“Hậu trường” của những triền đồi ngút mắt tựa phong cảnh làng quê châu Âu, với hàng trăm héc-ta hoa hướng dương và hàng ngàn héc-ta cỏ mombasa là quy trình chăn nuôi và sản xuất khép kín vừa xác lập Kỷ lục “Cụm Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới” của TH true MILK.
______________
Cùng với danh hiệu “Người đàn bà sữa tươi”, nhiều người còn gọi bà Thái Hương, Nhà Sáng lập Tập đoàn TH là “người đàn bà đánh thức những đồng cỏ”. Khởi dựng dự án sữa tươi sạch 1,2 tỷ USD tại mảnh đất nắng gió 12 năm trước, theo dấu chân công nghệ cao của tập đoàn do bà sáng lập, cỏ gọi nhau vươn dậy, những cao nguyên xanh của TH cứ rộng dài ra mãi. Và cùng với màu xanh của cỏ ngô ngày càng lan rộng trên bức tranh cảnh sắc miền Tây Nghệ An, đời sống người dân nơi đây cũng được cải thiện rõ rệt. TH đã tạo hàng ngàn công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân thông qua việc trồng ngô sinh khối bán cho trang trại.
Người dẫn đường cho chúng tôi làm một phép so sánh, nếu cài tốc độ 60km/h, bạn cần 2 tiếng mới đi hết chiều dài những cánh đồng ngô, cỏ, hướng dương, cao lương của TH true MILK tại cao nguyên Phủ Quỳ. Tập đoàn hiện đã sử dụng 8.100 héc-ta đất, phủ kín bằng các loại cây nguyên liệu thức ăn cho bò sữa, trong tổng diện tích được quy hoạch là 37.000 héc-ta.
Cánh đồng cỏ mombasa có diện tích 2.230 héc-ta, do Tập đoàn TH tự trồng (hiện chỉ có ngô là liên kết thu mua của người dân). Đây là nguồn cung cấp quan trọng nhất và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng lượng thức ăn thô xanh cho bò sữa (bên cạnh cỏ mombasa là hướng dương, cỏ mulato II, ngô và một số loại cỏ và cây họ đậu khác với diện tích trồng ít hơn). Theo thông tin từ các công ty chuyên sản xuất giống cỏ mombasa, trên thế giới hiện không có nơi nào trồng tập trung loại cỏ này lên đến hàng ngàn héc-ta như ở miền Tây Nghệ An.
Trong quá trình khảo sát và xác nhận Kỷ lục thế giới cho Cụm trang trại bò sữa TH trong năm 2020, Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới (World Records Union – WorldKings) đã xét đến nhiều yếu tố, như: Hệ thống chuồng trại lớn và hiện đại hàng đầu thế giới; công nghệ cao và thiết bị hiện đại trong tất cả các khâu của quy trình khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch… Trong hàng chục tiêu chí khắt khe, việc TH sở hữu những cánh đồng nguyên liệu lớn nhất thế giới có ý nghĩa quan trọng, bởi nó góp phần minh chứng cho tính chủ động và là mắt xích mở đầu cho chuỗi khép kín của quy trình sản xuất TH true MILK.
Cỏ mombasa được trồng quanh năm, 2,5-3 tháng thu hoạch một lần, một năm thu hoạch 5-6 vụ. Loại cây này đặc biệt thích hợp với khí hậu nóng ẩm của miền Trung Việt Nam, vào mùa hè thời tiết nóng bức, mưa nhiều, cỏ phát triển rất nhanh, có thể chỉ 1 tháng là đủ để thu hoạch. Trong một năm từ tháng 4 đến tháng 11 là thời điểm cỏ được cắt ồ ạt để ủ chua hoặc đóng bánh làm “lương khô” dự trữ cho đàn bò ăn quanh năm.
Ngoài cỏ mombasa, TH còn những cánh đồng ngô, cỏ mulato II và hướng dương rộng hàng trăm héc-ta. Riêng hướng dương đã trở thành một biểu tượng của nền nông nghiệp công nghệ cao Nghệ An và cả nước, một mẫu mực của kinh tế trang trại kết hợp với du lịch sinh thái. Điều thú vị ít người biết là toàn bộ số hướng dương mà TH đã trồng và được nhiều người mê mẩn, nếu đem cắt, nghiền, ủ chua thì chỉ đủ cho đàn bò ở thủ phủ Nghĩa Đàn của TH ăn trong… 3 ngày.
