Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa hoàn tất phương án cổ phần hóa công ty mẹ sau nhiều lần dự thảo và được Bộ Giao thông góp ý kiến. Theo tờ trình mới nhất, Vinalines dự kiến sẽ bán tới 64% cổ phần và Nhà nước chỉ còn nắm giữ 36% tại công ty mẹ đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Đây là phương án đã được chỉnh sửa theo góp ý của lãnh đạo Bộ GTVT và đại diện các bộ, ngành liên quan tại cuộc họp được tổ chức vào giữa tháng 3/2015.
Giá trị thực tế của doanh nghiệp được xác định để cổ phần hóa xấp xỉ 21.300 tỷ đồng, song vốn Nhà nước chưa tới 9.000 tỷ. Với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 300 tỷ đồng thì số cổ phần phát hành lần đầu được đề xuất là 930 triệu.
|
Ảnh minh hoạ |
Cơ cấu cổ phần được dự kiến như sau: Nhà nước nắm giữ gần 335 triệu (36%). Số bán ra bên ngoài xấp xỉ 314 triệu cổ phần (33,75%). Trong số này có 280 triệu cổ phần sẽ đấu giá công khai, còn trên 33,6 triệu cổ phần (3,6%) được bán cho nhà đầu tư là chủ nợ chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp.
Riêng cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên là hơn 1,8 triệu cổ phần, tương đương 0,19% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 0,5 triệu cổ phần, tương đương 0,05% vốn điều lệ; cổ phần bán ra bên ngoài là 313.898.200 cổ phần, tương đương 33,75%.
Ngoài số ít bán cho cán bộ và người lao động, 279 triệu cổ phần còn lại (30%) giành để bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Hiện chưa rõ lý do tại sao Vinalines chọn quy mô vốn điều lệ như vậy, bởi tính đến cuối tháng 12/2014, tổng công ty này đã có vốn điều lệ 10.693 tỷ đồng, bao gồm 1.100 tỷ đồng mới được chủ sở hữu cấp bổ sung năm 2013.
Đáng lưu ý là, trong số lượng cổ phần bán ra bên ngoài, chỉ có khoảng 280,2 triệu cổ phần sẽ được thực hiện qua bán đấu giá công khai. Phần còn lại (khoảng 33,621 triệu cổ phần, tương đương 336,2 tỷ đồng theo mệnh giá) sẽ được bán cho các nhà đầu tư là chủ nợ chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp.
Vinalines tính toán, nếu bán hết số cổ phần trên, doanh nghiệp sẽ thu về hơn 5.600 tỷ đồng, trong đó một nửa đến từ phần bán đấu giá công khai, nửa còn lại từ việc bán cho đối tác chiến lược.
Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng một trong hai nhóm các tiêu chí sau: hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải; Có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài để hỗ trợ công ty cổ phần trong một hoặc một số lĩnh vực mà Tổng công ty đang hoạt động.
Nhà đầu tư cũng không đươc chuyển nhượng số cổ phần trong thời hạn tối thiểu 5 năm. Ngoài ra, đối tác chiến lược cũng có thể là các doanh nghiệp ngoài ngành hoặc tổ chức tài chính nhưng quy mô vốn điều lệ phải trên 1.000 tỷ đồng.
Liên quan đến việc chuyển nợ phải trả thành vốn góp cổ phần của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên, Vinalines kiến nghị cho phép các chủ nợ được hoán đổi trực tiếp mà không phải đặt cọc, không phải thanh toán tiền mua cổ phần về tài khoản phong tỏa của Tổng công ty.
Trước đó, cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định phê duyệt giá trị để cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines. Theo đó, giá trị thực tế của Vinalines tại thời điểm 31/12/2013 là 21.287,2 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 8.963 tỷ đồng.
Hải Đăng (th)