Sáng 29/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã phối hợp cùng Bệnh viện Bạch Mai để triển khai Chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những cá nhân đủ điều kiện tiêm chủng thuộc 8 nhóm khuyết tật và yếu thế mà Bộ đã bảo trợ trong nhiều năm qua.
_______________
Sáng 29/7, khoảng 200 đối tượng tiếp nhận vaccine thuộc 8 nhóm người khuyết tật do Bộ KH&ĐT bảo trợ đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai. Quy trình sàng lọc các bệnh lý nền và sức khỏe tổng thể được tiến hành theo quy định hiện hành và quyết định của Bệnh viện, với sự đồng thuận của người tiêm để đảm bảo an toàn nhất. Bên cạnh đó, mỗi người được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng từ Bộ KH&ĐT nhằm khắc phục những khó khăn trong đại dịch. Bệnh viện đã bố trí phòng Công tác Xã hội và Đoàn Thanh niên Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ KH&ĐT để đưa đón các nhóm đối tượng đến bệnh viện nơi tổ chức tiêm chủng.
Hoạt động ý nghĩa của Bộ KH&ĐT được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ - ưu tiên tiêm vaccine cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội (Nghị quyết số 21/NQ-CP) và hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội (văn bản số 3823/BYT-DP ngày 7/5/2021).
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có những biến chuyển phức tạp, sự xuất hiện của những biến chủng mới với mức độ nguy hiểm cao và tốc độ lây lan nhanh, Chính phủ Việt Nam đã xác định việc tiếp cận được nhiều nguồn vaccine và nhanh chóng tiêm chủng diện rộng là giải pháp quan trọng và cấp bách.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã có cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030 do Liên hợp quốc khởi xướng. Bộ KH&ĐT luôn ý thức được rằng “người dân là trọng tâm của phát triển. Mọi chính sách của Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc của người dân”, phải tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp, hưởng lợi và quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cộng đồng người khuyết tật và yếu thế gặp phải rất nhiều trở ngại như không thể tự đến các điểm tiêm chủng do không có phương tiện đi lại, các lệnh giãn cách xã hội, hoặc không có lối đi riêng dành cho người khuyết tật tại các trung tâm tiêm chủng. Trong khi đó, một số không biết cách sử dụng ứng dụng đăng ký tiêm chủng trên điện thoại do Chính phủ quản lý, hoặc gặp trở ngại khác trong tiếp cận thông tin về các chương trình tiêm vaccine quốc gia.
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã triển khai chương trình tiêm chủng và hỗ trợ cộng đồng người yếu thế một cách nhanh chóng và kịp thời.
Từ sáng sớm ngày 29/7, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã trực tiếp đến tham gia cùng lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo buổi tiêm đảm bảo an toàn nhất. Thứ trưởng chia sẻ: “Từ năm 2018 đến nay, Bộ KH&ĐT đã quyết tâm lựa chọn và thực hiện việc bảo trợ với nhóm người khuyết tật. Trong diễn biến phức tạp của dịch COVID, chúng tôi càng ý thức rằng họ là những người dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Việc họ sớm được tiêm vaccine là niềm động viên sâu sắc, giúp họ vượt qua khó khăn hàng ngày cũng như chiến thắng đại dịch, thực hiện mục tiêu Chính phủ là đẩy nhanh tiêm vaccine hướng tới miễn dịch cộng đồng, không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch.”
Nhóm người lao động câm-điếc đến từ Công ty KymViet có 22 thành viên tham gia tiêm vaccine theo sự hỗ trợ của Bộ KH&ĐT. Ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch Công ty KymViet cho biết, do bị khiếm khuyết về khả năng nghe và nói, nên khi nhận được thông báo của Bộ KH&ĐT về việc hỗ trợ công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, mọi người vừa vui mừng, vừa lo lắng.
“Chúng tôi đã có cuộc họp với tất cả người lao động, giải thích việc cần thiết phải tiêm vaccine phòng COVID-19 và ích lợi của việc được tiêm vaccine. Khi các bạn hiểu ra thì tất cả đều rất háo hức được tiêm phòng để tăng sức đề kháng chống dịch và đặc biệt, để có cơ hội được tiếp tục lao động, tạo ra sản phẩm có ích cho cuộc sống.”
Ông Việt Hoài xúc động: “Các cơ quan ban ngành đã luôn quan tâm đến những người khuyết tật, điều đấy là động lực để chúng tôi có thêm niềm tin trong cuộc sống, tăng cường sức khỏe.” Ông cũng cho biết bản thân “rất tin tưởng, không có lo lắng gì về vaccine và tác dụng phụ”.
Trả lời Ngày Nay, chị Nguyễn Thị Thu Thương, người mắc bệnh xương thủy tinh và cũng là chủ doanh nghiệp xã hội Thương Thương Handmade, chia sẻ: “Bên mình hôm nay có 12 người được đi tiêm. Bọn mình được Bộ KH&ĐT hỗ trợ phương tiện đi lại và chăm sóc rất chu đáo. Mình tin là các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã cân nhắc mọi yếu tố sức khỏe của người khuyết tật và lựa chọn loại vaccine phù hợp với thể trạng của những người như bọn mình.”
Giáo sư Tôn Thất Triêm, người đã 20 năm dẫn dắt dàn Hợp ca Hy vọng của người khiếm thị, cho biết 20 thành viên ban nhạc đã được tiêm vaccine vào sáng cùng ngày.
Ông cho biết mọi người đều phấn khởi, tin tưởng vào việc khi được tiêm phòng đầy đủ, sức khỏe và tinh thần sẽ được cải thiện, họ sẽ cùng nhau vững vàng vượt qua khó khăn đại dịch. “Đại dịch gây ra quá nhiều khó khăn cho đất nước, cho mỗi người dân Việt Nam, nhất là người lao động khuyết tật. Chúng tôi biết ơn vì sự quan tâm đặc biệt này”.
Anh Nguyễn Văn Hùng - thành viên của dàn Hợp ca Hy vọng, cho biết bản thân không đi tiêm theo diện chương trình của Bộ KH&ĐT mà đăng ký tiêm theo Hội người mù huyện Phú Xuyên. Dù vậy, anh đánh giá rất tích cực về chương trình tiêm vaccine của Bộ, đồng thời cho biết đã có khoảng 66% thành viên dàn Hợp ca Hy vọng được tiêm chủng theo chương trình này.
Được biết, đây không phải buổi tiêm đầu tiên dành cho cộng đồng người khuyết tật và yếu thế do Bộ KH&ĐT triển khai. Theo các cán bộ Điều phối Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng, Bộ KH&ĐT đã tổ chức hai đợt tiêm vào ngày 5/7 cho 11 người, và 15/7 cho 20 người khiếm thị và người khuyết tật đến từ doanh nghiệp Thương Thương Handmade.
Việc tiêm vaccine cho nhóm người lao động khuyết tật không chỉ thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về việc quan tâm tới cộng đồng người yếu thế, mà còn là hành động cụ thể của Bộ KH&ĐT và Bệnh viện Bạch Mai nhằm chung tay sẻ chia bớt khó khăn, giúp đỡ cộng đồng người khuyết tật có một cuộc sống hạnh phúc hơn, được hưởng một cách công bằng từ những thành quả của quá trình phát triển đất nước.
Bài: Hani
Thiết kế: Thúy Hà