Việc áp dụng công nghệ trên được cho là sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ AUD trong việc kiểm soát rủi ro đối với các nhân viên cứu hỏa trong quá trình tham gia hoạt động huấn luyện.
Theo phóng viên TTXVN, nguồn vốn chính dành cho Flaim Systems xuất phát từ quỹ đầu tư thúc đẩy đổi mới trị giá 2 tỷ AUD của Chính quyền bang Victoria, do công ty Breakthrough Victoria quản lý.
Hệ thống đào tạo chữa cháy thực tế ảo của Flaim Systems đang phục vụ hơn 300 khách hàng đến từ các cơ quan dịch vụ khẩn cấp, quân đội, các tổ chức đào tạo trên khắp 45 quốc gia trên thế giới, trong đó có Australia, Mỹ và Anh.
Flaim Systems cho biết tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia cũng đang thể hiện mong muốn được sử dụng công nghệ thực tế ảo trên để giảm bớt chi phí đào tạo và giúp các nhân viên của họ tham gia huấn luyện một cách an toàn trong những tình huống khó khăn.
Ông Simon Miller - Giám đốc điều hành của Flaim Systems, người tham gia điều hành công ty ngay từ vòng đầu tư “hạt giống” và đã mang về lợi nhuận ban đầu khoảng 1 triệu AUD - nhận định: “Thực tế là chúng ta khó có thể huấn luyện lính cứu hỏa một cách hiệu quả trong thế giới thực. Rõ ràng là tồn tại những rủi ro về sức khỏe và môi trường mà con người ngay lập tức phải đối mặt”.
Khoản rót vốn “vòng A” trị giá 5 triệu AUD từ quỹ do Breakthrough Victoria quản lý đã nâng giá trị của Flaim Systems lên 21 triệu AUD và tạo điều kiện để công ty mở rộng các chương trình đào tạo phục vụ lượng khách hàng ngày càng tăng của mình.
Giám đốc điều hành Miller chia sẻ: “Công ty của chúng tôi đã xây dựng nhiều kịch bản huấn luyện giống như loạt phim trên Netflix để các đối tác lựa chọn. Phần lớn nguồn vốn đầu tư mới sẽ được dùng để phát triển các nền tảng huấn luyện”.
Công nghệ cốt lõi trong chương trình huấn luyện của Flaim Systems là kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ James Mullins tại Đại học Deakin (Australia), kiêm Giám đốc công nghệ của Flaim Systems và là lính cứu hỏa tình nguyện thuộc đội cứu hỏa ở vùng ngoại ô Grovedale, bang Victoria.
Một bộ kính thực tế ảo (Virual Reality Headset) sẽ giúp các nhân viên cứu hỏa kiểm soát và tương tác với tình huống thực tế khó khăn như quản lý khói từ đám cháy, khí CO2, các khu vực bị nhiễm độc và nhiều khu vực khác với quy trình phức tạp cùng nhiều mức độ rủi ro khác nhau.
Cơ quan Quản lý hỏa hoạn của Mỹ ước tính chi phí hàng năm cho điều trị thương tổn đối với lính cứu hỏa ở nước này là từ 1,6 tỷ - 5,9 tỷ USD, trong đó 14% các trường hợp bị tổn thương xảy ra trong quá trình huấn luyện.
Nhóm điều hành của Flaim Systems cho biết ngoài việc giúp những nhân viên cứu hỏa tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư, mỗi 2.000 giờ đào tạo trên hệ thống thực tế ảo của họ hàng năm còn giúp tiết kiệm khoảng 20 triệu lít nước và hạn chế 27 tấn khí thải carbon.