Theo đó, tại TP.HCM dự định bắn pháo hoa từ 21h-21h15 ngày 30/4, tại 4 địa điểm chính. 3 điểm bắn pháo hoa tầm thấp và một điểm bắn ở tầm cao.
3 điểm bắn pháo hoa tầm thấp là Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ. Điểm bắn pháo hoa tầm cao là nóc trên cầu vượt sông Sài Gòn.
Ngoài ra, tại TP HCM sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc. Các chương trình nghệ thuật, ca múa, triển lãm ảnh diễn ra trên các trục đường chính Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, cung văn hóa lao động, sân khấu Sen Hồng…
Pháo hoa tại TP HCM dịp 30/4/2015. Ảnh: Zing.vn
Còn ở Quảng Ninh, dịp lễ 30/4-1/5 năm nay, màn bắn pháo hoa tầm cao sẽ được biểu diễn trong vòng 15 phút, dự kiến thời gian từ 22h đêm 30/4, tại quảng trường 30/10 (thành phố Hạ Long), trong chương trình Carnaval Hạ Long 2016 với chủ đề Hội tụ và lan tỏa.
Hoạt động văn hóa lớn này sẽ diễn ra trong 90 phút với nhiều hoạt động nghệ thuật biểu diễn mang đậm văn hóa của nhiều địa phương và các châu lục khác.
Năm nay, thành phố Đà Nẵng không bắn pháo hoa dịp lễ thống nhất đất nước, mà sẽ tổ chức lễ hội pháo hoa vào năm 2017.
Cũng như Đà Nẵng, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa tại Hà Nội, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở này cho biết.
Trong khi đó, theo Kế hoạch của UBND TP Hà Nội về việc tổ chức các ngày lễ lớn này sẽ bao gồm các hoạt động như: Biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể thao tại khu vực hồ Hoàn Kiếm; tổ chức giải “Ngày chạy bộ vì cuộc sống Xanh - Sạch - Đẹp” xung quanh hồ Hoàn Kiếm; chương trình “Ngày hội nghệ thuật đường phố và ẩm thực Hà Nội xưa” tại hồ Trúc Bạch; triển lãm chuyên đề ảnh tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền và Di tích Hỏa Lò…
Mục đích là nhằm khơi dậy, giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng, văn hiến, anh hùng của Thủ đô và đất nước, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong lao động, sản xuất.
Ngoài ra, tại một số tỉnh thành trên cả nước cũng có nhiều hoạt động chào mừng dịp lễ lớn này.
Quỳnh Mai (t/h)