Được ưu ái bằng những cách gọi hoa mĩ, trang trọng trên những trang sách của các văn nhân như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… hoa thủy tiên thể hiện cho thú chơi cầu kỳ, tao nhã của người Hà thành mỗi dịp Tết đến Xuân về.
___________________
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có thời gian vắng bóng, song hoa thủy tiên vẫn được gìn giữ và phát triển, gợi nhớ về ký ức xưa khi cái ăn, cái mặc, cái chơi cũng là một nghệ thuật. Hoa thủy tiên là một loài hoa quý phái, tinh khiết, được người xưa ví như “Kim trản ngọc đài” - đĩa ngọc chén vàng. Bởi lẽ bao bên ngoài bát hoa là 6 cánh hoa trắng như ngọc xếp tròn xoe như chiếc đĩa, trong là lớp cánh vàng tròn kín như chiếc chén bằng vàng. Có lẽ hiếm loài hoa nào được ưa chuộng toàn bộ vẻ đẹp từ hoa đến rễ như thủy tiên. Một bát hoa thủy tiên đẹp phải có sự kết hợp từ nhiều yếu tố: bộ rễ, đế trắng, móng rồng, lá xanh, ngồng hoa và hoa - vượt lên cả là hương thơm tinh khiết vô cùng, thanh tao, lúc gần lúc xa, khiến người ta lưu luyến. Chính vì thế, thủy tiên được coi là loài hoa có vẻ đẹp “ngũ phẩm”: Hoa, rễ, lá, dáng và hương.
Thủy tiên là một loài hoa đặc biệt, mỗi năm chỉ cho hoa một lần vào dịp tháng Chạp và kéo dài đến khoảng rằm tháng Giêng. Như đại diện cho vẻ đẹp thanh cao, thủy tiên chỉ cần nước sạch để sống. Tương truyền, hoa thủy tiên nở đúng Giao thừa hoặc sáng mùng Một Tết sẽ đem lại may mắn cho gia chủ.
![]() |
Không có tài liệu nào ghi chép loài hoa này xuất hiện từ khi nào, song thú chơi hoa thủy tiên của người Hà Nội đã có từ lâu đời. Một số tư liệu của các học giả Việt Nam cho thấy từ những năm đầu thế kỷ XX, thú chơi này đã tồn tại và khá thịnh hành trong giới chơi hoa Hà thành. Hoa thủy tiên được những bậc văn tài như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nguyễn Tiến Lãng… dành những trang viết, những ngôn từ trang trọng, hoa mỹ để lột tả nét đẹp.
Trong tác phẩm “Ăn Tết thủy tiên”, nhà văn Vũ Bằng đã tái hiện thú chơi hoa thủy tiên như một phần tất yếu của ngày Tết: “Tôi vẫn không thể quên được những ngày gần Tết, hồi tôi còn nhỏ, không năm nào mẹ tôi không mua ở Hàng Buồm về mấy sọt thủy tiên. Thày tôi mê gọt lắm, mất cả ăn cả ngủ vì thủy tiên, sinh ra ốm ra đau vì thủy tiên...”
![]() |
Hoa thủy tiên cũng xuất hiện nhiều trong văn chương của Nguyễn Tuân khi nói về thú chơi của các gia đình Hà Nội vào thế kỷ XX. Hay trong bút ký “Tờ Hoa”, nhà văn Nguyễn Tuân có đoạn tả về cách người xưa nhờ hoa thủy tiên để tính thời gian: “Cách đây khoảng nửa thế kỷ tôi còn được thấy các cụ ta đo thời giờ bằng hoa. Hồi ấy, thời gian quả là có mùi. Củ thủy tiên ấy gọt vào hôm nào tháng Chạp, hãm nắng phơi sương áp đèn như thế nào thì nó sẽ mãn khai (hàm tiếu) đúng lúc giao thừa. Như kim giờ kim phút báo đúng năm hết, hoa nở rộ cả bấy nhiêu giò để chào năm mới đang chờ ở he hé cửa đình...”
![]() |
![]() |
Hoa thủy tiên đã đi vào tâm thức, vào đời sống tinh thần người Tràng An mỗi dịp Tết đến xuân về. Là một người đã gắn bó với nghệ thuật gọt hoa thủy tiên được hơn 20 năm, anh Lê Hồng Quang (SN 1973), Phó Chủ nhiệm CLB Thơ ca trù, Trung tâm UNESCO Ca trù cho biết mình từng nghe về kể về câu chuyện “ông Trạng thủy tiên”. Theo đó, mỗi năm, người ta lại tổ chức cuộc thi hoa thủy tiên, giò hoa nào nở đúng giờ, đúng phút chính lễ sẽ được trao giải. Chỉ đôi lời phác họa cũng đủ để thấy thú chơi hoa thủy tiên của người xưa cầu kỳ và tao nhã đến nhường nào.
![]() |
Hoa thủy tiên đặc biệt còn bởi phần nhiều quá trình tạo ra nó. Không giống như những loài cây, loài hoa khác chỉ việc cắm và chờ ra hoa, hoa thủy tiên phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Theo anh Lê Hồng Quang, hoa thủy tiên vẫn cứ lớn lên, cứ vài tiếng lại đổi dáng nên phải để ý cân chỉnh. “Đây là loài hoa rất hay, mình được “chơi” liên tục, được “tương tác” với nó”, anh Quang chia sẻ.
