Ngày 6/4 vừa qua, Quốc hội đã miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau 10 năm trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và đề cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên làm thủ tướng nhiệm kỳ mới.
Một số hãng thông tấn nước ngoài đã có những bài viết đánh giá thành tựu 10 năm qua của ông Dũng. Đa phần đều nhận xét ông là "người cuốn hút, có tài diễn thuyết và dễ dàng hòa đồng với các lãnh đạo nước ngoài".
Tuy nhiên, báo chí nước ngoài cũng chỉ ra rằng ông Nguyễn Tấn Dũng còn phạm một số sai lầm trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là trong các vấn đề quản lý và vận hành các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Hãng tin AP trong bài viết nhan đề "Thủ tướng Việt Nam miễn nhiệm sau 10 năm lãnh đạo", cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng là người có công lớn trong việc thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài vượt bậc trong nhiệm kỳ của mình và có thái độ cương quyết trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhưng kèm theo đó là những vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến các tập đoàn kinh tế nhà nước.
AP gọi ông Dũng là một người có uy tín, một diễn giả giỏi, dễ hòa nhập với các lãnh đạo nước ngoài - điều làm tăng vị thế của đất nước.
Song hãng này cho biết, ông cũng bị xem là có trách nhiệm với những thất bại của các doanh nghiệp lớn của nhà nước, trong đó có Vinashin và Vinalines. Một số doanh nghiệp đã phải gánh khối nợ công khổng lồ.
Chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Thành thị Hồng Kông, ông Jonathan London nói: "Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Dũng nổi bật là một nhà lãnh đạo có tinh thần doanh nghiệp và được đánh giá cao, mặc dù các sáng kiến chính sách của ông nhận được những ý kiến trái chiều".
"Trong nhiệm kỳ của ông Dũng, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế và hút vốn đầu tư nước ngoài ấn tượng, đứng ngoài các xu thế biến động của khu vực và thế giới", ông nói.
Jonathan London gọi ông Dũng là "nhà lãnh đạo có kinh nghiệm" và ông nhìn nhận đây chính là thách thức với người kế nhiệm ông.
Phát biểu trên AP, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, ông Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh rằng: "Kế hoạch của ông Dũng tạo ra các tập đoàn khổng lồ do nhà nước hậu thuẫn để trở thành nắm đấm thép cho nền kinh tế có thể là một ý tưởng tốt, nhưng cách thực thi không hiệu quả".
Thay vì chọn và thúc đẩy các công ty tư nhân mạnh và có hiệu quả, ông Dũng đã quyết định thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém và có dấu hiệu tham nhũng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với hãng tin BBC rằng, ông Nguyễn Tấn Dũng trên cương vị Thủ tướng đã để lại dấu ấn đậm nét: "Rõ ràng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã để lại những dấu ấn rất đậm nét về một thời kỳ hội nhập ngày càng sâu sắc, từ một nước thuộc nhóm có thu nhập thấp đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp".
"Và ông Nguyễn Tấn Dũng cũng để lại một dấu ấn rất mạnh mẽ trong những phát biểu về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Minh Vũ