Ngày đầu tiên trong chuyến đi solo road trip “99 ngày xuyên Việt cùng Mai” đến với Sơn La tôi thấy mình khá lạc lõng. Bởi điểm dừng chân đầu tiên của tôi là một bản người Mông ở Tà Số, Mộc Châu, Sơn La. Tôi không hiểu đám trẻ trong bản nói gì khi chúng đang chơi đùa cùng tôi và lại phải quay sang “cầu cứu” ai đó dịch lại.
_______________
Tôi nằm co ro trong căn nhà gỗ homestay trên đồi giữa trời rét, sương muối giăng kín mà thấy sự cô đơn vây kín quanh mình trong cơn ốm. Tôi lóng ngóng cắm cái thẻ nhớ vào máy cũng còn bị ngược dù đã tập luyện rất nhiều trước ngày lên đường. Tôi rất nhận thấy rất nhiều thứ bất cập, non nớt ở bản thân mình khi đang tự loay hoay làm quen, thích nghi với môi trường mới lạ đã và đang đến trong hành trình một mình của mình rong ruổi khắp đất nước Việt Nam thân quen mà quá lạ lẫm. Và rồi dần dần những ngày của nỗi cô đơn như thế vơi đi khi tôi mở rộng tấm lòng của mình. Tôi đã bắt đầu học được cách quan tâm, yêu thương bản thân mình. Điều ấy nghe có vẻ nực cười, có vẻ sáo rỗng và có phần ngô nghê. Nhưng thực sự khi mình chỉ có một mình đi đến một nơi nào xa lạ, bạn mới có thể hiểu bản thân mình, cảm nhận từng suy nghĩ của mình để tìm cách vượt qua rất nhiều điều xảy ra ngoài dự định. Và từ đó tôi học cách biết ơn chính bản thân mình đã mở lòng với tất cả những hiểu biết vốn có và cả những kiến thức thiếu hụt về chính đồng bào trong đất nước mình.
Nụ cười của người phụ nữ đồng bào dân tộc Cống ở bản Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên |
Trên mỗi vùng đất tôi đi qua trong suốt 99 ngày của mình, tôi đã gặp rất nhiều con người mang lại dấu ấn lớn trong tâm trí tôi. Cái mà tôi đã nghĩ phải gọi tên nó đó là “văn hoá tình người” giữa những đồng bào nơi tôi đến với người khách phương xa như tôi.
Người Thái đen dạy tôi về cách nắm một nắm cơm trong tay rồi đặt nắm cơm vào tay người khách với mong muốn thể hiện về tình yêu thương mà họ dành cho người khách quý. Với người Thái đen, cơm gạo thể hiện cho sự ấm no, đầy đủ nên khi một nắm cơm được được trao cho nhau là cả một tình cảm, một sự chúc phúc cho người khách đặc biệt. Những nét văn hoá mang đậm màu sắc dân tộc Thái nhưng nó cũng chính là sự thể hiện văn hoá tình người thấm đẫm trong từng lời nói, món ăn họ trao gửi. Nắm cơm nhỏ nằm trong tay tôi vẫn còn ấm nóng như chính những tình cảm chân thật, gần gũi ấy mà bà con mỗi nơi tôi qua dành tặng tôi. Bà cụ nghệ nhân người Kháng nhắn tin nhắn bằng tiếng Kinh vẫn còn chưa chuẩn mà nước mắt tôi nhoè đi khi đọc : “ ..Ước gì bà hoá thành mây trên trời cao theo dấu chân con phù hộ cho con gặp nhiều may mắn..”.
Các cô gái dân tộc Mnông ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông |
Người phụ nữ dân tộc Cờ ho dệt vải làm trang phục ở xã Đưng Knớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. |
Cụ bà người Bố Y đang vấn khăn đầu cho tôi khi tôi ngỏ ý muốn được mặc bộ trang phục của đồng bào Bố Y. |
Từ những con người như thế tôi đã học được bài học về sự biết ơn những người vừa đó còn xa lạ mà nay đã trở thành quá đỗi thân quen để trở thành một phần kí ức đẹp trong chuyến đi “một mình nhưng không cô đơn của tôi. Tôi cũng học được cách biết ơn cả những khó khăn đã dạy tôi bài học tìm ra mọi cách xử lý bình tĩnh trong mọi tình huống xảy ra bất ngờ.
