Điều quan trọng với người làm báo là trách nhiệm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ mạnh mẽ, vị trí và vai trò của báo chí là không thể phủ nhận được. Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đã dành cho Tạp chí Ngày Nay một cuộc trò chuyện về sự phát triển của báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân.

Bị cuốn vào sự dẫn dắt của các ông lớn công nghệ

PV: Theo ông, việc chuyển đổi nội dung lên các nền tảng trên không gian mạng internet, hay nói rộng hơn là công cuộc chuyển đổi số với báo chí Việt Nam, đã đạt đến mức nào?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Từ 10 năm trước, khi chúng tôi dự các hội thảo trên thế giới, họ coi mạng xã hội vừa là bạn, vừa là thù. Báo chí không thể nào loại bỏ mạng xã hội ra khỏi chiến lược phát triển. Từ đó xuất hiện loại hình distributed content - là nội dung được phát hành trên nền tảng khác. Có cơ quan báo chí không muốn đưa thông tin lên mạng xã hội vì sợ bị chi phối, có nơi thì ngược lại, lệ thuộc rất nhiều, đẩy phần lớn nội dung lên mạng xã hội, có cơ quan báo chí cực đoan hơn thì đăng 100% thông tin lên mạng xã hội. Cho thấy cuộc tranh cãi về việc nên dựa vào các mạng xã hội hay không đã đến từ rất sớm.

10 năm trôi qua, chúng ta thấy việc dựa vào mạng xã hội có nhiều cái lợi và hại khác nhau. Ví dụ như việc báo chí dựa vào các search engine của mạng xã hội, chạy theo các thuật toán của nền tảng đó. Đó là trend (trào lưu, xu hướng đang nổi bật) về người nổi tiếng, về vụ tai nạn, tai tiếng nào đó,… thì thuật toán của mạng xã hội sẽ tự động đẩy nó lên, báo chí dựa vào thuật toán để lan tỏa.

Tôi còn nhớ khi Facebook chuẩn bị triển khai Instant Article (tính năng hiển thị nội dung trên nền tảng riêng của Facebook), trong cuộc gặp với đại diện Facebook, tôi có bảo làm thế nào để tờ báo của tôi được tham gia Instant Article. Thì họ không đồng ý vì bảo là phải đạt lượng truy cập nhất định thì mới được tham gia, còn báo anh dù chính thống nhưng chưa đủ lưu lượng đâu, còn chưa lọp vào top 10. Mình nghĩ là mất cơ hội tham gia cuộc chơi. Nhưng sau khi Facebook triển khai Instant Article tại Việt Nam, họ lại quay về mời chúng tôi tham gia. Nhưng tôi từ chối, và bây giờ tôi vẫn thấy mình đúng. Vì khi đăng tải nội dung của mình lên, ta sẽ được một lượng lượt xem nhất định, nhưng có nhiều trường hợp ta bị mất kiểm soát về nội dung, dẫn đến các hậu quả khó lường. Bây giờ nhiều cơ quan báo chí đang bị cuốn vào sự dẫn dắt của các ông lớn công nghệ như Youtube, Facebook, Tiktok.

Cái dở nhất khi bị lệ thuộc vào mạng xã hội là có lưu lượng tiếp cận lớn nhưng không có độc giả. Khi đọc từ một đường link trên mạng xã hội, người ta sẽ không nhớ được bài viết đó đăng ở báo nào và tác giả là ai. Khi chúng ta chơi với các ông lớn mạng xã hội, thông tin của chúng ta được lan tỏa mạnh mẽ hơn nhiều so với làm báo in, nhưng cái mất cũng rất lớn. Cái mất lớn nhất theo tôi là mất độc giả, khán thính giả.

Để nắm bắt độc giả đang là một thách thức với báo chí. Những tờ báo lớn trên thế giới họ dựng tường thu phí hết. Số người trả phí có thể khác nhau, tờ báo lớn có thể chỉ có vài chục nghìn người trả phí thôi, nhưng với họ vài chục nghìn người họ đã nắm trong tay như vậy quan trọng hơn số lượng rất đông còn lại mà họ không biết là ai. Báo chí ở Việt Nam chưa ý thức được điều này, vẫn quan niệm là cứ càng nhiều người đọc càng tốt và dựa vào quảng cáo.

PV: Xu thế cá nhân hóa hay định danh người dùng là xu thế mà tất cả các ứng dụng cung cấp nội dung hiện giờ đều đang thực hiện. Và một số tờ báo ở Việt Nam đang cố gắng làm điều này. Tuy nhiên, người dùng cũng dè dặt trong việc cung cấp thông tin cá nhân, vì ở nước ta các hàng rào bảo vệ thông tin cá nhân là chưa tốt…

Nhà báo Lê Quốc Minh: Câu chuyện dữ liệu độc giả là câu chuyện mang tính toàn cầu. Ngay cả ông lớn như Facebook cũng đã dính rất nhiều vụ kiện vì để lộ thông tin người dùng cho bên thứ ba.

