Quốc hội lần này sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Các dự án Luật được xem xét tại kỳ họp này đều là những văn bản quan trọng, được cử tri và xã hội quan tâm. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, 13 dự án luật đã được chỉnh lý hoàn thiện, đáp ứng đủ các điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Ngày Nay xin giới thiệu bài viết về Luật Quy hoạch, 1 trong số 12 dự án luật được xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
1. Một trong những giá trị quan trọng nhất của dự thảo luật là đặt tính thống nhất trong quản lý Nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia lên hàng đầu
Luật Quy hoạch bổ sung việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia với vai trò kết nối giữa chiến lược và kế hoạch, có nhiệm vụ tổ chức không gian phát triển ổn định lâu dài và phân bổ, sử dụng hiệu quả tối ưu nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế, năng lực cạnh tranh của cả nước, các vùng lãnh thổ và từng địa phương, từ đó làm cơ sở để xây dựng giải pháp thực hiện bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm.
Luật Quy hoạch góp phần tăng hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước; tạo ra sự liên kết và tương tác chặt chẽ hơn giữa các Bộ, cơ quan, địa phương, hình thành sức mạnh tổng hợp trong phân bổ nguồn lực và việc thực hiện; tạo ra sự kết nối thống nhất trong chiến lược – quy hoạch – kế hoạch.
2. Luật Quy hoạch thiết lập cơ chế minh bạch trong công tác quy hoạch, nâng cao vai trò của cộng đồng, người dân và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu
Hiện nay, cơ chế giám sát của cộng đồng đối với thực thi quy hoạch gần như chưa được thể chế hóa, người dân có phát hiện việc thực hiện trái quy hoạch thì cũng không biết nói với ai. Ví dụ, quy định về quy hoạch phát triển KTXH ở cấp cao nhất là Nghị định 92/2006/NĐ-CP không có nêu về việc xin ý kiến người dân, cũng không có nêu về việc tổ chức công bố quy hoạch.
Do đó, giải pháp được đưa ra là bổ sung sự tham gia, tham vấn của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân nhằm tăng vai trò giám sát của họ đối với quá trình thực thi quy hoạch. Vì vậy dự thảo Luật mới có 01 Điều về xin ý kiến người dân (Điều 20) và 07 Điều về công bố Quy hoạch (Điều 38, Điều 44).
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và xã hội sẽ giám sát, đánh giá, tổ chức thực hiện quy hoạch. Đồng thời, Luật Quy hoạch quy định rõ việc yêu cầu công bố công khai, cung cấp thông tin về tất cả các loại quy hoạch sau khi được phê duyệt, đồng thời quy định cụ thể người chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin.
3. Tinh giản hệ thống văn bản pháp luật, rút lại chỉ còn 2 văn bản luật từ 95 luật và pháp lệnh về quy hoạch hiện có
95 luật và pháp lệnh (chiếm gần 50% tổng số luật, pháp lệnh có hiệu lực) là rất lớn, đang chi phối lĩnh vực này hiện nay, và đương nhiên rất rối về phạm vi, đối tượng, nhiệm vụ, nội dung, cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt...
Sẽ chỉ còn 2 văn bản luật điều chỉnh về công tác quy hoạch khi Luật Quy hoạch ra đời. Đó là Luật Quy hoạch điều chỉnh chung các loại quy hoạch tổng thể từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh và Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn điều chỉnh các quy hoạch chi tiết từ cấp huyện đến cấp xã.
Điều này tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và ngay cả những cán bộ làm công tác quản lý tiếp cận thông tin đơn giản và dễ tra cứu hơn.
4. Giảm số lượng phải lập từ tổng số 19.285 quy hoạch xuống còn 11.413. Trong đó, giảm 97% từ 4.362 quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh xuống còn 110 quy hoạch
Hiện nay, tổng số quy hoạch được lập là 19.285 cho giai đoạn 2011-2020 ở tất cả các cấp và vùng lãnh thổ.
Luật Quy hoạch sẽ giảm số lượng quy hoạch xuống chỉ còn 11.413. Trong đó có 110 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, bao gồm 01 quy hoạch tổng thể quốc gia, 01 quy hoạch không gian biển quốc gia, 01 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 38 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 06 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh và 11.305 quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn.
