Năm 2015, dự thảo Luật Dân số đề xuất quy định cấm phụ nữ phá thai trên 12 tuần tuổi, trừ trường hợp mang thai gây nguy hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của thai phụ, thai nhi; do loạn luân; bị hiếp dâm; nguy cơ sinh ra trẻ có dị tật hoặc nguy cơ phát triển không bình thường. Điều này gây nhiều tranh cãi vì khó chứng minh bị hãm hiếp, loạn luân…
Do đó, tại cuộc họp về các vấn đề xã hội của Quốc hội ở TP. HCM Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thảo luận lại các quy định trong dự thảo Luật Dân số. Theo đó, dự thảo quy định phụ nữ được quyền phá thai theo nguyện vọng trong giới hạn 12 tuần tuổi trở lên đến 22 tuần tuổi, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe thai phụ.
Đề xuất này được xem là giải pháp có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong việc hạn chế tình trạng phá thai dễ dãi, lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính trước khi sinh. Tuy nhiên, điều lo ngại là quy định quá chặt chẽ về tuổi thai có thể khiến tình trạng phá thai chui, phá thai không an toàn xảy ra nhiều hơn.
Cũng theo Bộ trưởng, pháp luật các nước trên thế giới cũng rất khác nhau. Một số nước cấm phá thai, một số nước cho phép tự do, một số lại cho phép phá thai có điều kiện. Với Việt Nam, việc cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người được phá là có tính khả thi, đảm bảo không cản trở thực hiện các quyền con người.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích nam nữ chưa kết hôn đến tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nhà nước hỗ trợ kinh phí tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho người trong độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ cao ảnh hưởng việc mang thai sinh con và con có nguy cơ bị bệnh, tật bẩm sinh.
Ngoài đề xuất cho phép phá thai từ 12 đến 22 tuần tuổi, dự thảo luật cũng đề cập vấn đề tầm soát bệnh, tật bẩm sinh để nâng cao chất lượng dân số.