Ở Việt Nam, câu chuyện này vẫn đơn giản hơn rất nhiều. Chẳng hạn như danh sách điện thoại dễ dàng lọt vào tay các đơn vị kinh doanh, telesales (bán hàng qua điện thoại) có thể quấy rầy chúng ta. Và các cơ quan báo chí không đảm bảo được những vấn đề này thì bị hack không phải là điều khó xảy ra. Thế nên người dùng trên thế giới, kể cả những nước mà người dân dùng thẻ tín dụng rất phổ biến thì người ta cũng dè dặt trong việc khai thông tin cá nhân với báo chí. Họ có thể khai để đi mua sắm, nhưng khai cho báo chí thì e ngại. Vậy nên việc người dùng ngại cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm như thẻ tín dụng là rất dễ hiểu.

Chúng tôi đã thử nghiệm từ những năm 2018, 2019 để cài hệ thống trí tuệ nhân tạo bên dưới. Nó sẽ đẩy những nội dung gọi là đẩy thông tin đáng chú ý trên web, email, hoặc tạo ra những bản tin điện tử tự động cho từng người. Đây chắc chắn sẽ là xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới, vì một tờ báo có thể phát hàng trăm tin một ngày nhưng người dùng chỉ quan tâm tới một loại tin nhất định, hoặc năng lực chỉ cho phép họ đọc một số loại tin nhất định. Đây sẽ là cái xu hướng đương nhiên.

Báo chí Việt Nam đang có vấn đề là trừ số ít tờ báo mang tính chất tổng hợp, tờ báo quốc gia, đi về các vấn đề mang tính bao trùm, nội dung gì cũng có, thì lẽ ra các tờ báo khác nên tìm các thị trường ngách (ví dụ có tờ báo chuyên về kiến trúc, ẩm thực, ô tô,… dành riêng cho các đối tượng đặc thù) thay vì cũng chạy đua trên những mảng giống nhau do cuộc chạy đua về traffic và thuật toán trên nền tảng digital. Một tờ báo về điện tử cũng đi nói về bất động sản, tờ báo về nông nghiệp thì lao vào nói chuyện đô thị, xây dựng… Chúng ta đã bỏ đi thị trường ngách để lao vào những cái chung chung.

Những quy định của pháp luật về tôn chỉ mục đích thực chất không phải là nhắm đến hạn chế người dùng, mà nhắm đến việc một số phóng viên, nhà báo đang lợi dụng để làm một số việc không đúng đắn. Những biện pháp này cũng mang tính chất tức thời. Về mặt lâu dài thì phải là ý thức của những người quản lý, vận hành cơ quan báo chí đó và phóng viên, biên tập viên. Ý thức của người dùng, người viết báo, lãnh đạo cơ quan báo chí và các cơ quan chủ quản là câu chuyện hết sức quan trọng.

Nền báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng nên mục đích tuyên truyền đường lối chính sách là rất lớn. Báo chí đương nhiên là phải có tính phản biện xã hội, nêu ra những vấn đề bất cập và phản ánh mọi góc cạnh của đời sống. Nhưng bên cạnh đó cũng phải tuyên truyền về các chính sách tốt đẹp. Chúng ta thấy là có nhiều chính sách tốt nhưng tuyên truyền không đúng thời điểm, không biết cách tuyên truyền thì người dân không hiểu và cuối cùng gây ra những thứ sai lệch, nên việc tuyên truyền cần phải được ý thức hơn trong các cơ quan báo chí. Nó luôn song hành với việc phản biện. Và trong vấn đề phản biện, chúng ta phải phản biện với tinh thần xây dựng.

Nhà báo phải biết làm thương hiệu cho cá nhân và cho tờ báo

PV: Có vẻ trong hai thập kỷ qua, việc xây dựng tên tuổi cá nhân với nhà báo khó hơn rất nhiều. Chúng ta đã qua giai đoạn nhớ tên những nhà báo gắn với các tờ báo lớn. Theo ông, liệu chúng ta có thể quay lại thời gian mà những cá nhân tạo nên tên tuổi cho tờ báo và ngược lại?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Trong những sách dạy về cách vận hành những tòa soạn trong kỷ nguyên số hiện nay, thì có một mục sẽ gây cảm giác lạ lùng với nhiều người đọc. Đó là các nhà báo phải biết làm thương hiệu cho cá nhân và cho tờ báo. Hồi trước chúng ta chỉ cần biết viết bài, và nếu bài viết nổi tiếng thì ta sẽ được công chúng chú ý. Nhưng bây giờ phóng viên và tờ báo phải biết làm thương hiệu cho chính mình chứ không phải hữu xạ tự nhiên hương như ngày trước nữa.