Trong cơ cấu Tập đoàn TH có riêng một công ty nghiên cứu về kỹ thuật trồng trọt và phụ trách trồng, thu hoạch nguyên liệu. Công ty có tên Agitech này sở hữu các máy xúc, ủi, gieo hạt, bón phân, các máy thu hoạch đa năng với số lượng và độ hiện đại có thể tự tin đứng hàng đầu trong các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Nổi bật nhất là hệ thống tưới tự động dài khoảng 500 m – cỗ máy ấn tượng này từ lâu đã trở thành điểm tham quan đặc sắc của nhiều du khách đến Nghệ An. Cánh tay tưới gồm nhiều đoạn nối với nhau bằng khớp nối, tùy bề rộng của khu vực cần tưới mà công nhân sẽ lắp ráp, thêm bớt các đoạn trục để tạo nên cánh tay với độ dài tương ứng. Mỗi khớp nối có hai bánh xe, to như bánh xe ô tô tải, cùng một mô tơ vận hành và hệ thống vi tính truyền dữ liệu. Hệ thống vi tính sẽ tính toán độ ẩm và phun nước. Thậm chí, nếu bánh xe gặp vật cản, cánh tay sẽ co lại, hoặc nâng lên và vòi phun từ cánh tay bên cạnh sẽ điều hướng nước về phía cánh tay bị liệt để tưới giúp.
Với độ dài gần nửa km, quay một vòng 360 độ, cánh tay khổng lồ như con rồng dưới chân Núi Tiên này sẽ tưới được cả triệu mét vuông, tương đương với 100 héc-ta đồng ruộng mỗi lần, thay thế cho cả trăm người làm việc đổ mồ hôi trong cái nắng chang chang xứ Nghệ.
Hiện mỗi ngày, đàn bò hơn 45.000 con ở Cụm trang trại TH Nghệ An ăn hết khoảng 1.600 tấn thức ăn. Vì vậy việc “đánh thức” và nhân rộng các đồng cỏ TH ở đây là chuyện sống còn đối với dự án.
Được dẫn dụ và truyền cảm hứng từ clip trải nghiệm “đã mắt” của youtuber nổi tiếng Khoai Lang Thang quay tại Nghĩa Đàn mới đây, rời những cánh đồng nguyên liệu bạt ngàn của TH, chúng tôi tiếp tục tới tham quan nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa, nơi “hậu trường” của những cánh đồng hướng dương và cỏ đẹp như châu Âu. Tại đây nguyên liệu được tập kết để chế biến ra những món ăn khoái khẩu cho hơn 45.000 con bò sữa của TH true MILK.
Clip cánh đồng hướng dương TH true MILK |
Theo thông tin từ chị Vy Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Thức ăn và Dinh dưỡng, để phục vụ cho đàn bò sữa quy mô lớn này, mỗi ngày hai nhà máy phải sản xuất và phối trộn khoảng 1.600 tấn thức ăn (trên tổng công suất 2.000 tấn), toàn bộ thực hiện bằng máy móc hiện đại và điều khiển thông qua hệ thống máy vi tính.
Thức ăn gồm nhiều loại cỏ khô, cỏ tươi, ngô, hướng dương, bột ngô, bột mì và các khô dầu, được phối trộn TMR (Total Mix Ration), tức là khẩu phần phối chế hoàn chỉnh được tính toán kỹ lưỡng về khối lượng, và kiểm soát nghiêm ngặt về hàm lượng dinh dưỡng, loại trừ mọi độc tố nấm mốc.
Có 10 công thức chính cho 10 nhóm bò từ bê non đến bò mang thai, bò vắt sữa, bò cạn sữa. Mỗi công thức phối trộn 12-16 loại nguyên liệu. Ngoài các loại nguyên liệu thô xanh, thức ăn cho bò còn được trộn với các loại cám tinh và một thứ nguyên liệu đặc biệt chỉ bò sữa TH mới có, đó là bã mía và rỉ mật – từ nhà máy mía đường NASU – một đơn vị trực thuộc Tập đoàn TH.
Hiện nay TH đã chủ động khoảng 98% thức ăn thô xanh cho đàn bò, chỉ nhập khẩu hơn 1% các loại cỏ khô giàu đạm đặc trưng ôn đới mà xứ nhiệt đới không thể trồng được như cỏ linh lăng (alfalfa).
Riêng khâu phân tích chất lượng, lên công thức và khẩu phần, hiện nay TH đã chủ động hoàn toàn. Thay vì phải gửi mẫu thức ăn đến các phòng thí nghiệm ở Bình Dương hay nước ngoài để nghiên cứu, phân tích như trước đây, hiện TH đã sở hữu ngay tại Nghệ An phòng lab Dairy One.
“Cùng là cỏ mombasa nhưng cắt ở 30 ngày tuổi thì hàm lượng dinh dưỡng khác, cắt ở 45 ngày tuổi lại khác, cắt vào mùa đông sẽ khác và cắt vào mùa hè lại khác nữa. Nguyên liệu theo mùa sẽ được phân tích hàm lượng chất dinh dưỡng xem cao, thấp ra sao, để từ đó kết hợp và cân bằng với các nguyên liệu khác, sao cho đảm bảo tuân thủ chính xác khẩu phần đã lên cho từng nhóm bò” – chị Vy Thu Hằng giải thích.
