Báo động khủng hoảng di cư trên vùng biển Đông Nam Á

Hơn 1.000 người tháo chạy để thoát tình trạng ngược đãi ở Myanmar và nghèo đói ở Bangladesh ngày 15/5 lên bờ tại nhiều vùng ở Đông Nam Á, nhưng các nước tuyên bố họ không được chào đón tại đây.
Báo động khủng hoảng di cư trên vùng biển Đông Nam Á

Những con số đáng sợ

Ngày 15/5, một tàu được tìm thấy ở tỉnh Aceh, Indonesia, chở 790 người, trong đó có 61 trẻ em và 61 phụ nữ, nhiều người suy kiệt vì thiếu đồ ăn thức uống, Thiếu tá Sunarya nói. Những ngư dân phát hiện con tàu sắp chìm và kéo nó về làng ở Langsa.

Báo động khủng hoảng di cư trên vùng biển Đông Nam Á - anh 1

Người di cư Rohingya bơi ra để nhận đồ ăn cứu trợ trực thăng quân đội Thái Lan thả xuống biển Andaman hôm 14/5. Ảnh: AFP

"Một số người nói với cảnh sát họ bị bỏ mặc lênh đênh trên biển nhiều ngày và chính quyền Malaysia đã quay lưng với tàu của họ", Sunarya, cảnh sát trưởng Langsa nói. Ông cho biết những người di cư đến từ Myanmar và Bangladesh.

Cách Langsa khoảng 25 km về phía nam, ngư dân giải cứu được một tàu nhỏ hơn chở 47 người trong tình trạng mất nước và đói, còn ở tỉnh Bắc Sumatra, ngư dân giải cứu được một tàu thứ ba, không có động cơ, chở 96 người.

Trong khi đó, 106 người khác được phát hiện trên một hòn đảo ở Thái Lan và được đưa về đất liền, giới chức cho biết. "Không rõ làm thế nào họ lại lên đảo", AP dẫn lời Prayoon Rattanasenee, một lãnh đạo tỉnh Phang Nga, Thái Lan nói. Nhóm cho biết họ là người Rohingya từ Myanmar. "Chúng tôi đang xác định danh tính để xem liệu họ có phải là nạn nhân buôn người hay không. Những người này sau đó được đưa tới cơ quan cảnh sát nhập cư ở phía nam Phang Nga.

Đầu tuần này, khoảng 1.600 người di cư được hải quân Malaysia và Indonesia giải cứu, nhưng cả hai nước sau đó gửi trả các tàu. Hiện chưa rõ liệu những tàu cập bờ hôm qua có bị các nước khác "quay lưng" trước đó hay không.

Khủng hoảng leo thang

Trong bình luận chính thức đầu tiên kể khi cuộc khủng hoảng leo thang trong hai tuần vừa qua, Myanmar cho biết nước này sẽ không tiếp nhận lại những người di cư tự nhận là người Rohingya. Đây là một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, không được cấp quốc tịch ở Myanmar và ở trong tình trạng không quốc tịch.

"Chúng tôi không thể nói người di cư là người Myanmar nếu chúng tôi không thể xác định danh tính của họ", Ye Htut, phát ngôn viên chính phủ, nói. "Hầu hết các nạn nhân buôn người nói họ đến từ Myanmar vì cách đó rất dễ và tiện với họ".

Báo động khủng hoảng di cư trên vùng biển Đông Nam Á - anh 2

Những người di cư mới đến hôm 15/5 ngồi trong nhà tạm tại Langsa, tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP

Một quan chức khác có tên Zaw Htay cho rằng Myanmar sẽ không dự hội nghị khu vực do Thái Lan tổ chức nếu người "Rohingya" được đề cập trong giấy mời. Kể cả cái tên cũng là một điều cấm kỵ ở Myanmar. Nước này gọi họ là những người Bengal và khẳng định họ là người nhập cư trái phép từ Bangladesh, dù người Rohingya đã sống ở đất nước Phật giáo này suốt nhiều thế hệ.

Thái Lan tổ chức một cuộc họp các quan chức cấp cao về cuộc khủng hoảng Vịnh Bengal vào ngày 29/5, nhưng bình luận của các quan chức Myanmar cho thấy khó khăn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang leo thang.

Trong ba năm gần đây, hơn 120.000 người Rohingya đã lên tàu sang các nước khác và trả những khoản tiền lớn cho những kẻ buôn người. Nhưng sau những vụ bắt giữ và các động thái triệt phá khác trong khu vực, một số thuyền trưởng và kẻ buôn người đã bỏ tàu, buộc người di cư phải tự xoay sở, theo các nhân viên cứu trợ và tổ chức nhân quyền. Riêng trong ba tháng đầu năm nay, khoảng 25.000 người đã cố vượt qua Vịnh Bengal để tới Thái Lan, Indonesia và Malaysia, IBTimes dẫn số liệu của Liên Hợp Quốc cho biết.

Hầu hết được cho là đang tới Malaysia, một đất nước Hồi giáo đã đón hơn 45.000 người Rohingya trong nhiều năm. Tuy nhiên, nước này tuyên bố không thể nhận thêm. Indonesia và Thái Lan có những lập trường tương tự.

Người Rohingya ở Myanmar không được tiếp cận đầy đủ với nền giáo dục và y tế, và không thể tự do đi lại. Họ bị quân đội tấn công và bị những đám đông Phật giáo cực đoan đuổi khỏi nhà cửa, đất đai. Các nước láng giềng lo ngại việc chấp nhận một vài người Rohingya sẽ kéo theo một dòng người di cư nghèo, không có tri thức.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói ông thấy "báo động trước những thông tin một số nước có thể đang từ chối nhận các tàu chở người tị nạn và di cư", văn phòng của ông tuyên bố hôm 14/5. Ông Ban kêu gọi các chính phủ trong khu vực "tạo điều kiện kịp thời để đón người lên bờ, và mở biên giới, cảng nhằm giúp những người dễ bị tổn thương đang cần hỗ trợ".

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua gia hạn một năm quyền hạn của ông trong việc duy trì lệnh trừng phạt với Myanmar. Nhà Trắng đã báo với Quốc hội về việc gia hạn, 5 ngày trước khi quyền lực hiện thời hết hạn. Nhà Trắng cho biết bất chấp những tiến triển đáng kể trong một số cuộc cải cách, mối lo ngại vẫn dai dẳng đối với xung đột và việc vi phạm nhân quyền, đặc biệt là ở các khu vực dân tộc thiểu số và bang Rakhine.

Theo VNE

Xem thêm:

1. Chìm thuyền ở Haiti, 38 người gặp nạn thảm khốc

2. Myanmar: Ít nhất 21 người chết trong vụ chìm phà ngoài khơi

3. [Cập nhật] Chìm tàu tại Địa Trung Hải, 300 người có nguy cơ chết đuối

4. Ngẫm lại lời tiên tri về những đại thảm họa diễn ra năm 2015

5. Bi kịch ít biết của những người dân "lạc lối sang miền đất hứa"

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.