Hơn nữa, số lượng quy hoạch sẽ giảm 97% từ 4.362 quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh xuống còn 110 quy hoạch. Cụ thể như sau:
(i) Quy hoạch ở cấp quốc gia giảm từ 270 xuống còn 41 quy hoạch
(ii) Quy hoạch ở cấp vùng giảm từ 76 còn 6 quy hoạch
(iii) Quy hoạch ở cấp tỉnh giảm từ 3.308 xuống còn 63 quy hoạch
Đồng thời loại bỏ 708 Quy hoạch tổng thể ở cấp huyện do được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
5. Tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương, mọi vấn đề về xung đột được giải quyết
Cách làm hiện nay là quy hoạch một cách riêng lẻ, ngành nào biết ngành đó như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực… được lập ra một cách độc lập, dẫn đến xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương, xung đột giữa trung ương và địa phương, giữa ngành và địa phương, xung đột giữa doanh nghiệp và người dân. Xung đột ngày càng lớn về sử dụng không gian giữa các ngành trong một quốc gia, nên không nhìn rõ được hiệu quả từ quy hoạch.
Luật quy hoạch xử lý việc trên bằng cách chỉ có một bản quy hoạch chung thống nhất trên dưới, được tích hợp đa ngành lại, các bên sẽ cùng nhau tìm tiếng nói chung trên cơ sở lợi ích chung của quốc gia.
6. Sẽ chỉ còn 38 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm từ 3.372 quy hoạch hiện có
Luật Quy hoạch ra đời sẽ giảm số lượng từ 3.372 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu (thống kê cho giai đoạn 2011-2020) xuống chỉ còn 38 quy hoạch ngành ở cấp quốc gia.
Luật Quy hoạch ra đời sẽ chấm dứt các loại quy hoạch sản phẩm, cũng như các kiểu quy hoạch chẳng giống ai như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, quy hoạch cơ sở kinh doanh thuốc lá, quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng, quy hoạch làng nghề sản xuất rượu, quy hoạch mạng lưới buôn bán thuốc lá, quy hoạch cá rô phi, quy hoạch dưa hấu... và chỉ lập quy hoạch đối với các ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Luật Quy hoạch sẽ khắc phục được thực trạng xin-cho, đưa vào-đưa ra các dự án khỏi quy hoạch một cách tùy tiện (Ảnh minh họa) |
Luật Quy hoạch xóa bỏ hoàn toàn các quy hoạch sản phẩm, thay đổi tư duy quản lý từ tập trung bao cấp sang phù hợp với kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy nhiều cơ quan quản lý nào cũng muốn can thiệp sâu vào thị trường, chỉ huy thị trường, định hướng thị trường và làm thay thị trường. Rất nhiều minh chứng như việc các bộ, ngành lập quy hoạch trồng bao nhiêu hec-ta cây cao su, hồ tiêu; nuôi trồng bao nhiêu hec-ta tôm, cá tra; nuôi bao nhiêu đàn bò; sản xuất bao nhiêu tấn xi măng, sắt thép … Bằng cách làm như thế này, nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu bị lãng quên.
Luật Quy hoạch giúp tháo gỡ về thể chế ở điểm này, phân biệt mạch lạc mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước thực hiện chức năng kiến tạo, tạo động lực; thị trường tự quyết định và điều chỉnh chính mình.
7. Phương pháp lập quy hoạch tích hợp đa ngành theo xu hướng quốc tế, hiện đại, nhất quán và hiệu quả
Phương pháp quy hoạch truyền thống đang làm hiện nay có bốn loại quy hoạch chính là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch xây dựng; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu đều đang được lập ra một cách riêng rẽ, tách biệt nhau.
Luật Quy hoạch thay đổi cách trên. Hệ thống quy hoạch sẽ có ở cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Cấp quốc gia có quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch ngành quốc gia; cấp vùng có quy hoạch vùng và cấp tỉnh có quy hoạch tỉnh. Đối với quy hoạch đô thị, nông thôn (là quy hoạch chi tiết), sẽ căn cứ các quy hoạch trên cùng với các quy định riêng của pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn để lập.
Cách thức lập quy hoạch theo kiểu truyền thống hiện nay được chuyển sang cách thức hiện đại, dựa theo phương pháp quy hoạch chiến lược và nội dung quy hoạch tích hợp, đa ngành. Với 02 quy trình lập quy hoạch từ trên xuống và từ dưới lên đồng thời bảo đảm có sự tham gia thực chất của các thành phần liên quan, đặc biệt tiếng nói của cộng đồng và bảo đảm 2 chu trình lập quy hoạch.
Về nội dung, Luật Quy hoạch quy định rõ phạm vi, nguyên tắc của quy hoạch các cấp và xác định nội dung các loại quy hoạch theo hướng, càng xuống thấp càng thể hiện chi tiết; quy hoạch cấp dưới phải cụ thể hóa quy hoạch trên; từ đó sẽ đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của quy hoạch, tránh được sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa các quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng của quy hoạch.
8. Không tạo cơ hội cho cơ chế “xin – cho” liên quan đến quy hoạch và chạy dự án vào quy hoạch
Hiện nay, các ngành đều được giao làm quy hoạch ngành và sau đó ở một số ngành xuất hiện việc ngành phối hợp với doanh nghiệp lớn trong ngành đó lập quy hoạch. Đây chính là điểm hở để ngành đó và doanh nghiệp đó cài cắm các điều khoản quy định có lợi cho mình vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “vào - ra” quy hoạch một cách thiếu căn cứ hay tình trạng xin-cho dự án đầu tư tùy tiện.
Cách làm trước đây của chúng ta là từng bộ, từng ngành làm những quy hoạch riêng của mình để thực hiện chiến lược phát triển các ngành mình quản lý. Về lý thuyết, các bộ, ngành chủ quản xây dựng bản quy hoạch phải lấy ý kiến của các bộ, ngành khác. Nhưng thực tế cho thấy, sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành khác hầu như rất ít và thường không đầy đủ, không có sự phản biện tranh luận để có sự phân bổ sử dụng tối ưu các nguồn lực đất đai, tài nguyên của đất nước, dẫn đến khi thực hiện thường chồng chéo, mâu thuẫn. Những bản quy hoạch như vậy không sát với thực tế cuộc sống của người dân, doanh nghiệp nên xảy ra tình trạng sửa quy hoạch khá tùy tiện và không có thông tin giải trình.
Với việc quy định cụ định cụ thể về điều kiện được điều chỉnh quy hoạch, trình tự và thủ tục điều chỉnh quy hoach, Luật quy hoạch sẽ khắc phục được thực trạng điều chỉnh tùy tiện hiện nay, xin-cho, đưa vào-đưa ra các dự án khỏi quy hoạch một cách tùy tiện, hạn chế được sự lãng phí các nguồn lực quốc gia.
9. Tạo ra một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia thống nhất từ Trung ương đến địa phương
Luật quy hoạch với quy định về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia trên nền bản đồ số sẽ tạo kênh cung cấp thông tin quy hoạch thống nhất, chính thống và tin cậy cho phép cập nhật, khai thác, cung cấp và quản lý thông tin về quy hoạch một cách rõ ràng, minh bạch, công khai giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng trong việc quản lý và chủ động giải quyết các công việc điều hành phát triển kinh tế-xã hội; giúp cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội trong việc giám sát quy hoạch, giảm thiểu gánh nặng chi phí khi tìm hiểu thông tin quy hoạch để triển khai quyết định đầu tư.
Còn hiện tại, các dữ liệu đầu vào cho quá trình lập quy hoạch ở Việt Nam hiện nay không đồng đồng bộ và thống nhất, việc đánh giá và khớp nối thông tin hiện trạng thiếu chuẩn xác nên không đưa ra đánh giá chính xác cho hiện trạng và đề xuất các phương án phát triển cho tương lai, việc liên kết, cung cấp thông tin cho các đơn vị quản lý liên quan, người dân thiếu kịp thời, chính xác …