_______________
Không quá phức tạp trong việc lựa chọn những hoạt động thiết thực, bổ ích cho con trai sắp chạm ngưỡng 6 tuổi, chị Lê Thu Huyền (Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội) luôn nghĩ đơn giản, con thích gì mình chọn đó. Trong khi rất nhiều bà mẹ đổ xô cho con đi học trước khi lên lớp 1, chị lại muốn con được hoạt động thể chất nhiều nhất có thể. “Việc học của con là hành trình dài cả đời. Khi chúng còn nhỏ, hãy cho chúng cơ hội chạy nhảy, vui chơi nhiều nhất có thể, đó mới đúng tuổi thơ của con” – chị Huyền nói.
Dù khá bận với đứa con trai mới sinh năm ngoái nhưng chị Huyền và chồng luôn cố gắng đồng hành cùng con trai đầu trong mọi hoạt động vui chơi giải trí, thể chất bổ ích. Những hoạt động đó không chỉ diễn ra trong mùa hè, mà xuyên suốt cả năm. Cả hai luôn cố gắng sắp xếp quỹ thời gian bận rộn để đưa con đi khám phá cuộc sống sau những ngày bị “chôn chân” trong trường mầm non. Chơi và học luôn song hành. Mùa hè năm nay, Mon và Nhện – hai con trai chị Huyền đã kịp có chuyến du lịch biển sau thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19. Mon - chàng trai sắp 6 tuổi đã biết bơi thành thục. Sau 10 ngày thi gan với các bạn trong lớp bơi, Mon đã có thể tự tin cùng bố chinh phục hết chiều dài bể.
Lê Thu Huyền chia sẻ: “Trong số rất nhiều hoạt động, trại hè ở các trung tâm dành cho trẻ em, bố mẹ có thể chọn cái mà con mình sẵn sàng, phù hợp với điều kiện gia đình cũng như thể trạng, sở thích của con. Bây giờ các lớp mùa hè kiểu trại hè, học kỳ quân đội rất nhiều, nhưng còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của con, không phải bạn nào cũng sẵn sàng và cảm thấy vui khi đi tham gia những hoạt động tập thể như thế, chẳng hạn có bạn không tự tin nếu không có bố mẹ hay bạn bè bên cạnh… Con thích gì mình chọn đó, hoặc ưu tiên của mình là gần nhà, tiện đưa đón”.
Ngược lại với các hoạt động thể chất mạnh mẽ, Nguyễn Thái Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) lại ưu tiên chọn những hoạt động nhẹ nhàng, nữ tính dành cho hai cô con gái. “Mỗi năm một kiểu, mùa hè là những ngày cả nhà tranh thủ bên nhau, không năm nào giống năm nào, tôi thường “nương” theo các bạn ấy mà tận hưởng mùa hè thôi”.
Có năm Linh “cắp” con đi du lịch Quy Nhơn, Thanh Hóa, có năm Linh lại dắt con xuất ngoại sang tận Chiang Mai, Thái Lan… Mùa hè của con phụ thuộc vào sự khôn lớn, trưởng thành của con qua từng thời kỳ và phụ thuộc vào thời gian nghỉ làm của hai vợ chồng. Theo Linh, mạng xã hội giờ có nhiều thông tin, nhiều ý kiến trái chiều, nhiều lựa chọn khôn lớn cùng con… Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không có lựa chọn nào đúng - sai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp với các con.
Thường xuyên trăn trở, nghĩ ra những chuyến đi trải nghiệm cho học sinh, thầy giáo Lê Văn Mạnh - Tổ trưởng tổ Toán, trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội (Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất hay sáng tạo những trại hè ý nghĩa cho học sinh của mình, nhất là học sinh trong lớp thầy chủ nhiệm.
Với thầy Lê Văn Mạnh, khó có khoá học nào đáp ứng được mọi đối tượng, phục vụ hết được nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của phụ huynh cũng như sở thích của các bạn học sinh hiện nay. Việc lựa chọn là ở mỗi gia đình vì mang tính chất cá nhân.
“Tôi chỉ xin chia sẻ với các bố mẹ, nên xác định rõ ràng mục đích cho con tham gia các khoá học để tìm hiểu và lựa chọn, đừng vì không có thời gian mà đăng ký vội vàng cho con theo học để lấp đầy thời gian nghỉ hè quý báu của các bạn nhỏ. Bản thân tôi đã tìm hiểu cũng như được các bạn học sinh, phụ huynh chia sẻ lại các khoá học đang phổ biến hiện nay. Nhiều khoá học rất hay và bổ ích cũng như tổ chức dẫn lối các bạn học sinh đi đến cao trào cảm xúc rất khéo léo, nhưng tôi thấy nó thiếu chút gì đó đời thường, chân thực. Cái gì đó mang hơi thở của cuộc sống hàng ngày đang diễn ra bình thường, chứ không phải được sắp đặt sẵn. Cuộc sống thực tế đôi khi không có sẵn các đáp án A, B, C, D cho các bạn nhỏ lựa chọn mà còn nhiều phương án khác, thậm chí có những phương án chưa có tiền lệ”.
