Bức tranh 'xám' về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội

Bức tranh 'xám' về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội

Trong hồi ức của PGS.TS Vũ Thanh Ca (khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), Hà Nội những năm 90 bẩn và nhiều rác khủng khiếp. Năm 1994, khi “tháp tùng” cán bộ Nhật Bản sang Việt Nam làm một dự án của nước ngoài, ông đã cực kì xấu hổ vì khắp nơi đâu đâu cũng thấy rác…

________________

Là nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cũng là một thành viên trong nhóm chuyên gia môi trường biển của Liên hợp quốc, PGS TS Vũ Thanh Ca đã không ít lần xấu hổ với đối tác nước ngoài vì vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hà Nội.

Bức tranh 'xám' về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội ảnh 1

PGS TS Vũ Thanh Ca

PGS.TS Vũ Thanh Ca kể lại: “Năm 1990, nếu bạn mặc một chiếc áo sơ mi trắng ra đường, chỉ cần đi từ Đội Cấn đến Hàng Đường là cổ áo đen kịt, bạn chắc chắn phải giặt chiếc áo đó ngay, nó chỉ mặc được một lần…”. Nhưng đến nay, theo cá nhân ông đánh giá, môi trường ở Hà Nội đã có chuyển biến tích cực theo xu thế mỗi ngày một tốt lên, tất nhiên, vẫn còn đó những mảng màu xám xịt chưa thể giải quyết được, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao.

Nhức nhối vấn đề bụi mịn

Hầu như phiên chất vấn nào tại kì họp HĐND TP Hà Nội cũng “nóng bỏng” vấn đề ô nhiễm môi trường, khi là ô nhiễm sông hồ, khi lại vấn đề thu gom rác thải bị ùn ứ, đình trệ… Chất lượng môi trường khí, nước và đất tại Hà Nội đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng 3 năm trở lại đây, vấn đề người dân quan tâm hơn cả là ô nhiễm không khí, đặc biệt là các khu vực nội thành.

Hà Nội được xếp là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới. 3,5 triệu người dân Thủ đô bị ảnh hưởng bởi mức bụi gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO. 40% dân số của Thủ đô Hà Nội đã bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở mức trên 45 μg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia.

“Thực ra xét chung cả trên số liệu và tình hình thực tế thì tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội hơi giảm chứ không tăng trầm trọng đâu. Cái cần quan tâm duy nhất của Thủ đô là bụi mịn gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm chủ yếu ghi nhận do bụi PM10 và bụi mịn PM2.5”, PGS.TS Vũ Thanh Ca chia sẻ.

Bức tranh 'xám' về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội ảnh 2
Chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội thường xuyên ở ngưỡng kém

Theo chuyên gia Vũ Thanh Ca, ô nhiễm không khí, đặc biệt là vấn đề bụi mịn vẫn là bài toán khó, chưa thể giải quyết được. Bụi mịn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khi có hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra vì nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn. Trong quá trình diễn ra nghịch nhiệt, bụi mịn không thoát lên cao được mà lơ lửng ở tầng khí thấp, tạo thành một lớp sương mờ đục bao phủ bầu trời Hà Nội.

Gần đây nhất, vào sáng ngày 17/4/2023, theo ứng dụng PAM Air, các tỉnh, thành phố tại Bắc Bộ ghi nhận hàng chục điểm đo cho chỉ số chất lượng không khí ở mức có hại cho sức khỏe (151-200), tập trung chủ yếu tại Thủ đô Hà Nội và khu vực lân cận. Tại mức chất lượng không khí 151-200, tất cả người dân bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn.

Tình trạng này thường xảy ra trầm trọng nhất vào khoảng thời gian cuối Thu, mùa Đông và đầu Xuân, đặc biệt là trước mỗi đợt gió mùa Đông Bắc tràn về. Chỉ số chất lượng không khí AQI được chia thành sáu mức (sáu mảng màu khác nhau) theo cấp độ ô nhiễm tăng dần. Giá trị AQI trên 300 thể hiện chất lượng không khí nguy hiểm (màu nâu) và dưới 50 (màu xanh lá) thể hiện chất lượng không khí tốt.

