Các cơ quan báo chí cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực tham gia giám sát, phản biện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phản bác các luận điệu sai trái.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn những bất cập, đòi hỏi năm 2020, hoạt động báo chí phải nâng cao hơn nữa chất lượng, để góp phần giữ vững ổn định chính trị, xây dựng niềm tin xã hội.
Lan truyền những năng lượng tích cực
Theo nhận định của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2019, công tác quản lý nhà nước về báo chí được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sâu sát. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đây là sự kiện báo chí quan trọng trong năm, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch 1738 triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch; hướng dẫn, làm việc trực tiếp, đôn đốc 24 cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí thuộc các hội ở Trung ương thực hiện quy hoạch báo chí.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ đặt hàng, phát triển báo chí được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí được đánh giá, sơ kết đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác xử lý vi phạm được tăng cường, bước đầu đã hạn chế tình trạng "báo hóa tạp chí" thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, tình trạng sách nhiễu, tống tiền.
Báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực tham gia giám sát, phản biện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phản bác các luận điệu sai trái. Các cơ quan báo chí đã tích cực cơ cấu tổ chức, xây dựng mô hình hoạt động theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Do sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử cùng những khó khăn của kinh tế, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in giảm nhiều, ảnh hưởng đến kinh tế báo chí. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí của các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể cố gắng tiến tới tự chủ; đây là nỗ lực lớn của các cơ quan báo chí trong việc khắc phục khó khăn, bảo đảm hoạt động.
Theo đó, năm 2019, số cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động chiếm tỷ lệ 39%; số cơ quan báo chí tự chủ một phần kinh phí hoạt động chiếm tỷ lệ 36%; số cơ quan báo chí được ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động chiếm tỷ lệ 25%. Tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử năm 2019 ước đạt 4.923 tỷ đồng (trong đó, báo in là 3.558 tỷ đồng, báo điện tử 1.365 tỷ đồng). So với năm 2018, tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử có tăng nhưng không đáng kể (năm 2018 tổng doanh thu là 4.898 tỷ đồng, trong đó báo in là 3.650 tỷ đồng, báo điện tử là 1.248 tỷ đồng).
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhận định: "Hiệu suất lao động của báo chí trong năm qua tuy không cao nhưng những giá trị do báo chí mang lại vô cùng to lớn. Báo chí tuyên truyền tạo niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; sự năng động, sáng tạo, quyết liệt của Chính phủ; là hình ảnh Việt Nam tăng trưởng trên các lĩnh vực. Tất cả đang cùng hướng tới tương lai rộng mở. Giá trị vật chất mà báo chí mang lại thậm chí là nhiều tỷ đô và hơn thế, đó là niềm tin vào thể chế quốc gia đang trên đà cường thịnh".
Số liệu của Trung tâm lưu chiểu truyền thông số quốc gia thuộc Cục Báo chí cho thấy: tính đến 30/11/2019, trong tổng số 15.832.700 tin, bài trên báo chí điện tử, có 24,80% là thông tin tích cực; 9,87% là thông tin tiêu cực; thông tin trung lập chiếm tỉ lệ 65,33%. So với năm 2018, thông tin tiêu cực giảm 6,2%, thông tin tích cực tăng 8,5%. Xu hướng "báo chí tử tế" tăng hơn so với trước đây đã lan truyền đi những năng lượng tích cực trong xã hội.
Kiểm soát tốt các kênh truyền thông
Bên cạnh những điểm sáng tích cực, vẫn còn có những bất cập trong hoạt động báo chí. Nhiều cơ quan báo chí phải xoay xở nguồn thu, dẫn đến không ít hiện tượng coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế. Đã có các hoạt động “thúc ép” doanh nghiệp quảng cáo, thậm chí là trở thành chủ trương của không ít tòa soạn khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh.
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết: Thực trạng đó đã được chấn chỉnh quyết liệt trong năm qua, với hàng loạt các cuộc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Cục Báo chí đã tiếp nhận qua đường dây nóng 1.766 cuộc điện thoại, 139 thư điện tử. Qua kênh thông tin này, cơ quan quản lý chủ động nhắc nhở, xử lý nghiêm minh nhiều trường hợp vi phạm. Công tác phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, cùng các Sở Thông tin và Truyền thông thống nhất, nhịp nhàng, có hiệu quả, giúp xử lý tốt các vấn đề phát sinh cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành.
Trong năm, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền là 675,1 triệu đồng, trong đó, 6 trường hợp lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, 23 trường hợp báo, tạp chí in, điện tử. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã ban hành các Quyết định thu hồi Thẻ nhà báo đối với 3 trường hợp do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật. Các cơ quan báo chí đã nộp lại 19 thẻ nhà báo do các trường hợp này nghỉ hưu theo chế độ, chuyển công tác hoặc nghỉ việc.
Ông Lưu Đình Phúc cho rằng: Những giá trị mà báo chí mang lại cho đất nước là rất to lớn. Nhưng, báo chí đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu: Đó là truyền thông xã hội đang tạo ra quyền lực mới của sự ảnh hưởng. Cùng với đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, với chiêu bài dân chủ, nhân quyền; tận dụng truyền thông xã hội làm công cụ tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá chế độ, xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, loan truyền thông tin giả. Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc, thông tin xấu độc được lan truyền nhiều trên mạng, nếu không được kiểm soát tốt, qua kênh truyền thông chính thống sẽ trở thành dư luận xã hội, rất nguy hại...
Năm 2020, tình hình quốc tế sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cuộc đấu tranh về chính trị, tư tưởng thể hiện trên trận tuyến báo chí, ngày càng trở nên khốc liệt. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa kinh tế diễn ra mạnh mẽ, sâu sắc, tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức. Sự tương tác nhiều chiều trong thông tin, các trào lưu, khuynh hướng tư tưởng xâm nhập vào nước ta ngày càng mạnh mẽ. Yêu cầu khách quan đó đòi hỏi hoạt động báo chí phải nâng cao hơn nữa chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng giáo dục, hướng báo chí vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, xây dựng niềm tin xã hội, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, từng bước xây dựng con người mới, lối sống mới.
Xây dựng lực lượng báo chí chủ lực
Nhân kỷ niệm 94 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho báo chí: "Báo chí phải tìm lại giá trị cốt lõi của mình, phải có tính cách mạng, đồng thời nhận một sứ mệnh mới là chống các tin giả, tin xấu, độc hại... Dòng chảy chính mà báo chí đang mang đến cho đất nước, đó là sự đồng thuận và tạo niềm tin mãnh liệt hơn của xã hội, của người dân vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước".
Để thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao cho, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhấn mạnh, năm 2020, Cục sẽ tham mưu Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc giai đoạn 1 (báo chí thuộc các Bộ, ngành, địa phương); tận dụng các nguồn lực trong xã hội để "chung tay xây dựng niềm tin xã hội". Quỹ phát triển báo chí dự kiến ra đời trong năm 2020, trên cơ sở hoàn toàn xã hội hóa để hỗ trợ báo chí trong giai đoạn sau quy hoạch, tập trung hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, để bồi dưỡng, tập huấn cho phóng viên, biên tập viên; tuyên truyền xây dựng hình ảnh quốc gia.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý báo chí sẽ chú trọng đầu tư cho các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực (Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Công an nhân dân, Báo Quân đội nhân dân) để giữ vai trò chi phối, giữ nhịp, định hướng thông tin, làm tốt công tác đấu tranh phản bác tin giả, tin xấu, độc hại; hoàn thiện hành lang pháp lý để báo chí phát triển, đồng thời bổ sung quy định quản lý chặt chẽ; định hướng báo chí lan tỏa nội dung tích cực.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ kết nối đường dây nóng các bộ, ngành, địa phương để quản lý chặt chẽ hoạt động của phóng viên, kịp thời xử lý thông tin xấu độc, cung cấp thông tin cho báo chí, xử lý khủng hoảng truyền thông; chỉ đạo báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, công bố thông tin giả trên báo chí; hoàn thiện cơ sở dữ liệu phóng viên, nhà báo, cộng tác viên, từ đó kết nối địa phương để biết, đánh giá, xử lý; tập huấn cho đội ngũ làm công tác truyền thông chuyên trách các bộ, ngành, địa phương; tập huấn cho báo chí tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Mới đây, ngày 3/1/2020, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 01 về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2020. Đối với lĩnh vực báo chí và truyền thông, Chỉ thị nêu rõ: Báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội. Báo chí đóng góp vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với phương châm "Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực".
Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu: Phải thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; thực thi pháp luật, không chấp nhận mọi lý do gây chậm trễ tiến độ thực thi Quy hoạch đối với tất cả các cơ quan chủ quản cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong báo chí nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện Quy hoạch và xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện; thực thi Luật Báo chí, yêu cầu đầu tiên đối với quản lý báo chí là cơ quan chủ quản phải quản lý tốt cơ quan báo chí trực thuộc. 2020 là năm các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ quy định trong Luật Báo chí.
Theo Chỉ thị, mặt trận báo chí truyền thông phải có lực lượng là những cơ quan báo chí, xuất bản chủ lực. Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng Đề án hỗ trợ báo chí, xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu; tăng cường đặt hàng báo chí để các bộ, ban, ngành, địa phương có thêm ngân sách đặt hàng các nhiệm vụ chính trị đối với báo chí; xây dựng Quỹ Phát triển Báo chí từ nguồn xã hội hóa nhằm tập trung các nguồn lực về cơ chế, chính sách, về tài chính, về tổ chức để xây dựng lực lượng báo chí chủ lực có khả năng định hướng dư luận, có tầm vóc quốc tế.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung xử lý căn bản các tồn tại kéo dài như: “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, nhũng nhiễu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, không tuân thủ tôn chỉ, mục đích, vi phạm đạo đức người làm báo, tin tiêu cực như là dòng chảy chính làm mất đi năng lượng tích cực của xã hội.