Cầu ngàn mét xuyên qua lõi di sản
Ở độ cao khoảng 100 m, một đoàn du khách 10 người kéo loa lên và mở nhạc để nhảy trên cây cầu mới xây tại khu vực núi Cái Hạ, còn gọi là Tràng An cổ. Cùng với nhóm người này, hàng trăm du khách cả già trẻ vẫn tiếp tục theo cầu trèo lên đỉnh núi.
Cây cầu này gồm hơn 2.000 bậc thang từ chân núi lên đỉnh được nối nhau bằng các cột bê tông trụ đứng trên các vách đá tai mèo chênh vênh. Nhiều đoạn có độ dốc cao khi đi qua cảm giác rất mất an toàn. Trong bảng giới thiệu về công trình đặt ngay ở điểm lên núi, chủ công trình - Công ty CP du lịch Tràng An, công bố: “Đường bậc dựng theo di tích hướng đi cũ của triều Đinh; núi cao 95 m; gồm 2.234 bậc; chiều dài hệ thống bậc là 1.115 m”.
Không chỉ xuyên qua di sản hỗn hợp danh thắng Tràng An mà UNESCO công nhận, cầu cũng đi xuyên qua không gian của rừng đặc dụng. Ông Bùi Công Chính, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Hoa Lư - Gia Viễn, cho biết việc xây dựng công trình lên đỉnh núi Cái Hạ là xâm hại nghiêm trọng đến rừng đặc dụng.
Cây cầu không qua một đêm xuất hiện. Từ tháng 8.2017, UBND xã Trường Yên (H.Hoa Lư, Ninh Bình) và Hạt kiểm lâm liên huyện Hoa Lư - Gia Viễn đã phát hiện xây dựng cầu này. Khi đó, ông Nguyễn Văn Son, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP du lịch Tràng An, đã cho xây dựng cổng, các bậc thang lên đỉnh núi Cái Hạ.
Nhận thấy khu vực xây dựng nằm trong vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An, và thuộc phạm vi rừng đặc dụng, cả hai đơn vị trên đã báo cáo UBND H.Hoa Lư. Huyện sau đó cũng đã chỉ đạo Trường Yên phải yêu cầu ông Nguyễn Văn Son dừng việc thi công, tháo dỡ công trình không phép này. Hàng chục biên bản kiểm tra của Hạt kiểm lâm, xã, huyện và Sở Du lịch Ninh Bình sau đó đều xác định ông Son tự ý xây dựng và ông này cũng ký xác nhận vi phạm. Tuy nhiên, văn bản yêu cầu trả lại nguyên trạng di sản của H.Hoa Lư cũng không được ông Son chấp hành. Đầu năm 2018, cầu hoàn thành xuyên rừng, xuyên vùng lõi di sản, với chiều dài hơn ngàn mét.
Việc cho phép du khách đi lại trên cây cầu chưa được cấp phép, cũng chưa qua kiểm định chất lượng này, cũng vi phạm pháp luật. Chính quyền địa phương đã yêu cầu dừng hoạt động du lịch tại đây. Tuy nhiên, Công ty CP du lịch Tràng An vẫn tiếp tục cho du khách đi trên cầu.
Không cương quyết, coi thường di sản thế giới
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó chủ tịch UBND H.Hoa Lư, cho biết Công ty CP du lịch Tràng An đã ngang nhiên vi phạm pháp luật. “Khi doanh nghiệp (Công ty CP du lịch Tràng An) triển khai xây dựng thì huyện đã nắm được và yêu cầu dừng thi công, tháo dỡ công trình. Chúng tôi còn hướng dẫn doanh nghiệp nếu muốn xây dựng thì phải lập đề án trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhưng phía doanh nghiệp họ không lập đề án, chỉ lập tờ trình. Không chỉ vậy, Công ty CP du lịch Tràng An còn đưa vào kinh doanh bến thuyền khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép luồng, tuyến và phát hành băng đĩa không phép”, bà Cúc nói.
Nhưng H.Hoa Lư cũng buông lỏng trong việc quản lý. Phát hiện vi phạm sớm, tuy nhiên, họ không lập hồ sơ cưỡng chế. “Do đó là thời điểm cuối năm, công tác kiểm tra, giám sát của huyện cũng không được tốt nên để quá thời hạn, không thể ra quyết định cưỡng chế được nữa. Chúng tôi cũng đã nhận khuyết điểm. Chính vì thế, ngày 2.3, huyện tiếp tục ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ công trình xong trước ngày 10.3, nếu sau ngày này, doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ thực hiện các bước để cưỡng chế theo quy định”, bà Cúc nói.
Về hiện trạng này, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đại diện Việt Nam tại Ủy ban di sản thế giới của UNESCO, cho biết doanh nghiệp có nhiều sai phạm ở đây.
Thứ nhất, trong thông tin đưa ra, doanh nghiệp cho rằng đây là cầu lên đàn tế trời cổ xưa. Tuy nhiên, ông Bài cho biết, trong lịch sử không hề có đàn tế trời nào ở đây cả.
Thứ hai, đây là trường hợp xây dựng không phép.
Thứ ba, cây cầu hiện đang phá hỏng cảnh quan.
“Tất cả những cái đó đều vi phạm cả công ước cả luật Di sản văn hóa rồi. Xu hướng là phải xử lý triệt để việc này, và không thể xử lý theo kiểu để sự đã rồi đâu”, ông Bài bày tỏ.
Cũng theo ông Bài, ngay cả việc tôn tạo để phát huy giá trị thì cũng phải thẩm định, phải có phép mới được xây: “Phép tắc phải đúng. Về nguyên tắc, phải xin phép không những Bộ VH-TT-DL mà cả Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng phải có ý kiến đồng ý".
Chiều 5.3, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã về kiểm tra hiện trạng các công trình vi phạm, đồng thời yêu cầu UBND H.Hoa Lư theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các quy định của pháp luật để tháo dỡ các công trình vi phạm trên của Công ty CP du lịch Tràng An xây dựng.
Theo Thanh niên