Xộc xệch đồng phục học sinh

[Ngày Nay] - Đồng phục học sinh, chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ. Cứ hễ đầu năm, nhiều phụ huynh học sinh lại không hẹn mà… cùng phàn nàn, kêu ca về đồng phục khi gửi con tới trường..
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trường học “sính lễ nghĩa”

Từ ngày cậu con trai vào lớp 1, chị Minh Lý (số 23, ngõ 74 Cầu Diễn, Hà Nội) thường phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng, bao gồm 2 bộ đồ mùa hè (dài và ngắn), 2 bộ đồ thể dục (dài và ngắn), 1 áo khoác mùa đông sắm đồng phục đầu năm cho con. Số tiền đồng phục cộng với các khoản tiền đóng góp đầu năm khác đã thổi bay tháng lương của chị.

Chị bảo, đồng phục của các con may theo khung số đo có sẵn nên phải chấp nhận “vừa tương đối”, không thể vừa vặn với từng học sinh. “Con nhà tôi nhỏ thó, quần áo rộng quá không chỉ vướng víu khi chơi mà còn ảnh hưởng đến mọi hoạt động khác của con ở trường. Chưa kể áo quần mũi chỉ thưa, đường vắt sổ lỏng lẻo, những sợi chỉ thừa dài loằng ngoằng chỉ rút nhẹ là tuột hết… Với cái đà nghịch của cu con nhà này chắc phải mua gấp đôi các bạn khác đề phòng rách, bẩn” – chị Lý than thở.

Xộc xệch đồng phục học sinh ảnh 1

Chuyện kích cỡ đồng phục học sinh được nhiều bà mẹ bàn tán rôm rả trên các diễn đàn mạng, nhưng rôm rả hơn là chất lượng của nó. “Vải may quần áo đồng phục của trường thường pha nhiều nilon, đũng quần thường rất chật, mặc bí mà con gái mình lại hay ra mồ hôi. Hồi con còn học tiểu học, cháu đùa nghịch nhiều, nóng bức rất khổ sở” – chị Huệ, một phụ huynh quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết.

Để “chữa cháy”, nhiều phụ huynh học sinh như chị Huệ tự mua vải và thuê may bên ngoài theo mẫu giống đồng phục quy định ở trường để con không khổ sở vì nóng bức. “Nếu chỉ đơn giản áo trắng quần sẫm mầu thì quá dễ xoay sở, đằng này đồng phục của trường con cầu kỳ, phức tạp theo một cách rất riêng” – chị kể. “Học sinh nữ theo quy định phải mặc váy đỏ, bên trên là áo trắng vải phông dày, hai bên ống tay áo đáp viền đỏ, cổ áo cũng màu đỏ theo đúng tông màu váy nên thuê may 1-2 bộ váy áo cho con rất cầu kỳ.

Muốn con có đồng phục thấm hút mồ hôi tốt, vải xịn phải cắn răng đi thuê may với số tiền gấp 2-3 lần đặt mua ở trường”. Đó cũng là tiếng thở dài của một phụ huynh có con học tại một trường THCS quận Hai Bà Trưng: Đã chất liệu bí còn mẫu mã độc, năm nào mẫu mã đồng phục của trường con cũng có nét riêng biệt rất khó may bên ngoài, khi thì điểm xuyết dăm ba họa tiết nhỏ ở cổ áo, ống tay, khi có thêm lớp diềm ở chân váy khiến nhiều mẹ chào thua.

Một topic trên Webtretho cách đây vài năm đã thu hút được đa số các bà mẹ tham gia với câu hỏi “nhạy cảm”: Có mẹ nào biết chỗ mua – may đồng phục chất liệu tốt không? – Phía sau câu hỏi là tới tấp câu trả lời các địa chỉ được nhắn nhủ... Thế mới thấy nhu cầu may – mua đồng phục bên ngoài cổng trường lớn cỡ nào.

May được đồng phục đã là may, nhiều phụ huynh học sinh phải lao đao mua cái logo in tên trường may vào đồng phục cho đúng quy định. Cũng trên một diễn đàn mạng lớn, một chủ đề khiến đông đảo bà mẹ “nhảy vào” thảo luận với nội dung bé xíu: “Mình muốn hỏi các mẹ mua logo đồng phục của trường THCS Giảng Võ thì mua ở đâu?”. Chưa hết, trớ trêu ở chỗ, logo trường thường phải thêu hoặc in nên nếu phụ huynh muốn mua 1-3 cái thì hơi khó. Nhiều bà mẹ rủ nhau lập nhóm đặt thêu logo chung để vượt khó.

Xộc xệch đồng phục học sinh ảnh 2

Một phụ huynh có con học trường THPT Quang Trung, quận Đống Đa từ mấy năm nay đã chấp nhận mua đồng phục của trường chỉ để… lấy logo, sau đó cắt logo đính sang áo tự may. Nhưng mánh khóe này khó thực hiện tại các trường có logo in thẳng vào ngực áo, ống tay. Nhiều phụ huynh chỉ biết cười ra nước mắt nhìn con khoác chiếc áo chất liệu bức bí đến trường.

Chị Khánh Chi – một phụ huynh có con học tiểu học ở quận Long Biên kể, bé nhà chị 3 năm chẳng tăng cân nào, một bộ đồng phục có thể tái sử dụng đến 3 năm, nhưng trường quy định đồng phục theo khối nên năm nào cũng phải móc hầu bao vài ba triệu mua đồng phục. “Hai vợ chồng làm nhà nước, lương theo bậc, riêng chuyện mua đồng phục và đồ dùng đầu năm cho con đã ngốn đến vài triệu đồng”.

