Đề xuất xử lý người phát ngôn chậm cung cấp thông tin báo chí

Các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí (năm 2016) đề xuất ban hành bổ sung chế tài xử lý đối với những vi phạm trong hoạt động báo chí.
Luật báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển. (Ảnh minh họa: Minh Sơn /Vietnam+)
Luật báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển. (Ảnh minh họa: Minh Sơn /Vietnam+)

Nhiều bất cập liên quan đến hoạt động của người cung cấp thông tin cho báo chí, bản quyền thông tin, hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương… đã được các đại biểu chỉ rõ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí (năm 2016).

Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 4/12 tại Hà Nội.

Người phát ngôn “né” trả lời

Theo Ông Lưu Đình Phúc-Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), qua khoảng 3 năm thi hành, Luật báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển. Những nội dung của Luật phù hợp, bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm, phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng thống nhất ý kiến cho rằng về cơ bản, các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng chỉ rõ, trong một số trường hợp, việc quy định người phát ngôn mới có quyền cung cấp thông tin cho báo chí gây ảnh hưởng đến quá trình tác nghiệp của phóng viên, làm mất tính thời sự của thông tin, sự kiện.

“Nhiều cơ quan hành chính nhà nước cử người phát ngôn mang tính đối phó. Phóng viên liên lạc với người phát ngôn rất khó, bị né tránh bằng nhiều hình thức: Trả lời chung chung hoặc không nghe điện thoại… Đặc biệt, với một số vấn đề, sự kiện thời sự ‘nóng,’ người phát ngôn vẫn đòi hỏi phóng viên phải gửi công văn, câu hỏi bằng văn bản, sau đó một vài ngày (khi sự kiện đã ‘nguội’) mới trả lời, phản hồi. Điều này khiến cho thông tin mất tính thời sự,” ông Nguyễn Đình Chúc-Phó Tổng biên tập Báo Lao Động cho biết.

Báo cáo Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016 cũng chỉ rõ hiện nay, chế tài xử lý đối với người phát ngôn khi chậm cung cấp thông tin báo chí còn nhẹ với những quy định chung chung. Trên thực tế, hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý về vấn đề này.

Ở góc độ khác, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng hiện nay, xảy ra tình trạng chỉ có trưởng văn phòng đại diện của cơ quan báo chí tại địa phương có thẻ nhà báo. Phóng viên thuộc văn phòng là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí tuyển cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí làm cộng tác viên, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, trình độ của người làm báo.

“Tình trạng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp có nguyên nhân từ việc cơ quan báo chí buông lỏng quản lý đối với phóng viên, cộng tác viên, dễ dãi trong việc cung cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên. Ngoài ra, việc khoán doanh thu quảng cáo cho văn phòng đại diện dẫn đến tình trạng phóng viên sử dụng cộng tác viên và cấu kết với một số đối tượng nhằm sách nhiễu doanh nghiệp, gây sức ép ký hợp đồng quảng cáo,” ông Vũ Văn Tiến-Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ rõ.

Đề xuất bổ sung chế tài xử lý vi phạm

Để khắc phục bất cập nêu trên, các đại biểu cho rằng Luật Báo chí cần bổ sung quy định cụ thể về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, không để tình trạng “khoán doanh thu” và không kiểm soát được hoạt động của văn phòng đại diện.

“Các cơ quan quản lý báo chí, các tòa soạn báo cần cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin (họ tên, chức danh…) của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên để các đơn vị, địa phương có cơ sở đối chiếu. Điều này sẽ tránh được tình trạng mạo danh, lợi dụng danh nghĩa phóng viên, cơ quan báo chí để sách nhiễu doanh nghiệp, địa phương,” ông Vũ Văn Tiến nêu quan điểm.

Ngoài ra, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất thu hồi thẻ nhà báo (còn hạn sử dụng) của phóng viên, biên tập viên khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc nghỉ việc tại các cơ quan báo chí. Điều này để tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo để thực hiện những hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất ban hành bổ sung chế tài xử lý đối với những vi phạm trong hoạt động báo chí: Khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng trước khi đăng tải, gây bức xúc trong dư luận; tình trạng cơ quan, tổ chức, cá nhân của các cơ quan hành chính nhà nước cố tình né tránh, không cung cấp thông tin kịp thời hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí…

“Nhiều thông tin báo chí bị cắt gọt, chỉnh sửa khi đăng tải trên mạng xã hội. Điều này cho thấy tình trạng bản quyền thông tin báo chí đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Bởi vậy, Luật Báo chí cần quy định cụ thể hơn về vấn đề sở hữu trí tuệ với thông tin báo chí, chế tài xử lý với trường hợp vi phạm cũng như phương án bồi thường thiệt hại cho đơn vị bị vi phạm,” đại diện Thông tấn xã Việt Nam đề xuất.

Ở phương diện khác, ông Thái Thành Chung, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cá nhân, doanh nghiệp truyền thông tự sản xuất chương trình truyền hình cung cấp cho các hạ tầng truyền dẫn nội dung số, các phương thức truyền dẫn mới (Youtube, Facebook…) phải đăng ký liên kết sản xuất với cơ quan báo chí theo từng loại hình nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm định nội dung đối với các sản phẩm.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần có cơ chế bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp đúng quy định của Luật báo chí; xử lý nghiêm các trường hợp hành hung phóng viên hoặc giả danh phóng viên.../.

Theo Vietnamplus
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.