Liều lượng thông tin tiêu cực còn lớn
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhà báo Nguyễn Văn Bá - Tổng biên tập Báo VietNamNet,0 đã trích dẫn thông điệp đặc biệt mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt ra cho các cơ quan báo chí: “Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng: Xác thực, dẫn dắt, tiên phong, đổi mới, dấn thân. Giữ cái bất biến ấy để ứng vạn biến. Muốn đi xa thì càng phải về gần”.
Trên thực tế, trước sức ép từ truyền thông xã hội, công nghệ, một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện “đánh mất mình”. Thời gian gần đây, trên một số tờ báo tràn lan những thông tin tiêu cực về kinh tế, vụ án hay những vụ học sinh tự tử. Những thông tin này không phải là “fake news” (tin giả) và bạn đọc phần nào đó cũng cần được thông tin về những vụ việc này.
"Vấn đề là liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống", ông Nguyễn Văn bá cho biết.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo. |
Theo ông Bá, tại nhiều cơ quan báo chí nước ngoài và tại Việt Nam, xu hướng “báo chí giải pháp” (solutions journalism), "báo chí truyền cảm hứng” (Inspirational journalism) hay tin tức kiến tạo (constructive news) đã và đang chiếm ưu thế.
Báo chí giải pháp có thể hiểu là ngoài điều tra, phản ánh các vấn đề xã hội, mà còn đưa ra các giải pháp có tính khả thi. Báo chí giải pháp góp phần nâng cao kiến thức và trách nhiệm của công chúng bằng cách cung cấp toàn bộ câu chuyện cho người đọc và cung cấp nội dung mang tính xây dựng trong thời đại “truyền thông thờ ơ”.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết hệ thống đo quét ghi nhận các tin bài mang tính chất tiêu cực luôn có tính lan toả nhất trên mạng xã hội.
"Cơ quan quản lý đặt ra ngưỡng 10% tin tiêu cực, dưới 10% thì chấp nhận được, còn trên 10% thì báo chí tiêu cực trở thành dòng chảy chính. Chúng tôi nhận thấy, báo chí giải pháp hay báo chí kiến tạo sẽ giúp ích rất lớn cho công tác quản lý và là những câu chuyện xã hội cần”, bà Giang nói.
Đại diện Cục Báo chí cho biết Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý với đề xuất cho phép xây dựng Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Trung tâm sẽ kết hợp với các công ty công nghệ, các cơ quan quản lý hỗ trợ cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số, để từ đó tạo ra nguồn thu và kinh tế báo chí.
“Rủi ro từ báo chí làm tăng chi phí kinh doanh”
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI, khẳng định thông tin từ báo chí rất cần thiết, với người dân và đặc biệt với doanh nghiệp.
"Vai trò của báo chí lớn, doanh nghiệp cần báo chí nhưng doanh nghiệp cũng e ngại báo chí như nhiều doanh nghiệp thường than thở", ông Tuấn chia sẻ.
Theo đại diện VCCI, thời gian gần đây mệnh đề “nếu như thông tin báo chí đăng tải là chính xác” được nhiều doanh nghiệp, nhà nghiên cứu hay cả quan chức nhà nước dẫn ra khi họ nhận được yêu cầu bình luận về những vấn đề mà báo chí đăng tải, phản ánh. Đáng lo ngại, dường như mệnh đề này có xu hướng được sử dụng nhiều hơn theo thời gian.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI, phát biểu tại Hội thảo. |
"Phải chăng bởi vì những sai sót trong đăng tải thông tin, trong phân tích vụ việc của nhiều cơ quan báo chí thời gian qua. Hạn chế về sự chuyên sâu, chạy đua thời sự và không cẩn trọng của phóng viên, thiếu nhạy cảm và quy trình chưa chuyên nghiệp của tòa soạn nơi kiểm soát các bài báo xuất bản,... có thể là những lý do quan trọng của tình trạng trên", ông Tuấn đặt câu hỏi.
Thậm chí một nhà đầu tư nước ngoài gần đây hỏi thẳng thắn về việc kinh doanh ở Việt Nam đang rủi ro và đắt đỏ hơn không vì… báo chí. Dưới con mắt của các nhà đầu tư, những vụ vội vàng đăng tải thông tin sai lệch về sản phẩm, dịch vụ khiến doanh nghiệp khốn đốn, thậm chí dễ dàng phá sản, những hành động “tống tiền” doanh nghiệp của một số phóng viên kém đạo đức của một số báo, sự yếu kém và chậm trễ của hệ thống tư pháp trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp… tất cả đều được tính toán là rủi ro và chi phí về đầu tư. Với những nhà đầu tư lớn và kỹ tính thì họ càng e ngại về rủi ro này ở Việt Nam hơn bao giờ hết.
"Như vậy, báo chí đang đóng góp quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng báo chí cũng có thể đang làm môi trường đầu tư và kinh doanh rủi ro hơn và đắt đỏ hơn", ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra. "Cá nhân tôi luôn mong ước rằng doanh nghiệp và báo chí là hai đối tác quan trọng của nhau. Báo chí cần thông tin, doanh nghiệp cần diễn đàn. Cả hai đối tác hướng tới một mục tiêu chung về một xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Thậm chí mong ước có được những quỹ đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quỹ dành cho những phóng viên điều tra xuất sắc mà doanh nghiệp chung tay đóng góp".
Xây dựng nền báo chí kiến tạo
Đặt câu hỏi cần làm gì để có báo chí kiến tạo, PGS.TS. Nguyễn Văn Dững đã đưa ra ba giải pháp: Thứ nhất, báo chí kiến tạo bắt buộc phải nói lên sự thật mang tính chọn lọc và sự thật chính là sức mạnh của báo chí.
Thứ hai, báo chí phải giám sát và phản biện xã hội. Việc phản biện các chính sách là vấn đề lớn, cần được thực hiện trên nguyên tắc công khai và minh bạch để tạo dựng niềm tin xã hội.
Giải pháp cuối cùng và quan trọng nhất đó là nâng cao trình độ đối với đội ngũ nhà báo, phóng viên. Người làm báo cần nêu cao trách nhiệm pháp lý, chuẩn mực xã hội khi lựa chọn vấn đề, sự kiện và thông tin. Đồng thời các nhà báo cần nâng cao kỹ năng khai thác dữ liệu và phát triển mạnh mẽ mảng báo chí điều tra, ông Dững khẳng định.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, chia sẻ tại hội thảo. |
Chia sẻ về mô hình “báo chí kiến tạo”, ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, cho hay tòa soạn đặt ra yêu cầu với phóng viên là phải tập trung vào giải pháp. Nghĩa là phóng viên có thể đi sâu “xới xáo” vấn đề, phơi bày thực trạng, nhưng cũng cho thấy có giải pháp khắc phục.
Trong quá trình thực hiện tin bài, phóng viên phải đảm bảo tính cân bằng, không cường điệu hóa, không để cảm xúc dẫn dắt, không phóng đại nỗi sợ hãi, gây hoang mang dư luận.
Thêm vào đó, các tuyến bài phóng sự điều tra của Báo Điện tử VietnamPlus luôn có ý kiến từ cơ quan quản lý, ngay cả đối tượng bị phản ánh cũng được lên tiếng.
“Báo chí hay nhà báo không phải là quan tòa để có thể đưa ra phán xét. Do đó, chúng tôi luôn lắng nghe thông tin từ nhiều phía, kể cả từ đối tượng đang bị phản ánh. Về phương hướng giải quyết vấn đề, phóng viên sẽ xin ý kiến cơ quan chức năng và các chuyên gia có liên quan,” ông Nhật cho biết.