Xót xa những em bé chưa chào đời đã trở thành món hàng để kẻ bán, người mua

Với nhận thức còn hạn chế cộng với cái nghèo đeo bám truyền kiếp đã khiến những người mẹ nhẫn tâm bán đi đứa con còn chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Đây hiện đang là vấn nạn nóng bỏng xảy ra tại một huyện miền núi vùng cao xứ Nghệ.
Chị Lo Thị M vẫn trong căn nhà xập xệ, chật chội mặc dù đã bán con với hy vọng “thoát nghèo”.
Chị Lo Thị M vẫn trong căn nhà xập xệ, chật chội mặc dù đã bán con với hy vọng “thoát nghèo”.

Chúng tôi tìm đến xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vào một ngày đầu năm rét mướt. Sau khi vượt qua những con dốc thẳng đứng và rất nhiều khe suối dọc đường đi, những hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là những ngôi nhà sàn không kín gió nằm san sát nhau, những đứa trẻ mặt mũi lem luốc, quần áo mỏng manh, rách rưới đang chống chọi với cái rét căm căm của miền biên viễn.

Theo chân một công an viên của xã, chúng tôi được dẫn đến nhà của người phụ nữ được mệnh danh là “tiên phong” trong phong trào tự phát này. Đó là chị Mạc Thị H. (SN 1980, trú bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà lụp xụp, chị H. không hề giấu giếm, thậm chí còn “tự hào” khi mình là một trong những người đã mở đầu cho "phong trào" bán con để “thoát nghèo” ở vùng cao này.

Chị kể, cách đây vài năm, khi đang mang bầu đứa thứ 4, chị nhận được điện thoại của một người quen ở bên Trung Quốc hỏi việc muốn mua lại đứa con trong bụng chị. Chị bàn với chồng nhưng chồng không đồng ý.

Tuy nhiên sau đó, thấy món tiền được nhận khi bán con là rất lớn, trong khi nhà lại đang nợ nần, túng thiếu, chị H. quyết định trốn chồng, theo hướng dẫn của “người quen” bắt xe khách ra Quảng Ninh rồi được đón sang Trung Quốc. Tại đây, sau khi sinh bé gái, chị H. được “người quen” trả 30 triệu đồng rồi đưa lên xe khách quay trở lại Việt Nam.

“Sau khi em đi sang Trung Quốc rồi quay về đưa tiền cho chồng, chồng rất vui, không ai ngờ là có thể kiếm tiền nhanh và nhiều bằng cách như vậy cả. Mọi người thấy em kiếm được tiền dễ thì dần dần biết và làm theo, rồi có cả những người làm môi giới dẫn người đi nữa”, chị H. nói.

Cùng chung cảnh đông con, đói nghèo và thấy "kiếm tiền dễ" như chị Mạc Thị H, chị Lo Thị M. (SN 1984, trú bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), dù đã bán con lấy tiền tiêu xài từ 2 năm trước nhưng người mẹ này vẫn không hề tỏ ra hối hận với việc mình làm. Trong thâm tâm, chị vẫn nghĩ rằng, con mình đang được một người nào đó bên Trung Quốc nuôi hộ, chứ không phải mình bán con.

Chị M. cho biết, vào thời điểm chị mang thai tháng thứ 8 thì có một người em gái họ hàng lấy chồng ở Trung Quốc gọi điện về bảo sang bên đó sinh con, rồi để lại bên này có người nuôi giúp cho. Con sẽ được sống sung túc, mẹ lại có 80 triệu đồng mang về để sắm sửa, tiêu xài.

Trong khi hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn, nghe đến việc sinh con không phải nuôi, lại có số tiền lớn đến mức mà trong đời chị mới nghe được lần đầu. Không suy nghĩ, cũng chẳng cần hỏi ý kiến chồng, chị M. lặng lẽ vượt biên theo hướng dẫn của “người họ hàng” để sinh con và kiếm khoản tiền về trang trải cuộc sống.

Xót xa những em bé chưa chào đời đã trở thành món hàng để kẻ bán, người mua ảnh 1

Chị Moong Thị K đang kể về việc vừa vượt biên bán con trở về.

Nói chuyện với chúng tôi, chị M. khôn giấu được sự hào hứng, còn khoe đống gỗ mới dựng trước túp lều rách nát cùng chiếc ti vi mới toanh mà vợ chồng chị vừa mua về bằng số tiền bán con

Trường hợp của chị H, chị M đều đã bán con cách đây đã 2 - 3 năm nhưng đến nay cái nghèo, cái đói vẫn đang quẩn quanh bên gia đình các chị. Những đứa trẻ đói ăn, thiếu mặc vẫn hàng ngày hiển hiện trước mắt. Lý do chính là họ đều chưa có kiến thức, kỹ năng quản lý chi tiêu. Khi bỗng dưng có khoản tiền lớn trong tay, họ không có kế hoạch sử dụng lâu dài, mà chi tiêu một cách hoang phí. Thế nên kết cục là “con mất” mà nợ vẫn còn.

