'Bẻ khóa' văn hào Charles Dickens

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong hơn một thế kỷ qua, những bản chép tay của đại văn hào người Anh Charles Dickens vẫn luôn làm giới học giả và các thế hệ chuyên gia giải mã phải vò đầu bứt tai. Trong nỗ lực làm sáng tỏ những di cảo này, một cuộc thi vô tiền khoáng hậu đã được tổ chức với phạm vi trên toàn thế giới. Kết quả thu được không chỉ là những manh mối giải mã "ký tự của quỷ" mà còn là câu chuyện về vụ bê bối từng khiến Dickens phải điêu đứng khi còn tại thế.
Đại văn hào Charles Dickens. Ảnh: The Times.
Đại văn hào Charles Dickens. Ảnh: The Times.

Bất chấp những tác phẩm vượt thời gian của mình, Dickens luôn là đại văn hào nổi tiếng với lối sống hỗn loạn từ đời tư đến ghi chép. Những bản chép tay của ông tràn ngập những ký tự bí ẩn, những đoạn chêm bất quy tắc chèn vào giữa hai dòng lởm chởm.

Nhưng điều khiến mọi nỗ lực đọc hiểu di cảo của Dickens trở nên bất khả thi hơn bao giờ hết, chính là thói quen sử dụng lối tốc ký ra đời từ những năm 1700 của ông. Không chỉ sử dụng nó theo cách thông thường, Dickens biến tấu, vặn xoắn, thêm bớt vào những bản chép tay để tạo ra thứ mà ông hãnh diện gọi là “chữ viết tay của quỷ” (the devil’s handwriting).

Với tràn ngập các câu đố và mật mã trong di cảo còn lưu lại, nhà văn thời kỳ Victoria vĩ đại thường viện tới loại chữ tượng hình tiết kiệm thời gian nhất để ghi chép nhật ký và các bản thảo. Giới học giả vẫn tiếp tục hành trình giải mã mười bản chép tay gốc còn tồn tại trong thế kỷ này của Dickens, sau khi ông tự tay thiêu rụi phần lớn khi còn sống. Và chúng dường như là bí ẩn không thể bị phá vỡ.

'Bẻ khóa' văn hào Charles Dickens ảnh 1

Thư tay Tavistock được viết bởi nhà văn Anh nổi tiếng nhất thế giới - Charles Dickens. Ảnh: New York Times.

Cả thế giới cùng giải mật Dickens

Năm ngoái, các chuyên gia đứng sau Dự án Mã Dickens do Đại học Leicester và Foggia bảo trợ đã kêu gọi một sự giúp đỡ trên toàn cầu, mở đường cho những người nghiệp dư ham thích giải mã hoặc Dickens có thể tiếp cận với văn bản khó nhằn nhất của ông - Thư tay Tavistock. Bức thư được biên trên giấy thường bằng bút mực xanh, chằng chịt những ký tự không ai ngoài đại văn hào thời Victoria sử dụng.

Cuộc thi được khởi động từ đầu tháng 10 năm 2021, với giải thưởng là 300 bảng Anh. Trong ba ngày đầu tiên phát động, đã có hơn 1.000 lượt tải Thư tay Tavistock xuống nhằm giải mã. Những người tham dự được cung cấp thông tin về brachygraphy - một dạng tốc ký đã lỗi thời từng phổ biến vào thế kỷ 18. Trong tác phẩm David Copperfield, brachygraphy được Dickens miêu tả là "bí ẩn chưa từng được khám phá về tốc ký”.

Những người tham gia cũng có quyền truy cập vào đường link chứa lời giải thích đầy mơ hồ của Dickens về kiểu ghi chép của mình. Ví dụ, ông cho biết thường dùng “@” thay cho “about” và một dạng ký tự giống chữ “t” để thay cho từ “extraordinary”. Cuối cùng, chỉ có 16 người từ khắp nơi trên thế giới gửi lại giải pháp. Nhưng không có ai dịch trọn vẹn ý nghĩa của bức thư nói trên.

'Bẻ khóa' văn hào Charles Dickens ảnh 2

Tavistock House, một chung cư ở London nơi Dickens sống trong thời gian dài để viết Ngôi nhà ảm đạm (Bleak House), Hai thành phố (A Tale of Two Cities) và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác.

Nếu Dickens còn sống đến ngày hôm nay, hẳn ông sẽ rất thích thú trước việc sau 165 năm, bức thư tay ghi lại những trao đổi thường ngày của ông bị cả thế giới bóc tách, phân tích không ngừng nghỉ. Cuối cùng, vài cụm từ chính yếu trong bức thư đã được một sinh viên mới 20 tuổi mang tên Ken Cox đến từ Ohio (Mỹ) tìm ra.

Cox vốn là người hâm mộ những trò giải đố. Cậu cũng thích đọc Dickens và thậm chí có sở thích viết tốc ký giống ông. Trong vị trí một sinh viên của ngành Khoa học Nhận thức tại Đại học Virginia, Cox cho biết: “Thật không thể tưởng tượng việc Dickens đã viết điều gì đó mà cả trăm năm nay chưa ai giải mã ra”.

