Như tin đã đưa, ngày 19/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, đã dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ LĐTB&XH.
Tính từ đầu năm 2016 cho tới nay, Bộ LĐTB&XH đã được giao 483 nhiệm vụ, trong đó đã hòan thành 373 nhiệm vụ, còn 107 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các đơn vị đã giải trình về các nhiệm vụ quá hạn và 8 vấn đề “nóng” thuộc phạm vi quản lý được Thủ tướng yêu cầu quan tâm, làm rõ.
Điều day dứt nhất của Bộ trưởng
“Điều day dứt nhất là chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng vẫn còn khoảng 200 nghìn liệt sĩ còn nằm ở nơi này nơi khác, mà càng để lâu càng khó khăn hơn trong việc xác định. Mấy năm vừa qua đã xác định được 12 nghìn liệt sĩ, nhưng vẫn còn 300 nghìn liệt sĩ chưa rõ danh tính”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung giãi bày.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ có 1 nhiệm vụ đã quá hạn 1 tháng 21 ngày chưa hoàn thành, đó là hoàn thiện, ban hành quy trình giám định AND xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Bộ cho biết đây là vấn đề mang tính khoa học, công nghệ và là vấn đề mới, rất phức tạp…
Hơn nữa, Bộ LĐTB&XH chủ trì đề án này, nhưng trực tiếp thực hiện lại là một đơn vị của Bộ Quốc phòng. “Phải tìm cách làm mới. Việc này đã giao từ năm 2014 nhưng nếu cứ làm theo cách này thì chắc chắn không xong”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm và cho biết sẽ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng trực tiếp giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo vấn đề này.
Liên quan tới công tác người có công, hiện có 28.500 trường hợp đang kê khai đề nghị hưởng chính sách. Vừa qua, Bộ đã ban hành quy trình xử lý với các trường hợp thiếu thông tin, đã công nhận 86 trường hợp. Trong 86 trường hợp này, Bộ trưởng cho biết trường hợp đáng chú ý nhất sinh năm 1891, nằm trong nghĩa trang đã 75 năm, nhiều đồng đội đều là liệt sĩ, nhưng nếu cứ căn cứ vào hồ sơ thì lại không thể được công nhận. Bộ phấn đấu cho đến ngày 27/7 sẽ giải quyết khoảng 200 hồ sơ tương tự.
Bộ trưởng cũng nêu hàng loạt giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề nóng trong các lĩnh vực quản lý, như 9 giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, 5 giải pháp cải thiện tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, vấn đề cai nghiện ma túy, bảo đảm an toàn lao động…. Bộ cũng đã bắt đầu cung cấp thông tin dự báo về thị trường lao động; chuẩn bị thiết lập đường dây nóng bảo vệ trẻ em.
Riêng đối với việc xây dựng nghị định về cai nghiện ma túy tự nguyện – cũng là một nhiệm vụ chậm trễ, vấn đề vướng mắc ở chỗ cai nghiện bắt buộc thì được nhà nước hỗ trợ, nhưng cai nghiện tự nguyện thì không. Tuy nhiên, vướng mắc này cơ bản đã được giải quyết vì Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính đã đã thống nhất nhà nước sẽ hỗ trợ 70% chi phí cai nghiện tự nguyện.
Về lĩnh vực xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Bộ chưa bao giờ quyết liệt chấn chỉnh các doanh nghiệp như vừa qua. “Chưa bao giờ Bộ thu hồi giấy phép 5 doanh nghiệp như trong quý I/2017, dù việc thu hồi là vô cùng khó và cá nhân tôi cũng chịu rất nhiều sức ép”, Bộ trưởng cho biết.
Cuối cùng, Bộ trưởng khẳng định Bộ sẽ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh cải cách, vì “chúng ta phải biết xấu hổ khi người ta đổi mới mà mình dậm chân tại chỗ”.
“Cứ thay người là nhanh hết”
Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao Bộ đã báo cáo, giải trình rõ ràng, toàn diện, nghiêm túc, cầu thị về các vấn đề đặt ra.
