà hát Thanh Niên. Và gần đây, Nhà hát kịch Idecaf đã hồi sinh sau quá trình thay máu nhân sự. Sân khấu Hoàng Thái Thanh bán vé tốt nhưng vẫn luôn giữ sự thâm trầm và thừa nhận vẫn còn phải bù lỗ.

Nguyễn An Thi, bà bầu sân khấu Thế Giới Trẻ cho biết: “Chúng tôi đưa 2 vở tham dự liên hoan, một vở bán vé rất chạy và một vở mới ra mắt 2 suất cũng bán vé tốt. Đương nhiên, chúng tôi mong muốn đạt kết quả cao hơn nhưng hội đồng có lý do riêng. Điều tích cực tôi nhận ra qua kỳ thi này là qua sự chấm điểm của hội đồng giám khảo, chúng tôi tự điều chỉnh và nâng cao chất lượng vở diễn của chúng tôi. Chúng tôi vẫn làm những gì khán giả đang thích nhưng sẽ áp dụng sáng tạo mới mẻ và chất lượng hơn. Liên hoan là sân chơi ý nghĩa, nhưng điều quan trọng là sau liên hoan chúng tôi vẫn động não để sân khấu tiếp tục sáng đèn như bao năm qua”.

Thực tế trong các kỳ liên hoan, có nhiều đơn vị do bị động về nhà hát, họ chỉ xuất hiện trong thời gian thi. Sau đó, vở diễn xếp kho hoặc là lâu lâu mới có dịp mang đi diễn hợp đồng.

Các điều tra viên thuộc Cơ quan chống tham nhũng nhà nước Hàn Quốc tiến vào tư dinh Tổng thống bị luận tội để thực thi lệnh bắt giữ ông Yoon Suk Yeol, tại Seoul, ngày 3/1/2025. Ảnh: YONHAP.
Cảnh sát Hàn Quốc thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, các điều tra viên và cảnh sát Hàn Quốc đã tiến vào dinh thự của Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol liên quan đến nỗ lực áp đặt lệnh thiết quân luật bất thành vào tháng trước. Đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng nước này tìm cách bắt giữ một tổng thống đương nhiệm.