Hợp đồng mua hàng và thẻ thành viên của vợ chồng Y Dinh với Công ty Thiên Ngọc Minh Uy
Dù cuộc sống của đại đa số đồng bào còn nhiều khó khăn nhưng vì lợi nhuận “ở tương lai” nên vẫn không ít người đã bỏ ra cả trăm triệu đồng mua sản phẩm quần áo lót, nồi cơm điện, bình lọc nước… với hy vọng mua càng nhiều thì sau vài năm sẽ có tiền tỷ trong tay mà không cần phải làm gì.
Giá “trên trời” vẫn nhắm mắt mua
Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đắk Glei, Kon Tum cho biết, hầu hết các mặt hàng mà các công ty đa cấp đưa về tại các xã vùng cao có đông người dân tộc Giẻ Triêng là các mặt hàng đồ gia dụng, các mặt hàng điện lạnh như: Bếp từ, nồi cơm điện, máy lọc nước nano và sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các mặt hàng được bán cho dân với giá trên trời.
Cụ thể, một người dân tại xã Đắk Kroong mua bộ áo ngực nano lên tới 5,2 triệu đồng, trong khi đó cũng với tên gọi bộ áo ngực nano xuất xứ Trung Quốc có giá trên thị trường chỉ khoảng 500.000 đồng; bộ nồi cơm điện và bếp từ giá trị thực không quá 2 triệu thì được bán cho dân tới 8,8 triệu đồng…
Nhiều người dân xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei không khỏi kinh ngạc khi anh A Krõ mua liền một lúc chiếc quần lót nữ với giá 10,7 triệu đồng, hai chiếc nồi áp suất giá 11,7 triệu đồng. “Ba hợp đồng này về sau mình sẽ nhận được 75 triệu đồng, như thế là nhiều tiền hơn lên rẫy làm rồi”, A Krõ hy vọng. Tuy vậy, anh vẫn không thể sánh được với hai hộ A Nhót và A Nic, mỗi người cùng bỏ ra 260 triệu đồng mua sản phẩm quần áo lót, nồi cơm điện, bình lọc nước… với hy vọng mua càng nhiều thì sau vài năm sẽ có tiền tỷ trong tay mà không phải làm gì.
Ông A Lan ở làng Kon Riêng (xã Đắk Choong, Đắk Glei) lục trong nhà lôi ra bốn gói cà phê và một gói trà và cho biết, tiền phải trả cho số sản phẩm này là... 36,6 triệu đồng. Ông A Lan kể, trước đó có ông anh họ bán hàng của công ty nào đó rỉ tai là mua số cà phê này để tham gia góp vốn kinh doanh chuỗi cửa hàng, siêu thị rất to ở thành phố. A Lan bán trâu, rẫy mì để bỏ ra 36,6 triệu mua sản phẩm và được cấp một thẻ VIP kèm theo lời hứa: “Sau 9 tháng được công ty trả 99 triệu đồng tiền lợi tức kèm theo tiền vốn ban đầu”. A Lan cầm mấy gói cà phê lên nhìn đi nhìn lại rồi hỏi chúng tôi: “Cà phê gì mà đắt thế nhỉ, hơn 7 triệu đồng/gói?”.
Người người làm đa cấp bất chấp rủi ro
Ông Võ Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.100 người dân tham gia vào hoạt động của trên 20 tổ chức, doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Ngoài phát triển mạng lưới ở các khu trung tâm, các doanh nghiệp đa cấp còn cử các nhân viên đi vào các khu dân cư, tập hợp người dân tham gia mua hàng, góp vốn và lôi kéo những người khác cùng tham gia để hưởng doanh số. Trước tình hình phức tạp này UBND tỉnh Kon Tum đã gửi văn bản lên Bộ Công thương và Ban Chỉ đạo 138 Quốc gia mở chuyên án điều tra, xét xử nghiêm các tổ chức cố tình lừa đảo người dân.
Công an tỉnh Kon Tum cũng cho biết, hiện có hàng trăm người dân ở Đắk Tô, Ngọc Hồi, TP Kon Tum… tham gia góp vốn đa cấp với số tiền hàng tỷ đồng bằng nhiều hình thức huy động vốn. Phương thức chủ yếu là các đơn vị huy động vốn sẽ tổ chức ký hợp đồng với người dân và cấp một mã số. Cứ giới thiệu được một người vào đường dây, người giới thiệu sẽ được hưởng 10% giá trị hợp đồng và hưởng theo cấp số nhân tương ứng với số người lôi kéo được… Huyện Đắk Glei- một huyện nghèo của tỉnh cũng có số lượng người tham gia vào loại hình kinh doanh này lên tới gần 400 người, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Sơn cũng cho biết, Sở chủ yếu nhận được các văn bản hồ sơ do các công ty đa cấp gửi về qua đường bưu điện nhằm đồng ý để họ hoạt động. Rất ít các doanh nghiệp này có trụ sở tại Kon Tum. Việc thực hiện bán hàng, huy động vốn và phát triển mạng lưới chủ yếu là những người được cấp thẻ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Việc mua bán hàng hiện không thể kiểm soát được vì theo luật Sở Công thương không thể cấm, trừ trường hợp DN bán hàng trong danh mục cấm; hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...
“Tôi không hiểu cái quần thẩm mỹ nâng mông ấy có thực sự làm đẹp đến mức mà người dân phải mua hay không? Đặc biệt, với người đồng bào thì lấy đâu ra nhiều tiền để góp vốn. Tiền ấy họ vay mượn, hoặc bán trâu bò để mua chứ lấy đâu ra, chưa kể công dụng của các loại hàng hóa đa cấp là một ẩn số”, ông Sơn ngao ngán.
Theo ông Võ Xuân Sơn, điều đáng chú ý là các danh mục hàng hóa trong hồ sơ do các công ty đa cấp gửi về Sở đều có dấu treo của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương. Nghiễm nhiên ai cũng hiểu giá bán hàng hóa này đã được “thông quan”. Tuy nhiên, khi Sở phản hồi thì Cục cho rằng, không có văn bản nào đồng ý với các danh mục và giá cả này (!?). Thực tế, ngay cả Cục Quản lý cạnh tranh cũng không có quyền đồng ý với giá cả hàng hoá. Mà chỉ có Bộ Tài chính mới có quyền.
Theo Báo giao thông