Ba tháng hoạt động của bệnh viện dã chiến Việt Nam tại Nam Sudan

Phó tổng thư ký và Cố vấn quân sự Liên hợp quốc đã gửi thư cảm ơn Việt Nam vì những đóng góp của bệnh viện dã chiến.
Đơn vị bệnh viện dã chiến của Việt Nam triển khai tới Nam Sudan. Ảnh: NVCC
Đơn vị bệnh viện dã chiến của Việt Nam triển khai tới Nam Sudan. Ảnh: NVCC

Ông Bùi Đức Thành, Giám đốc bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam cho biết, sau 4 tháng triển khai đơn vị tại Bentiu (Nam Sudan) và ba tháng hoạt động chính thức, bệnh viện đã khám, điều trị cho gần 400 lượt bệnh nhân, mổ 12 ca trong đó có nhiều ca phải mổ cấp cứu; vận chuyển bằng đường hàng không về tuyến sau (bệnh viện dã chiến cấp 2+ tại thủ đô Juba, cách Bentiu 1.000 km) 2 bệnh nhân nặng.

Dù Nam Sudan đã có 7 năm giành độc lập nhưng các cuộc xung đột lớn nhỏ vẫn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Bác sĩ Thành nhớ mãi giây phút đặt chân xuống thủ đô Juba của đất nước châu Phi này, dù được cảnh báo là phải đội mũ sắt và áo chống đạn nhưng việc đầu tiên các thành viên bệnh viện dã chiến Việt Nam thực hiện là giương lá cờ Tổ quốc và cờ Liên hợp quốc. Anh nói, khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay trước gió, tất cả mọi người đều tự nhủ, đây là nhiệm vụ và trách nhiệm, dù khó khăn đến đâu cũng quyết tâm hoàn thành xuất sắc.

Các thành viên bệnh viện dã chiến của Việt Nam di chuyển bằng máy bay trực thăng tới Bentiu. Trên đường đi, từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy lác đác những túp lều lụp sụp, nhưng khi đến gần khu vực bệnh viện đóng quân thì cạnh đó là một trại tị nạn rộng lớn với hàng chục nghìn túp lều, những ao nước đông nghịt người tắm. Cảnh tượng hỗn loạn.

"Ấn tượng hơn khi máy bay trực thăng hạ cánh xuống đường băng, gọi là đường băng nhưng đây chỉ là bãi đất trống toàn sỏi và đất đỏ, xung quanh toàn lau sậy. Đây là nơi chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ, là nơi mọi nhân viên Liên Hợp Quốc khi gặp đều chào câu cửa miệng Welcome to Bentiu paradise - Xin chào đến với thiên đường Bentiu", ông Thành kể.

Đường về doanh trại chỉ khoảng 4 km, nhưng đúng vào mùa mưa, lầy lội và trơn trượt nên các xe tải dã chiến của quân đội Anh phải mất cả tiếng đồng hồ mới đưa đoàn Việt Nam đến nơi đóng quân. Hai bên đường mòn những nhóm người địa phương, có người không mặc quần áo đi bộ thành hàng dài về phía trại tị nạn. "Lúc này mình mới hiểu được thế nào là thiên đường Bentiu", anh Thành nói và cho biết, doanh trại đóng quân là khu vực kín cổng cao tường, hàng rào dây thép gai dày đặc.

Do ở ngay bên cạnh trại tị nạn POC (protection of civilian: khu bảo vệ dân thường), chỉ cách hàng rào nên thi thoảng các bác sĩ của bệnh viện dã chiến vẫn nghe tiếng súng nổ, sau đó là tiếng nháo nhào của phụ nữ và tiếng thất thanh của trẻ em. "Điều đó khiến tôi nhói lòng", Thiếu tá, bác sĩ Hồ Ngọc Phát chia sẻ.