Khác với những thú chơi hoa khác, hơi hoa thủy tiên đòi hỏi sự cầu kỳ và tinh tế từ khâu chọn củ, gọt củ, chăm sóc đến khi hoa nở. Người chơi hoa phải có kiến thức và kinh nghiệm để chọn được củ thủy tiên đẹp, vừa đủ mầm, nụ hoa to và đều. Việc gọt củ rất quan trọng, cần tỉ mỉ để không làm tổn thương mầm hoa.
![]() |
Theo kinh nghiệm của những người chơi lâu năm, trước tiên phải chọn được củ thủy tiên theo ý mình, có thể lớn, nhiều giò (nhánh) hay hướng đẹp, phần lớn dựa trên kinh nghiệm của người chơi và một chút may mắn. Sau đó, củ thủy tiên phải được bóc bỏ lớp đất dưỡng củ.
Tiếp công đoạn bỏ đất là chọn hướng của củ. Tùy vào sở thích và kỹ thuật mà mỗi người sẽ lựa chọn cách gọt. Có người đơn giản chỉ gọt để hỗ trợ mầm hoa vươn ra ngoài dễ dàng hơn, lúc này cành và lá vươn dài tự nhiên, hoa cũng vươn cao. Trong khi đó, những người có thú chơi thẩm mỹ, cầu kỳ hơn với thế dáng khó thì phải lựa gọt, tách, bấm lá tỉ mỉ từ lá đến củ, phải tính toán sao cho thân, lá, cành và hoa sẽ mọc như mong muốn. Khâu gọt củ ban đầu sẽ quyết định bát thủy tiên sau này có đẹp hay không, lá xoăn hay thẳng đuột, hoa nở cùng lúc hay xa luân chiến điểm từng bông.
![]() |
Sau bước gọt tỉa, cần dưỡng củ trong ba tuần cho đến khi nở hoa. Mỗi ngày đều phải chăm với các kỹ thuật cù, gãi cho hoa nở đúng chiều, lá mọc theo hướng, rễ ra đẹp. Củ thủy tiên khi đã gọt phải ngâm úp vào chậu nước sạch, cứ 8 tiếng lại lấy chổi lông rửa sạch nhớt cho củ khỏi nhiễm khuẩn và giữ màu trắng.
Trong thời gian dưỡng hoa, củ thủy tiên phải được nuôi trong nước sạch và phải thay nước hàng ngày. Nếu lạnh phải “sưởi” bằng đèn, hoặc thay nước ấm cho của liên tục. Trời ấm nóng phải làm mát bằng nước đá và tránh ánh nắng trực tiếp vào hoa. Anh Lê Hồng Quang cho biết, để hoa nở đúng vào đêm giao thừa thì sẽ kìm hoa bằng cách dùng lòng trắng trứng gà như một chất keo giữ hoa không nở. Rồi ngày xưa, khi đến Giao thừa, đặt bát hoa trong nhà, ra cửa đốt bánh pháo. Tiếng pháo nổ tác động vật lý làm rung động cánh hoa, lớp nhựa lòng trắng trứng bị rách và bông hoa sau thời gian kìm nén ngậm hương sẽ nở bung đồng loạt.
![]() |
Có người nói, người già tìm đến thú chơi hoa thủy tiên để tìm lại ký ức, còn người trẻ thì khám phá, học hỏi. Hình như đó cũng chính là lí do mà thú chơi này đang quay trở lại giữa thời hiện đại. Không chỉ có hội nhóm yêu hoa thủy tiên, anh Lê Hồng Quang còn lan tỏa sự hiểu biết lẫn thú chơi tao nhã đến với những người bạn ở Tây Nguyên - những người dành sự quan tâm và niềm yêu thích đối với thú chơi này. Thậm chí, mấy năm nay, nhiều gia đình trẻ còn đưa con nhỏ đến để anh hướng dẫn cách gọt tỉa hoa thủy tiên, với mong muốn các con hiểu được phong tục, thú chơi Tết cũng như nét văn hóa của người Hà Nội.
![]() |
Anh Quang chia sẻ: “Mấy bạn nhỏ nhà tôi đều biết gọt củ hoa thủy tiên hết. Mỗi lần tôi làm các con đều ngồi bên cạnh quan sát, nghe hướng dẫn rất thích thú. Con gái tôi còn mang vào phòng riêng tự mày mò. Đến lúc xong mang ra khoe bố thì thành công”. Anh cho biết từ những việc mình làm, những câu chuyện mình kể sẽ khiến các con ngấm dần những nét đẹp văn hóa truyền thống, khiến các con thêm yêu và tự hào với những giá trị tốt đẹp đó.
Dường như hiếm loài hoa nào lại có yêu cầu khắt khe về kỹ thuật gọt tỉa cho đến cái tâm của người chơi như thủy tiên. Bát hoa thủy tiên thể hiện được cái hồn, cái tâm, cái tư tưởng của người tạo ra nó. Thú chơi này dần được phục hưng với sự quan tâm lớn từ nhiều thế hệ; chất thanh lịch, tao nhã của người Tràng An cũng nhờ thế được gìn giữ, tiếp nối.