Mạng xã hội đang rất phổ cập, và báo chí cũng không đứng ngoài xu hướng này để tiếp cận độc giả. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hầu hết các nhà xuất bản và cơ quan báo chí đều đánh giá rằng, mạng xã hội đã trở nên vô cùng thiết yếu đối với hoạt động báo chí, trong đó hơn 90% cho rằng Google và Youtube đóng góp đáng kể vào sự phát triển của báo chí, và khoảng 55% đánh giá cao hệ sinh thái của Facebook (bao gồm Facebook, Instagram và Whatsapp). Sở dĩ có sự chênh lệch lớn như vậy là do sự thay đổi về thuật toán theo dõi của Facebook khiến cho các nhà báo giảm lượng tin tức tham chiếu từ mạng xã hội này.
Các hãng truyền thông có thu phí có xu hướng sử dụng mạng xã hội như một công cụ marketing và một kênh thu hút độc giả, chứ không chỉ đơn thuần là cung cấp nội dung. Trong khi các hãng khác lại coi đây là một kênh để thu hút quảng cáo và chia sẻ doanh thu. Các tạp chí coi trọng Instagram và Snapchat hơn do 2 mạng xã hội này tập trung vào chia sẻ hình ảnh. Còn các tờ tin tức địa phương coi mạng xã hội là điểm quan trọng để đếm số độc giả quan tâm.
Mặc dù hệ sinh thái của Google và Facebook đem lại sự phong phú về nguồn tin và giúp mở rộng vùng phủ của báo chí, nhưng các công ty truyền thông vẫn không ngừng tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới. Ở Mỹ, Apple News giờ đã được các tờ báo sử dụng nhiều ngang ngửa với Facebook, một số hãng thông tấn thậm chí có lượng truy cập tăng từ 50 đến 400% trong vòng 6 tháng sau khi đưa thông tin lên nền tảng này. Nhiều hãng khác cũng đã hợp tác với các công ty cung cấp nền tảng nhỏ hơn, nhằm tạo ra các nội dung được đặt hàng trước, hoặc tìm kiếm các thông tin theo chủ đề linh hoạt hơn.
Gần đây Facebook đã cho các công ty khác kết nối vào nền tảng Messenger bot, và các nhà xuất bản như Fusion, Complex, TechCrunch ngay lập tức tận dụng cơ hội này mở rộng không gian sáng tạo cho bot tin tức. Các con bot này được sử dụng để tự động đưa các tin tức nóng hổi đến với độc giả dựa theo thói quen tìm kiếm và sở thích của từng người. Ông Satya Nadella, CEO của Microsoft, nhận định rằng, chatbot sẽ làm thay đổi cách người ta sử dụng ứng dụng di động hiện nay.
Robot phóng viên là một trong những ứng dụng công nghệ gây tranh cãi nhất hiện nay trong giới báo chí thế giới. Robot phóng viên là trợ thủ đắc lực cho các nhà báo, khi giúp dịch và phân tích thông tin phục vụ viết bài, nó cũng được sử dụng để kiểm tra các tin nóng, nguồn tin và xác định những nội dung nào sẽ thu hút độc giả. Washington Post đã phát minh ra Bandito, một robot phóng viên, cho phép kiểm tra các điều kiện khác nhau theo thời gian thực nhằm phát hiện nội dung nào ăn khách nhất, và thậm chí còn đưa ra các cải tiến, chỉnh sửa cho các bài viết chưa đủ độ hấp dẫn.
Khi nội dung được cung cấp miễn phí, báo chí chỉ còn biết dựa vào nguồn thu quảng cáo và tài trợ. Mặc dù đa số độc giả không bật tính năng chặn quảng cáo trên máy tính hoặc thiết bị di động, người ta vẫn ước tính, hàng năm doanh thu quảng cáo bị hao hụt nhiều chục tỷ USD do chức năng này. Một vài công ty công nghệ rất nhanh nhạy đã thử nghiệm công nghệ mới giúp các hãng thông tấn vượt qua rào cản chặn quảng cáo từ phía người dùng. Cách tiếp cận có thể là một phần mềm cho phép chèn quảng cáo lại sau khi bị từ chối, hoặc là chọn lọc và đem đến những quảng cáo phù hợp nhất với trải nghiệm của khách hàng. Công nghệ này đã được thử nghiệm với tạp chí Forbes, cho phép chào mời các độc giả khó tính nhận một món quà nhỏ để trải nghiệm số lượng ít các quảng cáo phù hợp với sở thích nếu như họ đồng ý tắt tính năng chặn quảng cáo.
