Ai là người chủ trì buổi lễ cúng Giao thừa?
Cứ đúng chính Tý tức 0 giờ ngày 30 tháng Chạp, người đại diện cho cả nhà sẽ lên hương, cúng giao thừa ngoài trời để đón vị quan Hành khiển mới, tiễn vị quan Hành khiển cũ về trời. Nhưng người đại diện này là ai và cần chuẩn bị gì trước buổi lễ?
Theo các nhà phong thủy và dân gian truyền lại, người chủ trì các buổi lễ của năm mới đều phải là gia chủ (hay còn gọi là người trạch chủ) trong gia đình. Đó thường là người đàn ông trong gia đình hoặc người phụ nữ cao tuổi hay người đứng đầu trong gia đình.
Ảnh minh họa.
Lễ cúng giao thừa là lễ cúng để đem lại sự cát tường cho năm mới thì yêu cầu dù nam hay nữ đứng ra thực hiện lễ cúng phải tịnh thân. Có một lưu ý nhỏ cần ghi nhớ là người phụ nữ chủ trì buổi lễ sẽ phải giữ cho thân sạch sẽ, nếu đang trong kỳ kinh nguyệt thì tránh làm lễ, có thể ủy quyền cho người khác làm giúp.
Trước khi làm lễ phải tắm rửa sạch sẽ, việc quan hệ vợ chồng phải giữ từ 2 hôm trước để cho thân sạch. Không ăn những món tứ linh, không ăn cá chép, thịt chó, thịt mèo, thịt rùa… để tránh phạm ngũ phương long mạch ninh thần.
Cách thức lễ bái khi cúng Giao thừa
Thực tế, nhiều người không nắm được cách thức thực hiện từ khi bắt đầu tới khi kết thúc.
Theo kinh nghiệm các cụ cao niên truyền lại, đúng theo nghi lễ xưa, người thực hiện lễ lạy sẽ phải quì hai đầu gối xuống chiếu để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên ngang đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Liên tục lễ như vậy ba lần rồi lui ra sau.
Thời xưa, quy tắc lễ lạy cầu kỳ hơn, đòi hỏi người chủ trì phải đảm bảo đúng các bước. Người đàn ông khi hành lễ sẽ đứng thẳng, nghiêm, chắp hai tay trước ngực và giơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì hai gối trên chiếu (chân trái xuống trước), và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ phục.
Ảnh minh họa.
Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Theo đó lạy tiếp ba vái rồi lui ra.
Đối với phụ nữ, khi hành lễ thì ngồi hẳn xuống đất, vắt chéo hai chân về phía trái, bàn chân ngửa lên. Nếu mặc áo dài thì phải kéo tà cho ngay ngắn. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều cụ đã cao tuổi, việc ngồi bắt chéo chân khiến các cụ nhanh mỏi, không ngồi lễ được lâu nên thường khoanh chân lại, giấu hai bàn chân xuống dưới đùi. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống.
Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Theo đó lạy tiếp ba vái rồi lui về phía sau, hoàn tất lễ lạy.
Sau khi hoàn thành lễ lạy, người chủ trì sẽ đọc theo bài văn khấn cúng giao thừa rồi hóa vàng sớ.
Đặc biệt lưu ý rằng, trong sớ phải viết cẩn thận, tiền vàng chuẩn bị đầy đủ cho quan hành khiển, phán quan và ngũ phương long mạnh ninh thần… Chuẩn bị đầy đủ cũng không có nghĩa vàng mã có quá nhiều, khi hóa đốt cần cẩn thận hỏa hoạn.
An Mai