Thư tay Tavistock mô tả vụ bê bối đình đám?

Dưới nỗ lực của các học giả và những mật mã viên không chuyên trên toàn thế giới, một phần nội dung Thư tay Tavistock đã hé lộ trước ánh sáng. Nhưng thật đáng tiếc khi văn bản không phải là một trang bản thảo hoặc truyện ngắn chưa từng được phát lộ của Dickens.

Dù có không ít hy vọng bức thư có thể gồm cả những chuyện hư cấu. Tuy nhiên, một mặt khác, bản thảo tiết lộ câu chuyện đời tư phức tạp của một doanh nhân khôn khéo, người đang ở trong thời điểm khó khăn về cả công việc, tình yêu và sự nghiệp văn học. Một đoạn trong bức thư cho thấy nhân vật chính - Charles Dickens - lúc đó đang dựa vào những mối quan hệ thân quen và tòa án để xin được trợ giúp.

Tiến sĩ Claire Wood, nhà nghiên cứu văn học thời kỳ Victoria tại Đại học Leicester, người đứng đầu Dự án Mã Dickens cho biết: "Việc bẻ khóa bức thư đã cung cấp thêm thông tin về giai đoạn đầy chật vật trong cuộc sống của Dickens”.

“Tôi cảm thấy có nghĩa vụ”, bức thư mở đầu, “mặc dù rất miễn cưỡng, kêu gọi sự giúp đỡ từ phía ngài”. Và chữ viết tắt tiếp theo, “HW”, đã dẫn đến những suy luận về Household Words, tạp chí Dickens tham gia quản lý với Nhà xuất bản Bradbury & Evan. Chữ viết tắt trên, đi kèm với biểu tượng vòng tròn, dẫn dắt các nhà nghiên cứu nhận ra đó chính là: All the Year Round, một tạp chí được Dickens thành lập vào năm 1859, sau bất đồng với Bradbury & Evan.

Trong một đột phá khác, hai dòng chữ viết nguệch ngoạc được xác định nói về Lễ Thăng Thiên - một nghi lễ Kitô giáo tôn vinh sự đoàn tụ được tổ chức 40 ngày sau Chúa sống lại. Điều này đã mê hoặc các học giả, bởi lễ Thăng Thiên năm 1859 trùng khớp với khoảng thời gian mà như chúng ta đã biết, Dickens cố gắng kết hợp Household Words vào All the Year Round.

'Bẻ khóa' văn hào Charles Dickens ảnh 3

Những tác phẩm kinh điển của Charles Dickens. Ảnh: Vnwrite.

Những manh mối trên thậm chí còn làm sáng tỏ một bức thư khác, cũng được viết tốc ký, lưu giữ cùng một chỗ với Thư tay Tavistock tại thư viện Morgan ở New York. Đây là lời xin lỗi của tổng biên tập nhật báo The Times, gửi tới Dickens sau cuộc cãi vã nổ ra khi văn hào yêu cầu in một quảng cáo tới độc giả hiện có và tiềm năng của ông. Từ bức thư xin lỗi, một số dấu hiệu cho thấy nó dẫn đến một bức thư khác, bức Dickens viết cho John Thadeus Delane, biên tập viên The Times lúc bấy giờ.

Trước đây, lá thư được coi là đã mất. Nhưng giờ đây, chúng ta có thể chắc chắn đó đích xác là tổ hợp chữ viết nguệch ngoạc trong Thư tay Tavistock.

Nội dung bức thư trăm tuổi

Điều quan trọng đầu tiên trong việc nghiên cứu đó là tìm hiểu Charles Dickens đã ở đâu vào năm 1859. Đây là một năm khó khăn khi nhà văn bước sang tuổi 47, dù ông vẫn giành được danh tiếng với Ngôi nhà ảm đạm và David Copperfield. Một năm trước đó, cuộc hôn nhân của ông đã đổ vỡ khi tin đồn ông ngoại tình với một nữ diễn viên trẻ lan ra.

Dickens đã đăng một thông cáo đầy phẫn nộ trong tạp chí Household Words, mô tả lời đồn đại ông trải qua là “sự phỉ báng nghiêm trọng, ghê gớm và tàn nhẫn”. Ông yêu cầu Bradbury & Evans đăng lại bài phát biểu trên Punch, nhưng nhà xuất bản này từ chối. Điều này khiến mối quan hệ của họ lập tức tan vỡ, đồng thời công ty này cũng từ chối lời đề nghị mua lại Household Words của Dickens.

Hậu quả của sự việc khiến Dickens phải lên kế hoạch cho bản thân. Nhưng đó là động thái mạo hiểm bởi vì, mặc dù thành công, ông đang gặp khó khăn về tài chính. Ông đã ly dị vợ, phải chu cấp cho cô tình nhân kém mình chục tuổi và mười đứa con. Nguồn thu nhập kiếm được hàng tháng từ Household Words là khoản quan trọng trong cuộc sống của Dickens, cũng là công việc chính của ông ngoài sáng tác kể từ năm 1954.