Thế nhưng, vì lòng tham, các chị em khác trong bản vẫn không lấy đó làm gương mà vẫn tiếp tục dấn sâu hơn. Điển hình như Moong Thị K. (SN 1992, trú ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An) vừa vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai trở về.

Chị K. bán con sau khi được mời chào từ một số điện thoại lạ. Lấy chồng sớm, lại sinh con liên tục nên mặc dù đã quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên nương, rẫy, nhưng cái nghèo vẫn chẳng chịu buông tha. Khi nghe có người lạ gọi điện nói sang Trung Quốc đẻ con rồi để lại cho họ nuôi hộ, chị chỉ việc nhận tiền rồi về Việt Nam chị K đã đồng ý ngay.

hị K kể: Sau cuộc điện thoại trao đổi, 1 tuần sau có người đến dẫn chị K. ra Quốc lộ 7 bắt xe sang Trung Quốc. Sau cuộc hành trình ròng rã 3 ngày 3 đêm chị được dừng chân ở một vùng nông thôn hẻo lánh, nằm sâu trong nội địa Trung Quốc mà chị cũng không biết là tỉnh nào. Tại đây, chị K. được chăm sóc chờ đến ngày sinh nở. Đến ngày sinh, họ đưa chị K. đến bệnh viện nhưng khi sinh xong là họ mang con đi luôn, chị K. cũng không được nhìn thấy mặt con, cũng chẳng kịp cho con bú sữa mẹ. Sau khi sinh nở, chị K. ở lại nghỉ ngơi ít ngày rồi phải nhanh chóng lên xe khách quay trở lại Việt Nam.

Theo tìm hiểu được biết, hành trình vượt biên bán con của những phụ nữ nơi đây đều theo trình tự: Xuất phát từ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bằng xe khách đến huyện Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó được môi giới chuyển sang đường thủy rồi được một người Trung Quốc chờ sẵn và đón lên thuyền vượt sông, qua bên kia biên giới. Hiện, mỗi bào thai sang Trung Quốc bán có giá từ 40 – 50 triệu đồng đối với bé trai và 70 – 80 triệu đồng đối với bé gái, thậm chí một số trường hợp giá cao hơn.

Với người dân nghèo nơi đây thì số tiền trên là cả gia tài mà họ làm quần quật hàng chục năm trời trên nương rẫy cũng không thể nào kiếm được. Chính vì vậy, khi có tiền thì ngoài việc trả nợ, họ lập tức sắm sửa những vật dụng trong nhà và tiêu xài hoang phí.

Ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết: “Đến nay, đã có 22 trường hợp là phụ nữ ở xã Hữu Kiệm vượt biên qua Trung Quốc để bán con mới sinh ra, trong đó chiếm số đông tại hai bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Đây cũng là hai bản khó khăn nhất của xã.

Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với những trường hợp này và họ đều thừa nhận. Nguyên nhân dẫn đến có tình trạng trên là vì trình độ dân trí người dân còn thấp, kinh tế khó khăn nên họ bán con; bên cạnh đó, là do việc sinh đẻ quá nhiều nên tình mẫu tử không được coi trọng.

Bên cạnh đó, do chưa có chế tài xử lý khiến chính quyền vô cùng lúng túng. Vì vậy, xã chỉ có thể  tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu. Sau đó, các cán bộ sẽ đề nghị người dân ký cam kết không được thực hiện hành vi bán con nữa.

Những người phụ nữ Khơ Mú ở Hữu Kiệm ra đi với bụng bầu sắp sinh nhưng khi trở về đã để lại đứa con mang nặng đẻ đau của mình nơi đất khách quê người để đổi lấy những đồng tiền bán con theo thỏa thuận với ước muốn được “thoát nghèo”. Thế nhưng, đến nay những người phụ nữ liều mình bụng mang dạ chửa, chấp nhận hiểm nguy để sang Trung Quốc bán con, bất chấp tình mẫu tử ấy đều chưa ai thoát được nghèo.

Những ngôi nhà lụp xụp, trống trơn vẫn còn đó, con cái vẫn bị bỏ học giữa chừng, và cái nghèo vẫn còn đang đeo bám mãi người dân nơi đây...     

Theo Công lý
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.