Chúng ta còn phải đề phòng trường hợp có những trang web giả mạo các cơ quan báo chí. Cũng là cơ quan báo chí A, lấy tên miền là .com, thì những người giả mạo lại thêm thắt một chút gì đó vào sau nữa để đánh lạc hướng, nhưng thiết kế thì y hệt tờ báo gốc. Cho nên việc người dùng không thể nhớ tên tờ báo và nhà báo là thực tế đang xảy ra.

Đó là chưa kể đến việc các cơ quan báo chí sẽ càng ngày càng khó khăn. Rất nhiều cơ quan báo chí do những khó khăn về mặt tài chính, sự thay đổi về mặt hành vi tiêu dùng thông tin không còn hoạt động hiệu quả nên đã phải đóng cửa.

Ở Mỹ và châu Âu, việc các cơ quan báo chí bị đóng cửa hàng ngày là rất phổ biến. Nó sinh ra tình trạng sa mạc tin tức, có những vùng không có tờ báo nào cả nên tin tức trong cộng đồng không được phản ánh. Người ta chỉ đọc các tờ báo lớn, toàn quốc.

PV: Nhưng liệu đó có thể là cơ hội cho những tờ báo có đặc thù riêng như báo địa phương, báo chuyên ngành… hoặc là hướng đi cho các nhà báo trẻ. Cái sa mạc thông tin mà ông nói hoàn toàn có thể là vùng đất màu mỡ để chúng ta quay về?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Có những tờ báo phát triển tốt khi đi vào vấn đề siêu địa phương (hyperlocal). Cũng có những tờ báo địa phương đã bị xóa sổ. Đây là tình trạng một bên mất đi còn bên còn lại thì mọc lên. Nhưng bên mất đi nhiều hơn nên mới dẫn đến tình trạng sa mạc thông tin như thế. Cũng có nhiều tờ báo của Việt Nam lẽ ra phải đi theo thị trường ngách (Niche) của mình, nhưng lại cố ôm những vấn đề mà không thể cạnh tranh với các tờ báo lớn về nguồn lực. Họ bỏ rơi sức mạnh riêng của mình để lao theo cuộc chơi chung dù cơ hội ít hơn.

Báo chí thế giới nói chung sẽ càng ngày càng khó khăn vì xu thế phát triển của công nghệ, và nhiều nội dung càng ngày càng minh bạch hơn. Ví dụ như các cơ quan công quyền bây giờ phải công bố tất cả các loại nội dung, văn bản… công khai trên cổng thông tin của họ. Người đọc có thể vào thẳng trang chủ, lấy dữ liệu thô và tự phân tích, không cần qua lăng kính của nhà báo nữa. Sự minh bạch thông tin ngày càng phổ biến đã thay đổi hành vi của người đọc như thế.

Nên báo chí sẽ rất khó khăn. Chúng ta có thể thấy trên thế giới có hàng loạt những vụ sa thải nhân sự trong làng báo ngay sau đợt COVID-19. Có những tờ báo tiếp tục thành công nhưng cũng có những tờ báo rất là khó khăn. Nếu các cơ quan báo chí Việt Nam không chuẩn bị tinh thần trước, nghĩ ra những giải pháp phòng bị ngay lập tức thì lúc khó khăn ập đến sẽ không trở tay kịp.

PV: Theo ông, những cơ quán báo chí có cơ cấu nhân sự nhỏ gọn và tạp chí chuyên ngành sẽ đối mặt như thế nào với những vấn đề mà ngay cả các tờ báo lớn cũng đang phải loay hoay tìm cách? Khi mà miếng bánh dành cho những tờ báo nhỏ, tạp chí chuyên ngành lại ngày càng nhỏ hơn?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Nền tảng digital là một cuộc chơi không phân biệt lớn nhỏ. Một tờ báo nhỏ hoàn toàn có cơ hội thay đổi ngoạn mục, và một tờ báo lớn cũng chưa chắc đã hưởng được những thành quả của quá khứ để thành công trong hiện tại. Cho nên câu chuyện chuyển đổi số là một cái con đường mà chắc chắn không tờ báo nào có thể đứng lại. Vì tất cả người dùng rồi đây đều sẽ chỉ tung tẩy, dạo chơi trên nền tảng digital thôi. Lúc đó những nền tảng khác nếu không bắt kịp thì sẽ càng ngày càng mất độc giả, khán thính giả.

