Tính đến cuối giờ chiều nay (20/7), Yên Bái đã có 8 người chết do sạt lở đất vùi lấp ở huyện Trấn Yên, Mù Cang Chải và Văn Chấn. Cũng tại địa bàn ba huyện này đã có 16 người mất tích và 8 người bị thương. Trong lúc cùng gia đình và người dân di chuyển đồ đạc chạy lũ, ông Đặng Quốc Tài, Phó bí thư Đảng ủy xã, đã bị lũ cuốn chết, ba người nữa trong gia đình ông cũng đã bị cuốn mất tích. Địa bàn toàn tỉnh có 642 nhà bị thiệt hại, trong đó chủ yếu bị sập và tốc mái, số nhà bị hỏng hoàn toàn lên đến 200 nhà.
Ngoài ra, Yên Bái còn chịu thiệt hại rất nặng về nông nghiệp với hơn 700ha lúa bị ngập sâu, trong đó huyện Trấn Yên có tới hơn 400ha. Các công trình giao thông bị tàn phá nghiêm trọng với hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm ở nhiều tuyến đường (QL 32, trục đường 166, 174, 172…), gây ách tắc giao thông, và hầu hết hiện chưa thể thông tuyến.
Hiện nhiều xã thuộc Văn Chấn đã bị cô lập hoàn toàn và lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận. Có tới hàng trăm mét kè suối Thia, suối Nung bị sạt lở, và nguy cơ vỡ nhiều đập đang đe dọa khi lượng mưa lớn vẫn đổ xuống và lũ tràn về rất lớn. Đáng chú ý, đập chứa thải của công ty khoáng sản Minh Đức ở xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên) bị vỡ do không trụ được vì sức nước, khiến lực lượng chức năng đã phải di dời toàn bộ dân sống khu vực phía vùng dưới.
Tại TP Yên Bái, hàng trăm gia đình thuộc phường Hồng Hà đã bị đảo lộn sinh hoạt khi nước sông Hồng (đã báo động cấp 3) dâng cao tràn vào cùng mưa úng cục bộ. Lực lượng công an, dân phòng và hàng trăm đoàn viên thanh niên đã được huy động giúp dân khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó với diễn biến xấu tiếp theo. Lực lượng quân đội cũng đã sẵn sàng đến với các địa bàn trên toàn tỉnh triển khai ứng cứu người bị nạn và khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Ước tính thiệt hại ban đầu tại Yên Bái là 30 tỷ đồng.