Theo dự thảo, yêu cầu nội dung nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Nội dung thi là kết quả thực hiện dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh thuộc các lĩnh vực của Hội thi quy định. Dự án do một học sinh thực hiện gọi là dự án cá nhân; Dự án do hai học sinh thuộc cùng một cơ sở giáo dục Trung học thực hiện gọi là dự án tập thể. Các dự án tập thể không được phép đổi các thành viên khi đã bắt đầu thực hiện dự án.
Các lĩnh vực của Hội thi gồm: Toán; Vật lí và Thiên văn; Hoá học; Sinh học; Tin học; Kĩ thuật và Công nghệ; Khoa học Trái đất và Môi trường; Khoa học xã hội. Những dự án nghiên cứu có liên quan đến các mầm bệnh, hóa chất độc hại hoặc các chất ảnh hưởng đến môi trường không được tham gia Hội thi…
Dự án dự thi cần bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hay trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là của mình.
Thời gian nghiên cứu của dự án dự thi không quá 12 tháng liên tục và trong khoảng từ tháng 1 năm liền kề trước năm tổ chức Hội thi đến trước ngày khai mạc Hội thi 30 ngày.
Dự thảo cũng quy định, mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; mỗi đại học, trường đại học có trường trung học phổ thông chuyên có dự án dự thi là một đơn vị dự thi.
Đối với các đơn vị dự thi là Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 3 dự án dự thi. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 5 dự án dự thi.
Đơn vị dự thi là trường phổ thông trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học có trường Trung học Phổ thông chuyên, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 2 dự án dự thi.
Đơn vị đăng cai tổ chức Hội thi được đăng kí tối đa 5 dự án dự thi. Riêng đơn vị đăng cai tổ chức Hội thi là Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 10 dự án dự thi.
Thí sinh là học sinh lớp 8, 9, 10, 11, 12, bảo đảm các điều kiện: Có kết quả học tập, rèn luyện học kỳ I (nếu Hội thi được tổ chức trong học kỳ II) hoặc năm học liền kề trước năm học tổ chức Hội thi (nếu Hội thi được tổ chức trong học kì I) từ mức khá trở lên; tự nguyện tham gia và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.
Mỗi thí sinh chỉ được thực hiện 1 dự án dự thi trong 1 lần tổ chức Hội thi. Mỗi dự án dự thi có ít nhất 1 người hướng dẫn là giáo viên đang dạy tại cơ sở giáo dục Trung học nơi học sinh đang học. Một người chỉ được hướng dẫn 1 dự án dự thi trong 1 lần tổ chức Hội thi.
Hội thi được tổ chức mỗi năm 1 lần. Giải theo lĩnh vực gồm có: huy chương Vàng, huy chương Bạc, huy chương Đồng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân lựa chọn và trao các giải khác cho thí sinh theo tiêu chí đánh giá riêng của mình sau khi được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo Hội thi.
Tỷ lệ xếp giải tính trên tổng số dự án dự thi theo từng lĩnh vực dự thi không quá 70%. Trong đó, huy chương Vàng không quá 10%; huy chương Bạc không quá 20%; huy chương Đồng không quá 40%.
Trên cơ sở biên bản chấm thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế, Ban Chỉ đạo Hội thi lập danh sách dự án đủ điều kiện dự thi khoa học, kĩ thuật quốc tế, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Mỗi học sinh đoạt giải (tập thể hoặc cá nhân) trong Hội thi đều được cấp Giấy chứng nhận và được khen thưởng theo quy định. Học sinh đoạt giải trong Hội thi được hưởng các quyền lợi trong học tập và các quyền lợi khác theo các quy định hiện hành.
Khi được ban hành, Thông tư này thay thế Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 2/11/2012 ban hành Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT ngày 19/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT./.