Dickens dường như sụp đổ trước vụ bê bối, phải làm mọi cách để giữ chân độc giả sau khi hình ảnh về một nhà văn đạo mạo bị gỡ xuống. Nhưng Bradbury & Evans lại có những ý tưởng khác, họ muốn giữ Household Words tồn tại mà không có sự xuất hiện của Dickens. Nhà xuất bản này cũng sẵn sàng theo đuổi kiện tụng để ngăn việc ông đăng những thông cáo đã chấm dứt công việc tại tạp chí. Tuy nhiên, thẩm phán đã đưa ra phán quyết có lợi cho văn hào, rằng Charles Dickens có thể tuyên bố mọi điều thuộc về mình mà ông muốn.

Sau đó, Dickens nghĩ đến việc đăng bài phát biểu trong mục quảng cáo của The Times, nhưng một biên tập viên đã từ chối ông. Không để ý đến phán quyết của tòa án, nhân viên của The Times cho rằng quảng cáo mà Dickens dự định đăng có thể khiến độc giả hiểu nhầm rằng Household Words bị đóng cửa. Theo Hugo Bowles, một chuyên gia về Anh ngữ tại Đại học Foggia (Italia), việc quảng cáo bị từ chối trên The Times “gây ra sự ngạc nhiên đến tột cùng cho Dickens”.

Trong Thư tay Tavistock, chúng ta hiểu nỗ lực của đại văn hào vào lúc đó là kêu gọi pháp luật cũng như tìm kiếm một biên tập viên quen biết. Dickens đề cập ở Thư tay Tavistock rằng "với thông cáo này, tôi tuyên bố mình đã chấm dứt mọi chuyện tại Household Words. Nhưng nó bị từ chối và gửi trả lại với nhận xét “không đúng và không công bằng”. Ông nhắc đến phán quyết của thẩm phán, và rằng thấy “không đủ lý lẽ để biên tập viên từ chối”.

'Bẻ khóa' văn hào Charles Dickens ảnh 4

Măng-sét (manchette) tạp chí Household Words của Charles Dickens. Ảnh: Spartacus.

Sau đó, The Times đã nhanh chóng nhận ra, xin lỗi và khôi phục lại thông báo của Dickens. Cũng trong năm đó, ông bắt đầu viết những chương đầu tiên của tiểu thuyết kinh điển Hai thành phố, một năm sau đó là tác phẩm Những kỳ vọng lớn lao - một kiệt tác khác của văn học thế giới.

Trong khi đó, Bradbury & Evans thất bại trong việc cứu lấy Household Words. Khi họ đấu giá quyền sở hữu tạp chí, Dickens đã mua nó với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá ban đầu ông từng đề nghị. Và như giễu cợt, văn hào đã thêm dòng chữ "với sự hợp nhất cùng Household Words” vào trang bìa của tạp chí All the Year Round.

Các học giả đã kinh ngạc khi nắm bắt cách thức kinh doanh của Dickens, họ hài lòng với những lý lẽ hợp pháp ông đưa ra. “Charles thường không ưa các thẩm phán, nhưng trong vụ việc đó, luật pháp đã giúp ông rất nhiều. Như một động thái hồi đáp, ông trích dẫn lời vị thẩm phán, ca tụng sự công bằng mình nhận được”. Nhưng Wood cũng phát hiện sự dễ dàng tổn thương của Dickens, “ông ấy đang ở trên đỉnh cao, nhưng cũng cảm nhận rất nhiều áp lực từ bên ngoài. Ông ấy phải xoay trở sao cho mọi chiếc đĩa đều quay tròn”.

Giải thưởng 300 bảng Anh cuối cùng được trao cho Shane Baggs, một kỹ sư công nghệ thông tin ở California và là một người đam mê mật mã. Baggs đã giải được nhiều ký hiệu nhất trong Thư tay Tavistock. Anh nhận xét: "Sau khi nhận điểm C môn ngữ văn, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng bất cứ điều gì tôi làm trong tương lai lại trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với các học giả nghiên cứu Charles Dickens."

Còn Cox, người được truyền cảm hứng sau khi đọc một cuốn sách phá giải mật mã thời chiến của Alan Turing, đã góp công lớn vào việc bẻ khóa chuỗi từ "không đúng và không công bằng". Anh ta nói: "Khi tôi nộp chúng, tôi tin rằng mình đã đi đúng hướng”.

Dự án Mã Dickens sẽ hoạt động thêm một năm nữa. Hai chuyên gia Wood và Bowles muốn huy động rộng rãi các nguồn lực để sao chép và giải mã nhiều tài liệu hơn. Thậm chí từ đó tìm cách giải mã các tài liệu lộn xộn hơn cả Thư tay Tavistock. "Bây giờ," Bowles nói bằng giọng vui vẻ, "tôi nghĩ Dickens đã sẵn sàng kể câu chuyện mà chúng ta chưa từng được nghe."

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.