Ở một số quốc gia, máy bay không người lái đã được cấp phép sử dụng cho mục đích thương mại, đó chính là lúc mà các hãng thông tấn lớn như AP, CNN, AFP… hết sức vui mừng. Máy bay không người lái rẻ hơn rất nhiều so với máy bay trực thăng, cho phép ghi nhận những hình ảnh sống động, ở những nơi mà các thiết bị cồng kềnh khác khó phát huy tác dụng như rừng sâu, thác nước, ngoài biển khơi… Việc sử dụng máy bay không người lái cũng đảm bảo sự an toàn cho phóng viên khi tác nghiệp ở những vùng đang có chiến tranh hoặc nơi xảy ra thảm họa, cung cấp thông tin, hình ảnh kịp thời mà không bị đe dọa đến tính mạng.
Đã qua rồi cái thời phóng viên đưa tin chỉ cần vài dòng văn bản, mấy cái ảnh minh họa. Độc giả giờ no đủ hơn và cũng đòi hỏi nhiều hơn, báo chí hiểu rất rõ điều đó, nên họ rất chú trọng đến việc cung cấp thêm biểu đồ, hình họa có tương tác nhằm thu hút độc giả dùng điện thoại di động.
Chỉ vài giờ sau khi đưa tin một vụ nổ xảy ra, các kỹ thuật viên đồ họa đã nhanh chóng đưa lên bản đồ khu vực xung quanh và các phương án di tản người dân, hiệu ứng với người xem sẽ lớn hơn rất nhiều.
Hoặc thay vì click chuột, độc giả sẽ di chuột lên xuống trên trang báo và có được trải nghiệm rất đặc biệt, đó chính là công cụ “Scrollytelling” - kể chuyện bằng cách di chuột. Một ví dụ điển hình của biểu diễn dữ liệu chính là chuyên mục Bức tường Bình minh - The Dawn Wall của tờ The New York Times, kể về hành trình của những người leo núi với sự minh họa sống động khi độc giả di chuột lên xuống, thể hiện từng mảng vách đá cheo leo mà các nhà leo núi đã phải vượt qua.
Kể từ khi Facebook ra mắt tính năng Live, truyền hình đã mất đi vị thế độc quyền của các chương trình truyền hình trực tiếp, và dù yêu hay ghét, các hãng truyền hình vẫn phải thừa nhận, Facebook Live cũng đem lại doanh thu không kém gì truyền hình trực tiếp thông thường.
Điểm nổi bật của Facebook Live hay Periscope, một nền tảng chia sẻ video khác thường được các nhà báo quốc tế sử dụng, là không cần đến các thiết bị ghi hình chất lượng cao cồng kềnh, cầu kỳ, cũng không cần riêng một quay phim đi cùng để ghi hình.
Các phóng viên của tờ The Guardian hay E! đều rất thích thú tận dụng các nền tảng này, vì nó tạo cảm giác chân thật, không dàn dựng và đem lại trải nghiệm sống động nhất cho độc giả, đặc biệt khi đưa tin ở các vùng chiến.
Video vốn được coi là nội dung chủ yếu thu hút và giữ chân độc giả của các hãng thông tấn, tuy nhiên, việc làm tin video thật không dễ dàng chút nào, bởi nó đòi hỏi cả về trang thiết bị hiện đại và con người thành thạo nghề.
Một vài công ty công nghệ đang phát triển công nghệ chuyển đổi từ tin tức hoặc phóng sự ngắn bằng văn bản sang các đoạn tin video chất lượng cao.
Công nghệ này tuy rằng còn non trẻ nhưng cũng đang được thử nghiệm ở một vài hãng thông tấn lớn trên thế giới, và các phóng viên cũng đang rất hứng khởi trải nghiệm, tuy rằng có đôi chút lo lắng, sợ rằng mình sẽ mất nghề…
Ngoài những yếu tố chính kể trên, các nhà phân tích cũng cho rằng, trong khoảng chục năm tới, ngành truyền thông trên thế giới sẽ còn tiếp tục theo làn sóng chuyển đổi số hết sức mạnh mẽ, với các thiết bị đeo thông minh dành riêng cho nhà báo, công nghệ blockchain giúp thuận tiện hơn khi tính phí cho độc giả, và đặc biệt là dữ liệu lớn với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến trong mọi mặt của đời sống.