Phía sau hậu trường
Trong quá trình thúc đẩy thỏa thuận đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian hồi tháng 7, Ấn Độ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nước này đã thuyết phục Nga tham gia thoả thuận, cho phép các hoạt động xuất nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine được triển khai và dỡ bỏ các hạn chế đối với tàu chở ngũ cốc.
Hai tháng sau, khi các lực lượng quân đội Nga triển khai pháo kích vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine, gây ra những lo ngại về nguy cơ thảm họa hạt nhân, Ấn Độ đã lên tiếng và kêu gọi Nga lùi bước.
Trong suốt 8 tháng kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Ấn Độ luôn đứng ra làm cầu nối giải quyết những vấn đề cấp bách ở những thời điểm quan trọng như vậy.
Tuần này, Ngoại trưởng Ấn Độ sẽ có chuyến thăm đến Moscow để họp và trao đổi với giới chức Nga về các vấn đề kinh tế - chính trị. Giới quan sát hiện đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến và kết quả của chuyến thăm xem liệu Ấn Độ có thể sử dụng đòn bẩy của mình khi là đối tác gần gũi của cả Nga và phương Tây để thuyết phục nước này chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine hay không.
Trước những diễn biến hiện nay của cuộc xung đột, Nga và Ukraine khó có thể ngồi lại đàm phán trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nếu cuộc giao tranh rơi vào bế tắc, cuộc sống của người dân tại Ukraine và trên khắp châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông tới đây, thì viễn cảnh về một cuộc đàm phán hoà bình hoặc ít nhất là một thoả thuận ngừng bắn có thể sẽ được tính tới. Điều đó phụ thuộc nhiều vào vai trò trung gian, cầu nối của một quốc gia trung lập.
“Nga và Ukraine dường như sẵn sàng với việc một nước thứ ba trung lập đứng ra làm trung gian dàn xếp. Ấn Độ sẽ là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí này khi nhận được sự tin cậy từ cả hai phía”, Jeff M. Smith, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á tại The Heritage Foundation, một viện nghiên cứu ở Washington, nhận định.
Định hướng chính sách
Ấn Độ từ lâu luôn duy trì theo đuổi chính sách đối ngoại tập trung cân bằng mối quan hệ với cả Nga và phương Tây. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nước này cũng chưa từng chọn phe mà luôn điều hướng chính sách đối ngoại ngoại đi theo con đường tự chủ, hoà bình và hữu nghị với tất cả các nước, các bên.
Hiện nay, với vị thế là một quốc gia phát triển, đông dân thứ hai sau Trung Quốc và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, Ấn Độ đang nỗ lực vươn tầm ảnh hưởng của mình trên bàn cờ địa chính trị. Một mặt, Ấn Độ tăng cường quan hệ chặt chẽ với Mỹ, mặt khác vẫn duy trì quan hệ đối tác đáng tin cậy với Nga - nguồn cung cấp năng lượng và phần lớn vũ khí của quân đội nước này.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Ukraine và căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây dường như đang gây nhiều trở ngại với chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong việc duy trì, thắt chặt quan hệ với các bên. Việc nước này tiếp tục mua dầu của Nga, đồng thời từ chối ủng hộ các nghị quyết tại Liên Hợp Quốc nhằm lên án chiến dịch quân sự của Nga đã vấp phải những lời chỉ trích từ Ukraine và Mỹ.
Trước áp lực từ phương Tây, các quan chức Ấn Độ cho rằng việc cô lập Nga sẽ không mang lại những kết quả tích cực, trong khi đó việc thể hiện thái độ trung lập có thể sẽ hữu ích trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến, do đó thay vì công khai chỉ trích Nga, nước này đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực, đói khổ mà cuộc xung đột gây ra.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra hồi tháng 9, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh: “Thời kỳ hiện nay không phải là thời kỳ chiến tranh. Chúng ta cần thảo luận về cách thức tiến lên trên con đường hòa bình”.
Việc cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng lớn nhất của thế giới trong thời điểm hiện nay dường như sẽ giúp ông Modi được nhớ đến với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của Ấn Độ. Bên cạnh đó, nỗ lực xây dựng, thúc đẩy nền hòa bình có thể sẽ giúp Ấn Độ nâng cao vị thế quốc gia trong trật tự toàn cầu và nhiều khả năng sẽ đưa nước này đến gần với vị trí có tầm ảnh hưởng lớn hơn như chiếc ghế thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tại một hội nghị ở New Zealand diễn ra hồi tháng trước, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết: "Làm thế nào để tạo điều kiện cho các bên tham gia trong cuộc xung đột ngồi lại và nói chuyện? Bất cứ điều gì có thể làm, Ấn Độ sẵn sàng làm hết sức mình”.
Trong chính sách đối ngoại của mình, Ấn Độ coi Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu của nước này. Chính quan điểm này đã góp phần định hình cách Ấn Độ phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Ấn Độ đã không chọn cách công khai phản đối đối Moscow, mà thay vào đó chọn bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên hợp quốc lên án Nga. Nước này cho rằng việc Nga và Trung Quốc liên tục chỉ trích phương Tây và khẳng định "mối quan hệ đặc biệt" giữa hai nước là rất đáng quan ngại, Ấn Độ không muốn có thêm hành động sai lầm nào đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc hơn nữa.
“Đến một thời điểm nào đó trong cuộc xung đột, nếu Nga cần sự hỗ trợ từ “bạn bè hoặc đối tác” làm cầu nối với phương Tây, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Còn nếu không, những gì Ấn Độ có thể làm là rất hạn chế”, ông C. Raja Mohan, chuyên gia cao cấp tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng hết lời ca ngợi việc Ấn Độ và Trung Quốc kêu gọi, thúc đẩy đối thoại hoà bình, ông nhấn mạnh rằng: “Đây là những đồng minh, những đối tác thân thiết của Nga, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng lập trường của những nước này”.
Kịch bản khác được các chuyên gia nghiên cứu tính đến là một nỗ lực hòa giải có sự tham gia của nhiều nước do Ấn Độ, Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, những quốc gia luôn cố gắng giữ vị trí trung lập trong cuộc chiến Nga – Ukraine, dẫn đầu.
“Thực tế là những vấn đề này đang được thảo luận, giới quan sát đang chờ đợi những nỗ lực trung gian từ phía Ấn Độ, Israel và UAE. Đó sẽ là bước tiến triển vô cùng quan trọng”, ông Kenneth Juster, cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, cho biết. “Ba nước này có thể phối hợp cùng nhau, tiếp cận làm trung gian hòa giải cho xung đột giữa Nga và Ukraine. Nó sẽ minh họa cho tính linh hoạt của hệ thống quốc tế và những thay đổi đã xảy ra bên trong hệ thống ấy ”, ông Kenneth nhận định.
Theo quan điểm của ông Kenneth, ngành ngoại giao Ấn Độ sở hữu rất nhiều "nhà ngoại giao khéo léo", một khi họ đề nghị giúp đỡ trong các cuộc đàm phán và nhận được sự đồng thuận của Nga cũng như Ukraine, đó sẽ là một tín hiệu tích cực tốt.