Hiện môi trường hoạt động chính của anh là hải ngoại hay trong nước?
Vẫn là hải ngoại. Nếu nói tôi về Việt Nam để kiếm tiền thì không phải. Bởi về đây có những chương trình diễn live lớn, có đầu tư, đủ điều kiện về nhân lực, kỹ thuật để làm chỉn chu, đáp ứng ý thích và đam mê của mình.
Đắt sô thế, anh làm sao để không bị quá tải hoặc chán công việc?
Tôi chỉ làm những chương trình lớn hoặc event thật lớn. Tụ điểm, phòng trà, bar, club tôi chưa hát. Tên tôi xuất hiện trên quảng cáo, băng-rôn nếu để ý không nhiều lắm. Một tuần tôi chỉ làm một đến hai đêm thôi.
Các ca sĩ hải ngoại hay hát bài cũ, quen thuộc. Trong nước, ca sĩ rất quan tâm bài mới, bài hit để thu hút khán giả. Anh theo xu hướng nào?
Tôi cũng cập nhật liên tục ca khúc mới. Nhưng tùy chủ đề, thời điểm mà sử dụng. Chứ tôi không cứng nhắc. Sắp tới tôi có dự án nhạc acoustic trên đĩa than, trong đó phải đến 70-80% bài mới.
Anh có thể cho biết thêm về dự án này?
Tôi hợp tác với Đức Trí, Nhật Trung. Muốn phát hành vào mùa đông nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Vì tôi muốn thu hát cùng lúc với ban nhạc đánh thật, những công đoạn hậu kỳ ở Mỹ cũng rất phức tạp. Nghe nói đĩa nhựa phải đặt nhà máy sản xuất ít nhất trước 6 tháng thì người ta mới nhận. Tùy theo lúc đó người ta có nhiều sản phẩm chờ đợi hay không. Vì những nơi in đĩa than trên thế giới còn rất ít.
Do đâu anh nảy ra ý tưởng ra đĩa than?
Tôi mê lâu rồi nhưng bây giờ cảm thấy mình đủ độ sâu để làm, vì đĩa than cần làm kỹ những chi tiết rất nhỏ. Tôi muốn sản phẩm này không chỉ ở mức độ an toàn mà phải hay - đối với tôi thôi. Tất cả những sản phẩm tôi đã ra rồi, có cái tôi thấy OK, có cái bình thường… Lần này tôi muốn vượt qua những gì mình đã làm được. Nhưng tất nhiên nó không phải là cái gì quá lạ lẫm, nó vẫn phải là Bằng Kiều, vẫn phải thật tình cảm, chạm vào trái tim chứ không quá xa lạ với những người nghe nhạc của tôi.
Không thích phong trào
Hồi mới ra hải ngoại anh phải chuyển từ hát nhạc của nhạc sĩ cùng thời sang nhạc xưa, anh có thấy bỡ ngỡ?
Thời của tôi thực ra đâu có lạ lẫm với các dòng nhạc được gọi là hải ngoại hay nhạc trước 75. Khi nhỏ mình nghe và thích, thấy gần gũi. Lớn lên và hoạt động thì nhạc nhẹ hình thành phong trào rất hay nên mình cập nhật. Khi sang Mỹ giống như mình gặp lại những cái từng nghe, từng thấy hay, từng cảm nhận được.
Anh có nghĩ đến việc ra sản phẩm bolero?
Tôi có cái lạ là không bao giờ muốn đi theo phong trào. Nếu nói ca sĩ đương thời thì tôi là người đầu tiên làm nhạc xưa với album Mắt biếc ra 2002. Không thấy ai làm thì tôi làm. Còn mọi người làm hết rồi thì mình lại đi hướng khác. Có thể trong nghề tôi hơi cứng đầu, lúc nào cũng muốn đi đường riêng. Giờ bolero đang lên ngôi, tôi lại rẽ hướng khác, làm những loại nhạc hơi cao cấp một tí, trau chuốt. Ít khi người ta nghe bolero mà uống rượu vang với hút xì-gà chẳng hạn. Thì tôi lại thích làm nhạc cho hút xì-gà và uống rượu vang… Nhiều khán giả có những dàn máy rất hay nhưng lại phải tìm những sản phẩm nước ngoài để nghe. Thì tôi phục vụ nhóm đó trước. Sau đó, tất nhiên tôi cũng ra CD.
Giọng anh trong, cao, quãng rộng mà dùng để hát bolero kể cũng hơi phí?!
Tôi thấy mình may mắn được tổ đãi, có được vũ khí lợi hại, chỉ có lau chùi, bảo dưỡng và sử dụng nó thế nào thôi… Với tôi, bolero không phải nhạc dễ thể hiện. Để hát hay thì bất cứ loại nhạc nào cũng khó, phải có rất nhiều yếu tố.
Là con nhà cải lương, anh có thấy bolero có thừa hưởng được chất truyền thống của nhạc dân gian?
Ngày xưa tôi toàn nghe bolero, thần tượng anh Tuấn Vũ, chị Hương Lan. Đến giờ tôi vẫn khẳng định Hương Lan là người hát bolero hay nhất Việt Nam bây giờ... Tôi tuy hát tình ca nhưng đầu tiên vẫn phải tình cảm, thứ hai là nó phải mùi. Thì cái mùi đấy là đặc trưng của bolero chứ không ai nói hát nhạc truyền thống mà hát mùi cả.
Chắc anh muốn nói những kiểu luyến láy mà anh hay sử dụng?
Thì tôi cũng thích bolero. Chỉ có cái tôi biến nó thành của mình.
Bolero hay được cho là bình dân, dễ dãi nhưng bây giờ bảo nó kế thừa được di sản âm nhạc dân tộc thì anh thấy sao?
Tôi không ở trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc nên cũng không dám tuyên bố nó là cái gì hay như thế nào. Nhưng nó gần gũi, phản ánh chân thực đời sống của người Việt mình. Nó không phải phong trào mà là đời sống vốn dĩ tồn tại bao năm nay. Chỉ có điều bây giờ nó tiếp cận mạnh mẽ với khán giả hơn, qua truyền hình, gameshow, qua sự tái hiện của ca sĩ đương thời… rồi nhiều bạn trẻ bây giờ nghe cảm thấy gần gũi. Nó là một trong những món ăn tương đối thuần khiết của Việt Nam mình.
Cũng có một thời gian mọi người than, nhạc Việt ở đâu ra toàn nhạc xàm, lời lẽ không ra sao, chất lượng nghệ thuật rất yếu. Giờ vẫn còn lác đác, nhưng có một thời gian rất mạnh. Cái đó mới gọi là phong trào. Phong trào sẽ mất đi. Còn bolero là đời sống, hãy trả lại đúng vị trí và giá trị của nó trong lòng người Việt Nam.
Anh có tự hào khi được gọi là “người đàn ông đào hoa”?
Chả có gì tự hào. Đấy là sự vất vả thì đúng hơn. Chả ai muốn, số nó thế thì làm thế nào.
Tất cả những sản phẩm tôi đã ra rồi, có cái tôi thấy OK, có cái bình thường… Lần này tôi muốn vượt qua những gì mình đã làm được. Nhưng tất nhiên nó không phải là cái gì quá lạ lẫm, nó vẫn phải là Bằng Kiều, vẫn phải thật tình cảm, chạm vào trái tim chứ không quá xa lạ với những người nghe nhạc của tôi.
Theo Tiền Phong