Anh cho hay, vì tình hình chính trị và xã hội phức tạp nên các bác sĩ không được tiếp xúc thường xuyên với người dân, nhưng mỗi khi ra khu vực dân cư vào các ngày lễ do Liên Hợp Quốc tổ chức thì người địa phương rất xúc động khi nhìn thấy lá cờ Việt Nam. Họ nói "Việt Nam, very well, very kind" (Việt Nam rất tốt, rất tốt bụng).

"Lúc chúng tôi đặt chân đến đây bắt đầu vào mùa nóng, cái nóng Châu Phi gay gắt vô cùng, độ ẩm rất thấp chỉ 30-36%. Những ngày đầu triển khai bệnh viện, công việc bốc vác khá nhiều, vì vậy nhiều người bị sốc nắng. Sau hơn 2 tháng anh em mới thích nghi với thời tiết, đến giờ ai cũng đen thui, da khô, nứt nẻ và sụt cân, có người sụt 11 kg", bác sĩ Phát tâm sự.

Ba tháng hoạt động của bệnh viện dã chiến Việt Nam tại Nam Sudan ảnh 1

Giám đốc bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam Bùi Đức Thành làm việc trong khu lều trại, nơi đóng quân của bệnh viện tại Nam Sudan. Ảnh: NVCC

Anh Phát nhớ nhất ca bệnh trong ngày đầu tiên nhận bàn giao bệnh viện từ lực lượng Anh. Đó là ca suy hô hấp nặng do viêm phổi trên nền lao phổi cũ xơ hoá, mất chức năng phổi, bệnh thận mạn.

"Lúc mới triển khai, trang thiết bị, thuốc men và cả lượng oxy hạn chế, nhưng với sự tập trung, phối hợp cùng đơn vị bạn, chúng tôi đã xử trí bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân bớt khó thở, sau đó được đội cứu trợ đường không AMET vận chuyển lên bệnh viện cấp cao hơn để phù hợp với phạm vi điều trị", anh Phát kể.

Ca thứ hai anh ấn tượng là gây mê cho bệnh nhân phẫu thuật cắt ruột thừa cấp cứu lúc nửa đêm ngày thứ 2 đến Bentiu. Nếu ở trong nước thì công việc khá đơn giản, nhưng với môi trường làm việc hoàn toàn mới, trong một căn lều bạt cũ của Anh để lại, điều kiện trang thiết bị thô sơ, máy gây mê không có hệ thống theo dõi như máy gây mê hiện đại, hệ thống máy lạnh bằng đường ống dẫn nên khi mổ phải cột ống máy lạnh lại kẻo bụi... khiến anh Phát khá lo lắng.

"Vượt qua những khó khăn đó, hai anh em nhóm gây mê đã phối hợp tốt để hoàn thành ca đầu tiên. Đó là một tình huống mà tôi sẽ nhớ mãi trong đời bác sĩ gây mê. Đến nay, tôi đã thực hiện 10 ca gây mê cho bệnh nhân, hầu hết đều gây mê cho phẫu thuật cấp cứu", bác sĩ mũ nồi xanh cho hay.

Ba tháng hoạt động của bệnh viện dã chiến Việt Nam tại Nam Sudan ảnh 2

Một ca phẫu thuật của đơn vị bệnh viện dã chiến Việt Nam. Ảnh: NVCC

Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam mới được triển khai chưa lâu nhưng đã nhanh chóng tạo được ấn tượng tốt đẹp từ Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Phó tổng thư ký và Cố vấn Quân sự Liên hợp quốc đã gửi thư cảm ơn Việt Nam và khen ngợi các nhân viên của bệnh viện.

Sau 5 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 29 lượt sĩ quan đến 2 Phái bộ tại Nam Sudan, Trung Phi và lần đầu tiên triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 cán bộ, y, bác sỹ đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan vào tháng 10/2018.

"Những kết quả này đã phần nào khẳng định cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp cho hòa bình trên thế giới, củng cố lòng tin quốc tế, góp phần hiện thực hóa chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, là cơ hội để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người đến bạn bè quốc tế", Đại tá Hoàng Kim Phụng khẳng định.

Theo Vnexpress
Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.