Đó là lí do mà thầy Lê Văn Mạnh thiết kế chương trình “Trại hè tuổi thơ dữ dội” được khá nhiều phụ huynh ủng hộ để các bạn nhỏ có cơ hội về làng quê, tham gia vào nhịp sống đời thường với người dân như hái rau, bán rau ở chợ quê, cắt cỏ, bẻ ngô, nhổ lạc, tưới cây, hái ổi… Những hoạt động này tuỳ mức độ sao cho phù hợp với độ tuổi của các học sinh.
Điều mà thầy Mạnh ưu tiên hơn cả khi thiết kế, sắp xếp các hoạt động cho các bạn nhỏ đó là vui chơi thể chất lành mạnh và lao động thực sự. Vui chơi đủ để hấp dẫn các bạn nhỏ khiến các bạn thích thú tham gia xuyên suốt kỳ nghỉ; lao động thực sự để các bạn có trải nghiệm cuộc sống chân thực, cảm nhận sự vất vả để sẻ chia với người lao động - nhất là người nông dân.
Thầy Mạnh thường yêu cầu học sinh của mình không sử dụng đồ điện tử, khuyến khích mang sách truyện, đồ chơi thể thao, trò chơi trí tuệ để cùng chơi với các bạn trong các thời điểm nghỉ ngơi, chờ đợi.
Không có điện thoại, thậm trí không ti vi, thỉnh thoảng thầy bày thêm trò mới các bạn chơi với nhau cả ngày không chán. Thời gian các bạn ở với nhau không nhiều nên thầy Mạnh luôn khuyến khích học sinh tận dụng tối đa thời gian để chơi cùng nhau, tương tác với nhau nhiều hơn trên lớp và không bị phụ thuộc vào bất cứ thứ gì. Các trò chơi chung luôn ưu tiên yếu tố giao lưu thật nhiều và thường chơi theo đội như: Tét tét bắn, thả đỉa ba ba, trốn tìm, gảy sỏi, ô ăn quan, cắp cua bỏ giỏ, pháo đất...
Chơi gì cũng vậy, hoạt động nào cũng vậy, an toàn là điều thầy Mạnh đặc biệt quan tâm. “Tôi cũng có con nhỏ nên tôi thấm thía. Con cái là món quà quý giá, là của để dành của những người làm cha làm mẹ. Tôi còn nhớ đêm đầu tiên ngủ cùng học sinh, mặc dù còn nhiều người thân và thầy cô khác nhưng chắc tôi chỉ chợp mắt đến khi các bạn thức dậy ăn sáng vì cả đêm hễ có bạn nhỏ nào cựa mình là tôi phải ra tận nơi để kiểm tra xem vì sao. Tôi tâm niệm khi các bố mẹ tin tưởng giao “kho báu” của mình cho thầy thì thầy phải giữ gìn đảm bảo “kho báu” an toàn tuyệt đối, không được phép rủi ro. Tất cả các bạn phải trong tầm mắt và trong tầm kiểm soát của tôi thì tôi mới thấy an tâm. Có những thứ thì tôi khắt khe nhưng có những thứ thì tôi lại rất thoáng, chẳng hạn khi chơi cùng nhau các bạn lỡ bị ngã đau một chút, khóc một chút là rất bình thường... các bạn đang sống cuộc sống thật chứ không phải ở trong lồng kính.
Không phải ngẫu nhiên mà thầy Mạnh lại “ôm rơm nặng bụng, sáng tạo trại hè cho học sinh của mình, tất cả bởi “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Việc nghĩ ra cũng như duy trì phát triển các hoạt động ngoại khóa cho học sinh được thầy Mạnh “thai nghén” khá lâu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ý tưởng bật sáng từ khi vợ anh mang bầu bạn lớn. Ban đầu là những dự định, những chuyến đi dành tặng cho con gái, sau đó trở thành món quà dành cho học sinh của mình.
“Sau mỗi trải nghiệm, sau mỗi chuyến đi tôi luôn mong muốn các bạn nhỏ được trở về với sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, biết thêm những điều mới để lớn hơn mỗi ngày, tắm mình trong cuộc sống đời thường để hiểu, cảm nhận chân thực nhất về nó” – thầy Mạnh nói.
Bài: Việt Đan
Thiết kế: Mẫn San