Trước đề xuất về việc xây dựng, tôn tạo khu di tích chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) mà Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường gửi Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội, đã có rất nhiều luồng ý kiến nhận định đưa ra, trong đó hầu hết là phản đối. Phía Doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất một khoản đầu tư 15 nghìn tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo, cải tạo nhiều hạng mục, công trình tại khu di tích chùa Hương trên diện tích khoảng 1000ha đất.
Xây mới, cải tạo chùa Hương với 15 nghìn tỷ
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội báo cáo về việc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1.000 ha gồm núi đá có cây và đầm lầy.
Cụ thể, khu du lịch tâm linh Hương Sơn nằm ở vị trí phía bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía nam giáp khu du lịch Tam Chúc của tỉnh Hà Nam, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam.
Doanh nghiệp Xuân Trường sẽ đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng xây dựng khu du lịch tâm linh này với các hạng mục như nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.
Trong nội dung văn bản này, phía Doanh nghiệp Xuân Trường cũng cam đoan khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc Hà Nam vào năm 2028. Đặc biệt khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Trước việc Doanh nghiệp Xuân Trường gửi đề xuất như vậy, ông Trần Ngọc Nam - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tại khu vực doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất làm khu du lịch tâm linh đã có 3-4 dự án đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp thuận. Trong đó có cả về tâm linh, cáp treo liên quan đến cả Hòa Bình và Hà Nội.
Theo ông Nam, doanh nghiệp Xuân Trường đề nghị xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn rộng hơn 1.000 ha, trong đó có gần 400 ha chồng lấn lên dự án trước.
Phía UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết các vấn đề chồng lấn diện tích đất. Theo đó, TP sẽ xây dựng lại một quy hoạch tổng thể, để các nhà đầu tư xây dựng dự án tâm linh cùng khai thác vẻ đẹp của Hương Sơn.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đề xuất trên đang được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cùng với UBND TP Hà Nội và các nhà đầu tư trao đổi để xây dựng một quy hoạch tổng thể khu vực này, làm cơ sở cho các nhà đầu tư thực hiện.
Đại gia Xuân Trường đề xuất dùng 15 nghìn tỷ để xây dựng, cải tạo lại khu di tích Chùa Hương |
Chỉ là gợi ý, chưa có gì cụ thể
Trước những nhận xét trái chiều về văn bản đề xuất này, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường cho hay, đây chỉ là "gợi ý" của đơn vị với UBND TP.Hà Nội để có một cảnh quan xứng tầm, chứ chưa phải quyết định cuối cùng.
Về các văn bản gửi UBND TP và các cơ quan chức năng liên quan trong thời gian vừa qua, đại gia quê Ninh Bình khẳng định đó chỉ là văn bản mang tính khuyến cáo, không có nghĩa là đề xuất xin dự án .
"Tỉnh nào tôi chẳng khuyến cáo. Chúng tôi chỉ nói rằng phải giữ gìn lấy di sản. Đừng nghe mấy ông lợi ích nhóm nói chúng tôi là phá môi trường thế nọ thế kia. Hơn nữa, tôi còn đang tập trung chuẩn bị cho Đại lễ Vesak 2019, có khi mời tôi cũng chẳng làm. Tôi chỉ gợi ý cho tất cả các doanh nghiệp.” ông Trường khẳng định cụ thể.
Dự án sẽ vi phạm nghiêm trọng?
Trước những thông tin về việc đề xuất xây dựng khu di tích chùa Hương, phân tích ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, dự án này ngay khi đề xuất đã có những vi phạm nhất định về Luật di sản, các pháp lệnh đã ban hành cũng như chồng chéo với nhiều quy định, dự án khác.
Theo Luật sư Trương Anh Tú thì, Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì, hiện nay Thủ tướng không có chủ trương quy hoạch địa bàn nêu trên thành khu du lịch tâm linh. Dự án Khu du lịch Hương Sơn có thể nói là không nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, như vậy là không thỏa mãn quy định của Luật Đầu tư nên tôi nghĩ dự án sẽ khó được chấp thuận. Đó là chưa kể phạm vi dự án 1.500ha doanh nghiệp này đề xuất còn có thể chồng lấn vào một số dự án khác đang triển khai, luật cũng không cho phép đầu tư chồng chéo như vậy.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, đề xuất xây dựng, cải tạo khu di tích Chùa Hương có rất nhiều vấn đề bất cập, vi phạm các quy định về bảo tồn di tích |
Phân tích thêm về vấn đề này, Luật sư Tú cho biết, theo bản tóm tắt nội dung dự án thì doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất hạng mục nạo vét dòng chảy, xẻ dòng Suối Yến (thuộc khu di tích chùa Hương) và nạo vét hang động để tạo đường thủy về hướng tỉnh Hà Nam với chiều dài 30km, đồng thời triển khai xây dựng hàng chục hạng mục đan xen tại khu vực có ao, hồ và rừng, núi... Như vậy, việc xây dựng dự án này rất có thể sẽ gây ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái khu vực Hương Tích - một trong 3 lá phổ sinh thái của Hà Nội là Hương Tích, Ba Vì, Sóc Sơn.
Từ góc độ pháp lý, Điều 32 Luật di sản văn hóa quy định rằng: Ngoài việc phải bảo vệ nguyên trạng khu di tích quốc gia Hương Tích (khu vực I) thì khu vực bao quanh chùa Hương Tích (khu vực II) cũng nằm trong đối tượng được bảo vệ và chỉ được xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Đặt vấn đề về cơ quan nào sẽ có thẩm quyền thẩm định, cấp phép cho dự án này, Luật sư Trương Anh Tú cho biết: Căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư 2014, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư đối với dự án tâm linh Hương Sơn của doanh nghiệp Xuân Trường (thuộc trường hợp dự án có vốn từ 5000 tỷ trở lên) là Thủ tướng chính phủ, chứ không chỉ trình lên UBND cấp tỉnh xem xét là đủ. Bên cạnh đó, nếu dự án làm ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như phải Chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên... thì thẩm quyền quyết định phải ở cấp cao hơn là Quốc hội (theo Điều 31 luật này).
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!