Những phân tích của Giám đốc Trung tâm Thức ăn và Dinh dưỡng TH khiến chúng tôi ngạc nhiên về sự tinh vi, tính tỉ mỉ, chính xác và khoa học. Có lẽ chính điều đó cũng góp phần làm nên khác biệt giữa chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao với chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ - cho bò ăn rời rạc, tức là cỏ riêng, cám riêng, không cân bằng dinh dưỡng nên dẫn đến nhiều bệnh về tiêu hóa cho bò như lệch dạ cỏ, tiêu hóa không đồng đều, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của bò và chất lượng, sản lượng sữa. Đối với loài nhai lại như bò sữa, sự ổn định trong thành phần thức ăn là rất quan trọng.
Mặc dù sản xuất hàng nghìn tấn thức ăn một ngày nhưng mỗi ca làm việc ở Trung tâm chỉ cần 25 nhân viên bao gồm cả người điều khiển các loại xe chở nguyên liệu và một ekip thao tác trên máy tính. Đứng ở hành lang phòng điều khiển nhỏ xíu như đang đứng trên một đài quan sát, khoảng sân rộng bên dưới trải ra trước mắt chúng tôi - một công trường nhộn nhịp, nơi này cắt nghiền cỏ, nơi kia xới cỏ, ở hai góc là hai chiếc máy trộn khổng lồ cần mẫn làm việc.
Ấn tượng nhất là những hố ủ chua lớn như những quả đồi. Chị Vy Thu Hằng chỉ vào những hố ủ khổng lồ, chất đầy cỏ, ngô đã băm nhuyễn bên dưới, giới thiệu: “Mỗi hố cỏ này chứa khoảng 6.000 tấn. Ở đây có 30 hố cỏ lớn như thế, chưa tính các hố diện tích nhỏ hơn”.
Những chiếc xe chuyên dụng chở nguyên liệu ù ì leo lên đỉnh “đồi”, đổ nguyên liệu xuống thành từng lớp rồi nén chặt lại như đổ bê tông. Sau khi ủ khoảng 2-3 tháng, cỏ đã lên men và ổn định, công nhân sẽ mở hố, đào cỏ ra để lấy đi phối trộn, bò ăn đến đâu đào đến đó, thậm chí ăn bữa nào đào bữa đó, chứ không đào sẵn, tránh cỏ bị ôi.
Máy trộn làm việc 24/7, để thức ăn cho đàn bò sữa luôn tươi mới và đầy đủ. Đến đúng giờ, thức ăn đã phối trộn được đổ đầy các xe rải để chuyển tới chuồng.
“Bò TH được ăn 3 bữa một ngày, xe rải thức ăn không được đến sớm quá 2 phút và muộn quá 3 phút so với lịch đã đề ra mỗi ngày. Bởi bò ăn xong nghỉ ngơi để đi vắt sữa và lúc nào các bạn đi vắt sữa về thì cũng có thức ăn tươi mới đợi sẵn” – chị Vy Thu Hằng cho biết.
Gắn bó với trung tâm thức ăn hơn 10 năm, những câu chuyện của nữ Giám đốc Trung tâm Thức ăn và Dinh dưỡng này luôn khiến người nghe thán phục vì sự chuyên nghiệp, độ tinh tế và cẩn trọng, chi tiết trong mọi khâu của quy trình chế biến. Sự cầu kỳ trong “nhà bếp” của bò sữa TH tưởng như khắc kỷ nhưng thực chất nó là sự tuân thủ một cách chính xác nhất những công thức trong các ma trận mà các chuyên gia đã tính toán và xây dựng trên máy tính. Bởi trong ngành chăn nuôi, bò sữa được cung cấp dinh dưỡng, được ăn uống như thế nào thì sẽ phản ánh ngay trong chất lượng sữa.
Chị Hằng giải thích: “Tiêu chuẩn thức ăn đã được chuẩn hóa từ bên Nhà máy chế biến thức ăn, ăn vào như thế nào thì phân tích sữa ngày hôm đó sẽ biết được ngay hiệu quả sử dụng thức ăn từ sản lượng đến chất lượng sữa. Thức ăn chiếm tới 70% chi phí và nó quyết định chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng trong sữa”.
Phía bên dưới nơi chúng tôi đứng, những chiếc xe chở nguyên liệu và xe rải thức ăn vẫn cần mẫn chạy vào, ra cổng Trung tâm Thức ăn và Dinh dưỡng. Chính từ những cánh đồng như của châu Âu giữa lòng xứ Nghệ và khu “bếp ăn” khổng lồ của đàn bò nơi đây, đã bắt đầu cho chuỗi quy trình khép kín làm nên cuộc “cách mạng trắng” của sữa tươi sạch TH true MILK trên thị trường Việt Nam.
Bài: Bảo Nguyễn
Thiết kế: Thúy Hà