Ghi hình làn điệu dân ca của dân tộc Ê đê Buôn Mê Thuột. |
Những ngày hành trình tôi đông cứng giữa những vui buồn lẫn lộn vì có quá nhiều tư liệu mà tôi thực hiện được nhưng cũng là cảm giác đau đáu một điều gì đó sâu thẳm trong trái tim mình. Tôi nhận ra đó là quê hương! Đi khắp mọi miền đất nước tôi mới nhận ra sự thân quen, gắn bó nơi quê hương nó đặc biệt vô cùng. Khi tôi dành những ngày cuối cùng ở hành trình để về quê, rong ruổi khắp mọi con đường. Tôi về lại thành phố Vinh nơi tôi được sinh ra để thấy mình còn lũn chũn chạy chơi trên sân thượng nhà C7 không ngủ trưa để rồi về bị phạt úp mặt vào tường. Tôi thấy thân quen của với cái công tắc điện trên tường nơi tôi vẫn hay bị phạt nhưng cứ đứng mân mê, bật tắt nó để cho đỡ buồn sau khi đã khóc ấm ức. Tôi thấy bóng dáng Ba tôi đạp xe trên con đường cát giữa hai hàng phi lao chở tôi bé xíu ngồi phía sau hát vu vơ rồi thỉnh thoảng giật mình tỉnh giấc do ngủ gật. Tôi thấy tôi mênh mông giữa những cơn gió lào bỏng rát của vùng đất xứ Nghệ, mênh mông giữa kí ức tuổi thơ có Ba. Tôi học cách biết ơn quê hương mình nơi đã lưu giữ lại cho tôi cả một bầu trời kí ức. Học cách biết ơn gia đình mình hơn bất cứ lúc nào vì những năm tháng nhọc nhằn, nghèo khó vẫn nhường con miếng ăn ngon mà đôi khi là để cơm trộn nước mắt cho qua ngày.
Sau 99 ngày rong ruổi một mình trên chiếc xe yêu quý, tôi đã trở về Hà Nội bình an với đầy một “túi” kí ức và quá nhiều dữ liệu đáng quý về các dân tộc Việt Nam. Ngày tổng kết dữ liệu tôi như vỡ oà với những gì tôi đã làm được vì tôi đã làm được hơn mình mong đợi. 53 bộ trang phục của 33 đồng bào dân tộc với đầy đủ sắc màu trang phục và cả những câu chuyện về văn hoá của váy áo phụ nữ những nơi tôi đã đi qua. 49 làn điệu dân ca thu được từ miền núi phía Bắc đến đất mũi Cà Mau trải dài khắp 63 tỉnh thành mà tôi đã lái hơn 10.000km để có được những điều ấy.
Ghi hình làn điệu Dạ ời của đồng bào dân tộc Thổ ở Tân Kỳ, Nghệ An. |
Bữa cơm tối với gia đình bà Nghệ nhân Lò Thị Pháu - dân tộc Kháng ở Xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La được ăn các món dân tộc của người Kháng. |
Ngày cuối cùng của hành trình về đến Hà Nội lúc 22h đêm, tôi cứ tha thẩn khắp những con phố để nghe bài hát của Ba – Tan vào Hà Nội. Cứ réo rắt, thôi thúc trong lòng tôi như tiếng gọi tha thiết: “ Hà Nội ơi, tôi về rồi…Tôi tan vào Hà Nội, tôi tan vào Hà Nội chầm chậm cùng thu sang..”.
Tại rừng tràm Trà Sư xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang |
Mai và người bạn đồng hành trong chuyến solo road trip “99 ngày xuyên Việt cùng Mai”. |
Vâng, Hà Nội ơi, tôi về rồi sau 99 ngày không phải quá dài nhưng thực sự không hề ngắn để sẽ kể lại cho gia đình, bạn bè và độc giả khắp nơi về 99 ngày hạnh phúc – 99 ngày để tôi học cách biết ơn cuộc đời này!