Không chỉ con nhà nghèo khóc, nhiều phụ huynh có con theo học các trường quốc tế, ngoài công lập cũng kêu trời vì đồng phục cho con tính sơ sơ dễ đến chục loại: đồng phụ mùa hè, mùa thu, mùa đông, đồng phục thể thao, tập erobic, thậm chí đồng phục giày, tất, thắt lưng: “Nữ, tất trắng, không hoa văn, giày da màu đen tuyền (che kín ngón chân), giày cao tối đa 2cm, Nam: Tất trắng, không hoa văn, giày da màu đen sạch và đánh bóng, thắt lưng da màu đen…”. Sự “sính lễ nghĩa” ở nhiều trường đã khiến khoản chi mua sắm đồng phục không còn là mức chi nhỏ trong đầu năm.

Không chỉ với khối phổ thông, phong trào đồng phục còn lan ra cả bậc học mầm non. Một phụ huynh gửi con tại một trường mầm non ở Ninh Hiệp, Gia Lâm chia sẻ: con chị vào học phải mua đồng phục cho con mặc vào thứ Hai và thứ Sáu. Chị băn khoăn trẻ hay nôn trớ, thay áo quần thường xuyên thì sao mặc đồng phục?

Một trường mầm non khác ở quận Đống Đa cũng có đồng phục gồm áo phông, quần đùi, mũ lưỡi trai nhưng chỉ mặc trong dịp khai giảng, tham quan. Số tiền mua đồng phục chỉ dùng 1-2 lần rồi vứt tủ.

Tiếng thở dài trên mạng

Với học sinh, đồng phục là trang phục mang nét đẹp học trò, thể hiện tác phong văn hóa của học sinh. Đồng phục còn nhằm giúp học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hóa.

Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định việc mặc đồng phục của học sinh “phải bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường”.

Xộc xệch đồng phục học sinh ảnh 3

Khoét logo áo mua đính vào áo may (Ảnh minh họa I.T)

Đồng phục phải phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác, bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường không được bắt ép học sinh mặc đồng phục hằng ngày. Nhưng đa số, trường nào cũng chạy theo phong trào đồng phục.

Điều đáng nói, phụ huynh nào kêu ca, phản hồi tiêu cực về đồng phục sẽ khiến con “gặp nhiều rắc rối tại trường”, nên hầu hết các mẹ chỉ than thở… trên mạng.

Nhiều phụ huynh không muốn công khai nói tên lớp, tên trường của các con vì sợ con liên lụy.

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, quy định học sinh mặc đồng phục có cả ưu và nhược điểm. Trước tiên, đồng phục tạo sự bình đẳng giữa các học sinh, giúp các em tăng cường đoàn kết, tạo cảm giác tự hào về mái trường; đưa ra một khuôn mẫu về trang phục của học sinh, tránh cách ăn mặc bất lịch sự…

Lại có ý kiến cũng cho rằng, đồng phục vi phạm tự do của người học; tạo gánh nặng kinh tế cho các gia đình nghèo. So sánh giữa việc nên hay không nên mặc đồng phục, ông Nhĩ vẫn ủng hộ chủ trương mặc đồng phục. Ông cho rằng, vấn đề ở đây, không phải phủ nhận mà quy định sao cho hợp lý, được học sinh và phụ huynh ủng hộ.

Theo một chuyên gia ngành giáo dục, vấn đề hiện nay là đồng phục đang bị… mang tiếng oan do nhà trường đặt nặng giá thành khiến nó trở thành gánh nặng cho nhiều hộ gia đình. Khi thì phụ huynh kêu nhà may làm ẩu, dùng vải chất lượng kém để hạ giá thành, ăn chênh lệch, khi thì phụ huynh “tố” nhà trường lợi dụng việc bán đồng phục để nhận “hoa hồng” của nhà may...

Nhiều trường bất chấp dư luận, hết năm này qua năm khác vẫn may chất liệu vải bí, vẫn làm khó phụ huynh bằng các mẫu mã độc lạ… mà không tiếp thu ý kiến bên ngoài để cải tiến, thay đổi, giải tỏa nỗi lòng khó nói cho học sinh mỗi khi mặc đồng phục.

“Cái gì không tạo ra chất lượng học tập thì nên bỏ bớt để giảm gánh nặng chi tiêu cho gia đình học sinh, nhà trường càng bày vẽ ra nhiều thứ rườm rà càng khiến phụ huynh bức xúc. Phụ huynh là người bỏ tiền nên không thể không bức xúc, nhưng suy cho cùng, khổ nhất vẫn là người mặc đồng phục.

Các em đang tuổi ăn tuổi lớn, mặc những bộ đồng phục không thấm mồ hôi, chỉ cần chạy nhảy mạnh là đứt chỉ, tuột khuy áo, rách đũng quần… thì sao học hành, vui chơi thoải mái?

Các trường học thay vì áp đặt mẫu chung, hãy lấy ý kiến của phụ huynh một cách công tâm để tìm ra phương án đồng phục hợp lý nhất, vì một môi trường học tập đẹp mắt và hòa đồng” – vị chuyên gia này cho hay.

Một phụ huynh có con học cấp THCS quận Hai Bà Trưng phản ánh, nhiều trường học trong quận và ở các tỉnh thành khác rút ngắn thời gian mặc đồng phục của học sinh xuống còn 1-2 buổi/tuần để học sinh được linh hoạt chọn trang phục, nhưng trường con chị lại bắt buộc học sinh phải mặc đủ 6/6 ngày. Gia đình chị không còn cách nào khác phải mua tới 3-4 bộ đồng phục cho con để đảm bảo có quần áo thay mới hàng ngày.

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.