Trong cuộc họp báo thường kỳ quý IV tại Hà Nội chiều qua (9/1), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã bày tỏ quan điểm trước “hiện tượng” có rất nhiều doanh nghiệp ngỏ ý muốn xây dựng các công trình tâm linh quy mô lớn ở các quần thể di sản nổi tiếng, gần đây là dự án “siêu tâm linh” ở chùa Hương - Hà Nội gây ra nhiều tranh cãi trái chiều.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng bộ cho biết, đến giờ phút này, đây mới chỉ là ý kiến của doanh nghiệp đầu tư với UBND TP. Hà Nội nên Bộ chưa nắm được thông tin cụ thể để trả lời kỹ lưỡng.
Trước đó, ngày 25/7/2018, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã có công văn số 212/CV-DNXT gửi Thành ủy và UBND TP. Hà Nội xin phép đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Theo đề xuất, Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ có quy mô khoảng 1.000 ha, gồm các hạng mục như nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20 km giống như Tràng An; khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100 m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.
Nhà đầu tư cam kết, nếu được triển khai, Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc, Hà Nam vào 2028.
Đồng thời, khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Doanh nghiệp Xuân Trường là đơn vị đã đầu tư và đề xuất đầu tư nhiều khu du lịch tâm linh như quần thể Bái Đính – Tràng An (Ninh Bình), Khu Du lịch Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên).