Thông báo mới đây của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, để chuẩn bị cho việc đăng ký học tập theo hệ thống tín chỉ học kỳ I năm học 2021 - 2022, học viện tạm thu học phí kỳ 1 năm 2021 - 2022 với sinh viên các lớp đại học chính quy các khoá 38, 39, 40.
Mức tạm thu học phí học kỳ I năm học tới là 20 tín chỉ x mức thu/1 tín chỉ của từng khoá. Thời gian nộp học phí học kỳ I và các kỳ còn nợ trước đó từ ngày 31/5 đến hết ngày 13/6. Những sinh viên không nộp đủ học phí của kỳ 1 năm học 2021 - 2022 sẽ không đăng ký được tín chỉ.
Theo quy định của trường, mức học phí với sinh viên khoá 38 là 257.000/tín chỉ; khoá 39: 269.700/tín chỉ; khoá 40: 274.000/tín chỉ. Như vậy, trung bình sinh viên các khoá 38, 39, 40 sẽ phải đóng từ 5.140.000 đồng đến 5.480.000 đồng/học kỳ.
Sinh viên của trường phản đối quyết định này. Các em cho rằng, học kỳ II năm học 2020 - 2021 chưa kết thúc, một số môn học chưa thi hết học kỳ nhưng trường yêu cầu đóng trước học phí của năm sau là không hợp lý.
Nhiều sinh viên cũng lo lắng yêu cầu đóng học phí của nhà trường trong thời gian 14 ngày là quá gấp gáp, khó có thể kịp đáp ứng trong điều kiện dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, việc trường quyết định thay đổi chính sách thu học phí của sinh viên là không sai quy định. Hình thức tạm thu học phí trước khi đăng ký tín chỉ của năm học mới không mới. Trường từng áp dụng hình thức này ở khoá 40 năm học 2020 - 2021. Đồng thời, nhiều trường đại học ở nước ta đã và đang có chính sách tạm thu học phí trước khi bắt đầu năm học mới như trên.
Liên quan đế ý kiến đóng học phí trong 14 ngày là quá gấp gáp, PGS Giang bày tỏ, trước đó, trường từng 3 lần ra thông báo yêu cầu sinh viên trả nợ học phí năm học cũ và chuẩn bị tạm đóng học phí cho năm học mới. Lần gần đây nhất là thông báo tháng 3/2021 trên cổng thông tin điện tử của trường và văn bản gửi tới từng lớp học.
Đối với những gia đình khó khăn, nhà trường có chính sách xem xét hỗ trợ giảm học phí hoặc gia hạn thời gian đóng học với điều kiện sinh viên phải viết đơn đề nghị xác nhận của địa phương. Việc thu học phí này không ảnh hưởng đến sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang cũng cho biết, từng có nhiều trường hợp bố mẹ cho con tiền đóng học từ đầu năm, nhưng các em chủ quan không nộp luôn vì nghĩ rằng trường sẽ thương, cho phép nộp chậm học phí. Đến khi chuẩn bị tốt nghiệp, không đủ tiền đóng họp, không thể lấy bằng, nợ đọng tiền học phí cả 4 năm học. Đây là "nếp" xấu kéo dài nhiều năm qua tại trường.
Theo thống kê, toàn trường đến nay còn khoảng hơn 1.500 sinh viên đang nợ học phí (ước tính số tiền nợ học phí vào khoảng 8 tỷ đồng). Nếu trường tiếp tục không thu học phí trước mà cho sinh viên nợ học phí thì con số này có thể sẽ tiếp tục tăng theo luỹ tiến ở năm học tới. Việc này sẽ gây lãng phí chất xám, thời gian và công sức của thầy cô và của chính các sinh viên.