Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, để các di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, Sở đề nghị, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để các câu lạc bộ, nghệ nhân phát huy vai trò trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, trang bị cho các nghệ nhân những hiểu biết, kiến thức về giá trị, các nguyên tắc ứng xử đối với di sản.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, các địa phương cần tăng cường giáo dục trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời, xem đây là cây cầu đưa di sản văn hóa phi vật thể vào cộng đồng. Các địa phương kiểm kê, nắm chính xác những di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, từ đó, có các biện pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy; đầu tư nguồn lực cho văn hóa, ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cho một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần bảo tồn, phát triển.
Các địa phương phục dựng một số lễ hội tiêu biểu, lễ hội truyền thống; từ đó, nhân rộng, khuyến khích việc bảo lưu giá trị văn hóa cổ truyền; kiện toàn các câu lạc bộ văn hóa dân gian, đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa quê hương, đất nước; quan tâm, phát huy vai trò của nghệ nhân trong cộng đồng; có các chính sách đối với nghệ dân để họ truyền dạy cho cộng đồng những di sản văn hóa phi vật thể đang lưu giữ.
Quảng Bình có 2 Di sản Văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là: Hát ca trù của người Việt (hát nhà trò, hát ả đào), nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam (chơi bài chòi); 10 Di sản Văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị khác. Toàn tỉnh có 43 Câu lạc bộ văn hóa dân gian được các cấp có thẩm quyền thành lập, kiện toàn. Nhiều nghệ nhân tại các địa phương đang nắm giữ tri thức, bảo tồn và thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đều mang sắc thái độc đáo, thể hiện bản sắc đặc trưng riêng của các địa phương trong tỉnh. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế như: Công tác quản lý Nhà nước đối với các di sản văn hóa phi vật thể chưa theo kịp tình hình, thiếu những giải pháp kịp thời, khả thi; chưa có những mô hình, phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian thực sự hiệu quả ở cơ sở.
Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản chưa đồng đều giữa các di sản với nhau và giữa các địa phương có chung di sản. Ngoài ra, một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại một số địa phương đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.