Tại sao người Trung Quốc cổ đại chuộng nuôi móng tay dài?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Truyền thống nuôi và chế tác trang sức tô điểm cho móng tay đã có một lịch sử lâu đời kể từ Khổng Tử cho đến Từ Hi Thái hậu.
Tại sao người Trung Quốc cổ đại chuộng nuôi móng tay dài?

Với bài Tử dạ ca, Triều Thái - nữ sĩ thời Đường (618 - 907), đã mô tả hình ảnh một thiếu nữ tương tư đang tựa vào khung cửa, đăm chiêu nhìn ra bên ngoài, nhớ nhung người trong mộng của mình. Để thể hiện tình cảm thầm kín nhưng cũng đầy mãnh liệt, cô không dùng tới thư hay đồ trang sức, mà thay vào đó là gửi món quà chân thành nhất - một bộ móng tay được cắt tỉa cẩn thận giấu trong chiếc túi lụa mỏng - tới người yêu.

Hành động trên chỉ dấu mối quan hệ nghiêm túc từ phía cô gái, bởi móng tay dưới thời Trung Quốc cổ đại mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Theo Hiếu kinh, cuốn sách tập hợp các cuộc thảo luận giữa Khổng Tử và các môn đồ về lòng hiếu thảo được viết vào thời Xuân Thu (770 - 476 TCN) thì “tóc, da và cơ thể là do cha mẹ ban phát, con cái không được tùy tiện hủy hoại, cắt bỏ mới được coi là giữ trọn đạo hiếu”. Ngay trong các bức chân dung khắc họa hình ảnh Khổng Tử, vạn thế sư biểu cũng thường được vẽ với bộ móng tay rất dài.

Không rõ từ khi nào người Trung Quốc có thói quen nuôi móng tay dài. Nhưng những câu chuyện về tầm quan trọng của bộ móng đã xuất hiện trong lịch sử nước này kể từ thời Chiến quốc (475 - 221 TCN). Cụ thể, ở cuốn Hàn Phi Tử, một văn bản chính trị và pháp luật dưới thời nhà Tần (221 - 206 TCN) do Hàn Phi soạn thảo, đã chép một câu chuyện lý thú về vị hầu tước họ Triệu. Để kiểm tra tính trung thực của quân lính dưới quyền, ông ta đã tuyên bố mình đánh mất một chiếc móng tay và yêu cầu tìm kiếm. Trước sự lo lắng của chủ cũng như tính hệ trọng của món đồ, nhiều thuộc hạ của ông đã tự cắt móng tay mình rồi dâng lên nói rằng đó là chiếc móng đã mất. Tuy nhiên với hầu tước họ Triệu, điều này chỉ chứng tỏ những người kia sẽ sử dụng các biện pháp không ngay thẳng để đạt được sự ủng hộ trong tương lai và ông xa lánh họ.

Tại sao người Trung Quốc cổ đại chuộng nuôi móng tay dài? ảnh 1

Tranh vẽ Khổng Tử phô ra bộ móng tay dài. Ảnh: Sixthtone.

Cả đàn ông và phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu, đặc biệt là giới nhân sĩ, đều để móng tay dài như một ám chỉ về sự giàu có: Móng tay dài cho thấy chủ nhân không phải lao động. Tuy nhiên, bất chấp sự đồng thuận về việc móng tay quan trọng tương đương với một phần cơ thể của mỗi người, một số nhà lãnh đạo cũng trong thời Trung Quốc cổ đại đã khéo léo sử dụng chúng như những minh chứng về sự cam kết của mình với vương quốc và thần dân. Theo Lã thị Xuân Thu - tác phẩm từng được Lã Bất Vi viết vào thời Chiến Quốc - Thành Thang, vị vua đầu tiên của triều đại nhà Thương (1600 - 1046 TCN) đã cắt tóc và móng tay của mình trong một nghi lễ tế trời để cầu mưa thuận gió hòa trong một hạn hán.

Bên cạnh đó, tầm quan trọng của móng tay cũng dẫn đến các truyền thống và tín điều xung quanh việc cắt tỉa và chỉnh trang chúng. Như vào thời nhà Đường, Dược vương Tôn Tư Mạc đã khuyên dân chúng chỉ nên cắt móng tay vào năm ngày cụ thể trong năm tính theo cổ lịch. Những điều này còn được ông cẩn thận ghi chép trong cuốn sách luận bàn về y lý.

Đã có thời kỳ, khi một người sinh sống trong khu vực chịu ảnh hưởng của Nho giáo qua đời, móng tay của họ được cắt tỉa cẩn thận và chôn cất đầy thành kính. Kinh Lễ, một tập hợp văn bản chi tiết về nghi lễ thời nhà Chu (1046 - 256 TCN) cho biết móng tay và móng chân người đã khuất sẽ được đặt trang trọng trong quan tài hoặc chôn riêng khi an táng. Điều này tượng trưng cho lễ vật của sự hiếu thảo với bậc sinh thành và tổ tiên - những thế lực vốn đang chờ người đã khuất ở thế giới bên kia. Ngoài ra, móng tay cũng có thể là đối tượng để trao gửi tình cảm, như trong Hồng Lâu Mộng, khi một người hầu gái hấp hối, cô ta đã cắn bộ móng tay dài và tặng lại cho chủ để thể hiện lòng yêu của mình.

Ngoài việc bày tỏ lòng hiếu thảo và đẳng cấp, phụ nữ Trung Quốc xưa còn làm đẹp, điểm trang cho móng tay của họ. Đã từng có một loại sơn móng tay cổ được pha trộn từ lòng trắng trứng, sáp ong cùng những loại hoa có màu. Nghệ thuật điểm trang móng tay đã đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Đường khi Dương Quý Phi - một sủng phi của Huyền Tông Hoàng đế được đồn thổi là sinh ra với những móng tay ửng đỏ. Lời đồn này đã tạo nên chuẩn mực mới của việc trang trí móng tay trong cung đình khi một loại sơn từ nhựa cây balsam được điều chế.

Vì móng tay được coi là quý giá và cần rất nhiều thời gian để phát triển, nên việc bảo vệ, nuôi giữ chúng cũng trở nên quan trọng không kém. Bởi vậy vào hai triều đại nhà Minh và Thanh, hộ chỉ - món trang sức bảo bọc móng tay đã được phụ nữ tầng lớp thượng lưu vô cùng ưa chuộng.

Theo đó, hộ chỉ thường được làm từ vàng bạc, vỏ sò hay thậm chí bằng ngọc bích, được thiết kế cong theo hình dáng của móng, được trang trí với nhiều họa tiết khác nhau. Thông thường, hoa mẫu đơn sẽ là lựa chọn phổ biến bởi tượng trưng cho may mắn, giàu sang. Hộ chỉ cũng chủ yếu được đeo ở ngón tay út hoặc áp út để thể hiện cho địa vị cao quý.

Tại sao người Trung Quốc cổ đại chuộng nuôi móng tay dài? ảnh 2

Bức chân dung của Từ Hi Thái hậu (1835-1908) do Katharine Carl (1862-1938) vẽ.

Người sở hữu bộ sưu tập hộ chỉ lớn nhất tại Trung Quốc có lẽ phải kể đến Từ Hi Thái hậu. Bà là người trên thực tế đã cai trị triều đại Mãn Thanh từ năm 1835 đến năm 1908. Từ Hi nổi tiếng với bộ móng dài 6 inch nổi bật, được cho là cần tới hơn 10.000 lượng bạc (tương đương hơn 30 triệu Nhân dân tệ) một năm để duy trì. Công chăm sóc kết hợp với những bộ hộ chỉ xa hoa đã khiến móng tay của Từ Hi trở thành biểu tượng của sự lãng phí và suy đồi của tầng lớp thượng lưu nhà Thanh trong những năm cuối của triều đại này.

Hồng Nhân Can, một nhà lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc nhằm chống lại sự cai trị của nhà Thanh vào giữa thế kỷ 19, đã miêu tả về những bộ móng tay dài như một nỗi ám ảnh của "xa hoa và phóng đãng". Cuối cùng, cho đến năm 1911, khi đế quốc Đại Thanh hoàn toàn sụp đổ kéo theo nền chính trị dựa trên tư tưởng Nho giáo dài 2000 năm chấm dứt, dường như Hồng Nhân Can đã đạt được ý nguyện khi hình ảnh về những bộ móng tay dài dần dần phai nhạt vào quá khứ.

Theo Sixth Tone
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.