Trong 3 nhiệm vụ chậm trễ, có 1 nhiệm vụ do nguyên nhân khách quan là việc chậm hoàn thiện, ban hành quy trình giám định AND xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hai nhiệm vụ còn lại chậm trễ do nguyên nhân chủ quan là chính, tuy nhiên Bộ đã nêu hướng giải quyết cụ thể các vướng mắc, cần sớm hòan thành trong tháng 5.
Ghi nhận giải trình của Bộ về các vấn đề nóng, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý Bộ cần có các giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, đồng thời lưu ý một số vấn đề như thu hồi số tiền chính sách đã bị trục lợi, đề xuất xử lý vấn đề giờ làm thêm theo tinh thần bảo vệ người lao động nhưng cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…
Đặc biệt, Bộ trưởng nêu một vấn đề chính sách rất đáng lưu tâm với các đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam mà Bộ cần chủ động tính toán. Đó là khi thế hệ trước qua đời thì thế hệ sau sẽ được chăm sóc như thế nào, bởi nhiều gia đình có tới 3, 4 người con không thể tự lập được bất cứ việc gì.
Bộ cũng cần chú ý công tác thông tin, truyền thông trong ngăn ngừa, phòng chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, cần có cơ chế tiếp nhận, xử lý nhanh khi có thông tin từ người dân và báo chí. “Nhiều vụ việc báo chí nêu mà Bộ không có ý kiến thì VPCP phải báo cáo Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, trong khi phân cấp thẩm quyền đã rất rõ, nếu Bộ chủ động thì sẽ “giảm tải” cho lãnh đạo Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng đánh giá cao việc Bộ kịp thời trả lời các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Cho tới nay, VPCP đã chuyển cho Bộ 20 kiến nghị của doanh nghiệp và 11 kiến nghị của người dân, Bộ đã trả lời 19 kiến nghị của doanh nghiệp và 9 kiến nghị của người dân. Các kiến nghị còn lại vẫn trong hạn trả lời.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định VPCP sẽ đồng hành cùng các Bộ giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ được giao. Tinh thần của VPCP là hết sức nghiêm túc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. “Nếu phiếu trình chậm thì sẽ truy ngay nguồn gốc, trách nhiệm. Không được chờ cơ quan khác lên gặp, doanh nghiệp lên gặp, công chức nào giữ hồ sơ trong cặp sẽ bị xử lý. Quan trọng nhất là con người, văn bản chậm cứ thay người là nhanh hết”, Bộ trưởng phát biểu.
“VPCP có trách nhiệm tham gia cùng các Bộ xây dựng thể chế ngay từ đầu, chứ không phải ngồi trên mà hạch sách sao lại thế này, sao lại thế kia. Điều này chỉ có tốt cho Bộ và cho cả VPCP là cơ quan thẩm tra độc lập”, Bộ trưởng khẳng định.
Tổ công tác là mô hình rất hiệu quả
“Buổi kiểm tra là cơ hội rất tốt cho Bộ tạo chuyển biến về chất trong chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thiện thể chế và đổi mới tác phong, phương pháp làm việc. Học kinh nghiệm của VPCP, Bộ LĐTB&XH đã giao việc đích danh tới từng cá nhân từ Thứ trưởng trở xuống, lập Tổ công tác kiểm tra công việc từng ngày từng tháng, đơn vị nào chậm đều bị nhắc nhở, nhờ đó đã tạo chuyển động làm việc hiệu quả hơn”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
“Theo tôi, trong nhiều mô hình công tác liên ngành thì Tổ công tác này của Thủ tướng là cần thiết và hiệu quả nhất. Từ khi Tổ công tác thành lập, tác phong tiếp nhận các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đã khác, nghiên cứu cẩn trọng hơn và cụ thể hóa kịp thời, theo dõi hết sức chặt chẽ, quy trách nhiệm rất rõ, khen chê hết sức thẳng thắn, các đơn vị hết sức nghiêm túc để làm sao bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc. Điều này rèn cho chúng tôi một ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính rất tốt.”
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm