Đức và các nước châu Âu khác đang cố gắng chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, sau khi cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga nổ ra hồi cuối tháng 2 năm nay.
Năm ngoái, có tới 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức đến từ Nga, một phần là kết quả của việc bà Merkel theo đuổi quan hệ thương mại với Nga và ủng hộ dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2, ngay cả sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
"Chúng ta luôn hành động trong thời điểm hiểu rõ bản thân", cựu Thủ tướng Đức trả lời báo giới khi được hỏi về chính sách năng lượng với Nga.
Bà Merkel, người đã rút lui khỏi chính trường Đức vào năm ngoái sau 16 năm cầm quyền, cho biết bản thân chưa bao giờ tin vào khái niệm 'Wandel durch Handel', có nghĩa là thay đổi thông qua thương mại.
"Về mặt này, tôi không hối tiếc về quyết định nào cả, đúng hơn, tôi tin rằng điều đó đúng vào thời điểm đó", bà Merkel giải thích và lập luận rằng khí đốt giá rẻ của Nga đã cho phép Đức thúc đẩy việc loại bỏ dần năng lượng hạt nhân và than đá.
Tuy nhiên, Đức hiện đã trì hoãn các kế hoạch trên trong khi cố gắng kiềm chế mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
Lạm phát của Đức, phần lớn do giá năng lượng tăng vọt, đang ở mức 10,9% và chính phủ nước này đã cam kết chi hàng tỷ euro để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với các hóa đơn năng lượng tăng cao.
Đường ống Nord Stream 2, được thiết kế để tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga sang Đức qua Biển Baltic, đã bị "bỏ xó" trước cả khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra.
"Cuộc xung đột giờ đã mang lại sự thay đổi. Đây là một bước ngoặt", bà Merkel nói khi đề cập đến chính sách năng lượng của Đức. "Đây là một nhiệm vụ đối với chính phủ mới của Đức".