Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập sẽ hết hiệu lực sau khi kết thúc năm học 2020 - 2021. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 86 để áp dụng từ năm học 2021 - 2022 và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh, người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương thời gian qua, trong Văn bản số 1505/BGDĐT-KHTC, Bộ GD&ĐT cho biết đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021 - 2022 ổn định không tăng so với năm học 2020 - 2021.
Từ năm học 2022 - 2023, mức học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế để từng bước thực hiện lộ trình tính đủ chi phí theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giá và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Một số địa phương đã có động thái ủng hộ chủ trương này của Bộ GD&ĐT. Tại Hải Phòng, UBND thành phố đã dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2021 - 2022 đối với các trường công lập (giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên) trên địa bàn thành phố xin ý kiến góp ý rộng rãi từ 10/6 - 10/7/2021. Theo dự thảo, trên cơ sở báo cáo đề xuất của sở GD&ĐT, dự kiến không thực hiện điều chỉnh tăng mức thu học phí đối với các trường công lập.
Tại Đồng Tháp, thông tin từ Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Bùi Quý Khiêm, UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, chấp thuận giữ mức thu học phí đối với cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2021 - 2022 ổn định như năm học 2020 - 2021. Ngày 31/5, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp có văn bản thống nhất nội dung đề nghị như trên của UBND tỉnh.
“Việc không tăng học phí phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội địa phương đang bị tác động nặng nề vì dịch Covid-19, giảm bớt gánh nặng cho người dân. Người dân đánh giá cao ngành GD-ĐT, từ Bộ GD&ĐT đến các sở GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến phản biện xã hội, thể hiện động thái tích cực trước khó khăn của đất nước, người dân đang gồng mình chống chọi với thiên tai, ảnh hưởng dịch Covid-19, thông qua việc tham mưu cho Chính phủ về chủ trương không tăng học phí các ngành học, cấp học trong năm học 2021 - 2022.
Đây là một trong những minh chứng cụ thể của việc ban hành chính sách phù hợp với thực tế, tạo đồng thuận cao của đối tượng bị tác động bởi chính sách. Ngân sách của ngành GD-ĐT có thể hụt thu một khoản kinh phí nhưng cái được lớn nhất là lòng dân” - ông Bùi Quý Khiêm nhận định.
Tại Nghệ An, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành cũng cho biết tinh thần giữ ổn định mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn. Liên quan đến học phí năm học 2021 - 2022, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân, Sở GD&ĐT đã dự thảo Nghị quyết với tinh thần giữ ổn định mức học phí năm học tới. UBND tỉnh đã đồng ý và sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh để kịp áp dụng trong năm học mới.
Với hệ thống ngoài công lập, nhiều trường đã công bố lộ trình tăng học phí trong một giai đoạn và năm học 2021 - 2022 vẫn thực hiện theo lộ trình này. Tuy nhiên, cũng có những trường thông báo giữ ổn định học phí trong năm học tới.
Riêng ý kiến của cơ quan quản lý, đến nay mới chỉ có TP Hồ Chí Minh, với Văn bản số 1729/SGDĐT-KHTC của Sở GD&ĐT, đề nghị các đơn vị ngoài công lập cân nhắc tình hình và cố gắng giữ nguyên mức học phí, các khoản thu khác trong năm học 2021 - 2022 ổn định không tăng so với năm học 2020 - 2021. Sở GD&ĐT cũng cho rằng, các đơn vị này cần huy động nguồn lực dự phòng, tài trợ vận động nếu có để hỗ trợ học phí cho học sinh mà gia đình gặp khó khăn kinh tế trong thời gian qua để ổn định việc học tập, sinh hoạt.
Còn tại Nghệ An, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành cho biết: Hệ thống ngoài công lập có 2 dạng. Dạng thứ nhất là các trường ngoài công lập chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên giỏi, có nhiều chương trình hình thành kỹ năng, năng lực cho học sinh… Những trường này thường phụ huynh có điều kiện chọn gửi con theo học. Lộ trình tăng học phí (nếu có) đã được trường công bố trước và phụ huynh thấy phù hợp mới gửi con vào.
“Các trường phải cân đối để vừa đáp ứng yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình học, bảo đảm chuẩn đầu ra đã cam kết; vừa phù hợp với khả năng kinh tế của phụ huynh. Nếu phải đóng học phí quá cao, có thể phụ huynh sẽ chuyển con về học trường công. Do đó, nếu trường ngoài công lập ở Nghệ An tăng học phí thì mức tăng cũng không đáng kể” – ông Thái Văn Thành cho hay.
Còn với dạng thứ 2 là các trường THPT ngoài công lập. Do đặc thù lịch sử để lại nên đầu tư không được tốt. Những trường này, theo ông Thái Văn Thành, chắc chắn sẽ không tăng học phí. Nếu học phí tăng, học sinh không đỗ công lập sẽ chuyển sang học nghề chứ không chọn trường THPT ngoài công lập. Do đó, trường sẽ ổn định học phí để làm sao tuyển sinh được học sinh.
Ông Thái Văn Thành mong muốn xã hội, phụ huynh chia sẻ với khó khăn của các trường ngoài công lập, đặc biệt sau các đợt dịch. “Cần có sự chia sẻ từ cả hai phía: Phụ huynh - nhà trường” - ông Thái Văn Thành nêu quan điểm.