Trong quá trình chuyển đổi số này, mỗi tờ báo đều phải quan tâm hơn đến môi trường phát hành nội dung mà đa số người dùng sẽ tồn tại trên đó. Các nghiên cứu về báo chí chỉ ra rằng con đường phát triển của báo chí hiện nay có hai từ khóa rất quan trọng là Big hay Niche (Lớn hay Ngách). Hoặc là ông phải rất lớn, hoặc là ông phải đi vào thị trường ngách. Big là những cơ quan báo chí có hàng trăm, hàng ngàn phóng viên, biên tập viên, có mạng lưới bao phủ toàn quốc, hoặc đủ lớn, đủ năng lực để đưa tin về mọi vấn đề: chính trị, văn hóa, kinh tế, thể thao… Bên cạnh đó là xu hướng đi vào Niche. Họ sẽ chọn một mảng mà đang có nhu cầu được biết đến nhưng chưa có người cung ứng.

Trong cuốn sách nói về sáng tạo đổi mới trong báo chí mà chúng tôi làm trong thời gian qua, có rất nhiều mô hình của các tờ báo tuy nhỏ nhưng rất sáng tạo, và duy trì được sự phát triển ổn định. Khi họ đa dạng hóa các nguồn thu, coi mối quan hệ với độc giả là câu chuyện sống còn thì họ vô cùng vững chắc. Nếu chỉ dựa vào quảng cáo thì nó sẽ biến động rất nhiều, có thể do kinh tế khó khăn, dịch bệnh… khiến các doanh nghiệp phải giảm chi phí cho quảng cáo. Còn nếu chỉ dựa vào bán báo thì các gia đình sẵn sàng cắt tiền mua báo đi để giảm bới chi tiêu khi khó khăn. Các nghiên cứu đề xuất rằng mỗi cơ quan báo chí phải sử dụng ít nhất là 3 phương án tạo nguồn thu khác nhau thì mới có thể ổn định. Chứ nếu chỉ bán báo và quảng cáo thì sẽ rất rủi ro. Nên với các cơ quan báo chí, họ phải rất kiên định để đi theo các ngách của mình. Nếu sốt ruột và phá vỡ định hướng từ đầu, thấy các báo khác làm vấn đề này rồi cũng chạy theo làm dù chẳng liên quan tới tờ báo hoặc không có lợi thế về chuyên gia, thì sẽ rất khó.

Tất nhiên là báo chí thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nhưng vị trí, vai trò của báo chí thì không ai có thể phủ nhận được, trong bối cảnh tin tức càng ngày càng hỗn loạn như hiện nay. Có những người đã quay lưng với báo chí, bảo là tôi không tin báo chí nữa, người thì giảm chi tiêu… Nhưng báo chí vẫn là nguồn thông tin rất quan trọng để mọi người bám vào khi họ không thể xác định những thông tin là đúng hay sai.

Báo chí phải tạo được niềm tin với độc giả. Độc giả tin tưởng chúng ta, thấy bài viết này trung thực, tin tưởng nhà báo này, tờ báo này có chính kiến rõ ràng thì người ta sẽ tìm tới tờ báo của chúng ta. Khi đó chúng ta mới có thể thực hiện được sứ mệnh của mình là nội dung mang tính định hướng cho độc giả và khán thính giả, trong tiếng Anh là navigate, ví như ngọn hải đăng đưa người dùng đi qua cuộc sống hay công việc.

Điều quan trọng với những người làm báo là trách nhiệm xã hội rất lớn. Dù chúng ta làm ở cơ quan báo chí lớn hay nhỏ, trên hết vẫn là cung cấp những nội dung dẫn dắt cho xã hội, và có trách nhiệm cho xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ảnh minh hoạ.
Còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ…
Khung cảnh mua bán được tái hiện trong không gian Trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đánh thức tiềm năng du lịch bền vững ở làng nghề trăm tuổi
(Ngày Nay) - Dòng kênh Thầy Cai nhộn nhịp với những chiếc ghe chở gạch, chở trấu, những chiếc ghe hàng... tưởng chừng như bị lãng quên đã được gợi nhớ lại trong những ngày diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2024.
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
(Ngày Nay) - Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dự kiến sẽ tăng cường các giải pháp để chống thi thay, thi hộ như bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
(Ngày Nay) - Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sự "đảo chiều" trong quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ
(Ngày Nay) - Quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ đang trải qua một sự đảo chiều mạnh mẽ, chuyển từ hợp tác quân sự sang tập trung vào thương mại dầu mỏ và hàng hóa. Với kim ngạch thương mại tăng đột biến lên 65 tỷ USD vào năm 2023, Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga.
Các đại biểu tặng hoa tri ân ông, bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê
Trưng bày cố định Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-2024), sáng ngày 23/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật của danh họa này.