Sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Theo giới chức Ba Lan, nước này đang cân nhắc liệu có cần tiến hành tham vấn khẩn cấp với các lãnh đạo NATO theo Điều 4 của liên minh quân sự này hay không.
Theo Điều 4 của NATO, các cuộc tham vấn có thể được triệu tập khi một quốc gia thành viên cảm thấy "sự toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập chính trị hoặc an ninh" gặp nguy cơ.
Người phát ngôn chính phủ Ba Lan ngày 15/11 thông báo nước này đã đặt một số đơn vị quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, sau khi có thông tin chưa được xác nhận rằng tên lửa của Nga đã rơi vào lãnh thổ Ba Lan.
Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Piotr Muller cho biết quyết định nâng tình trạng sẵn sàng của một số đơn vị chiến đấu và một số đơn vị quân đội khác đã được đưa ra.
Tổng thống Joe Biden nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 16/11 sau vụ nổ tên lửa. Ảnh: AP |
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố khẳng định không liên quan đến vụ việc, cáo buộc truyền thông và giới chức Ba Lan đang tìm cách leo thang căng thẳng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ sát cánh cùng đồng minh Ba Lan trong NATO. Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết nước này đang xem xét khẩn cấp các báo cáo về vụ rơi tên lửa ở Ba Lan.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và cam kết sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với Vácsava liên quan vụ việc. Còn Điện Elysee dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông sẽ kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thảo luận về sự cố này.
Cùng ngày, phát biểu sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ba Lan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO đang theo dõi tình hình và các đồng minh đang tham vấn chặt chẽ.