“Những ngày tháng 5 này, người dân nông thôn vẫn hay đốt đồng. Chúng ta gần như không thấy gì vì ban ngày không thấy khói, mặt trời lại đốt nóng nhiều nên khói nhanh bốc lên trên cao. Nhưng khoảng 21-22 giờ đến gần sáng hôm sau, khi người dân vẫn tiếp tục đốt tối, khói lan đi, mặt đất lạnh về đêm, chuyển động đối lưu yếu khiến nồng độ khói gần mặt đất đậm đặc, theo gió sẽ lan ra các tỉnh lân cận. Những gia đình ở Ba Đình, Hà Nội nếu để ý có thể cảm nhận được mùi khói oi nồng theo gió từ Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, ngoại thành Hà Nội… đẩy về”, PGS.TS Thanh Ca cho biết.

Không có “huyền thoại” ô nhiễm đến từ Trung Quốc

Trong câu chuyện về bụi mịn, PGS.TS Vũ Thanh Ca nhắc đến “huyền thoại” lâu nay được nhiều người “đổ lỗi” cho ô nhiễm không khí tại Việt Nam là do bay từ Trung Quốc sang. “Huyền thoại” này được lan truyền trong một thời gian khi tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc ở mức báo động nghiêm trọng. “Hoàn toàn không phải như vậy, vì cứ đón gió mùa Đông Bắc là không khí Hà Nội rất sạch, gió mùa qua đi lại về chỉ số ô nhiễm kém và xấu như bình thường”, ông nói.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguồn phát sinh bụi chính ở Hà Nội là nguồn tại chỗ, trong đó, giao thông được chỉ mặt, đặt tên là nguyên gây ô nhiễm nội tại lớn nhất. Lượng xe máy, ô tô… xả khí thải vô cùng lớn ra môi trường. Hà Nội còn rất nhiều xe không được bảo dưỡng thường xuyên, động cơ kém, nhất là người dân lao động nghèo khó, chạy xe cũ để mưu sinh vẫn còn nhiều. Ngoài ra, một số ô tô tải được kiểm định lỏng lẻo cũng là tác nhân gây ô nhiễm bụi mịn nghiêm trọng trong thành phố.

Bức tranh 'xám' về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội ảnh 3
Hoạt động đốt đồng gây ô nhiễm môi trường không nhỏ cho Thủ đô

Một nguyên nhân khác đến từ các hoạt động dân sinh, sinh hoạt đời thường của người dân Thủ đô. “Đứng gần các cơ sở bún chả, quạt chả… ta sẽ thấy nồng độ bụi mịn cao khủng khiếp, chỉ số AQI phải vượt ngưỡng 300”, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết.

Theo ông Ca, nguồn thải cực kỳ quan trọng thứ ba phải kể đến là các làng nghề với công nghệ cũ, thậm chí một số gia đình vẫn dùng than tổ ong để đốt. Việc kiểm soát ô nhiễm chưa tốt, xả khí thải lớn gây tác động xấu đến môi trường. Cũng tại khu vực ngoại thành, hoạt động đốt đồng tuy chỉ rầm rộ khoảng 2-3 tháng trong một năm nhưng gây ô nhiễm nặng cho thành phố, đặc biệt vào mùa Đông, khoảng tháng 10-11. Ông kể, tại Thái Lan, trước kia, khi tình trạng đốt đồng còn xảy ra phổ biến, họ có lực lượng cảnh sát đứng ra xử phạt. Hễ thấy đốt đồng là cảnh sát phạt tại chỗ, đến nay nước bạn gần như không còn đốt đồng. Nhưng ở ta chưa có hướng giải quyết triệt để vì chế tài không có, cũng không ai thực hiện chế tài, người dân đốt xong bỏ đi, không thể xử lý được.

Một nguồn thải từ xa gây tác động không nhỏ đến Thủ đô Hà Nội là hoạt động của các khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Ca, nguồn thải này không lớn lắm, các khu công nghiệp quanh Hà Nội hiện nay được kiểm soát khá tốt, thường xuyên đo đạc khí thải và có sự giám sát chặt chẽ của Bộ TNMT. Nguyên nhân cuối cùng mà nhiều người hay nhắc tới là khí thải đến từ các nhà máy điện than, cũng ít ảnh hưởng vì Hà Nội nằm xa các trung tâm nhiệt điện.

Làm sao cho Hà Nội sạch hơn?

Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm hạn chế một số nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí nhỏ, bao gồm: xóa được hơn 96% số lượng bếp than tổ ong, tương đương với giảm 1,658 tấn bụi mịn PM2,5 một năm; giảm gần 70-90% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành so với năm 2017 và xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Bốn huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, sử dụng chế phẩm nhằm tái sử dụng rơm rạ... Thành phố đã hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm.

Bức tranh 'xám' về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội ảnh 4
Ô nhiễm không khí nặng nhất là vào mùa Đông

Thành phố cũng đã triển khai chương trình thí điểm đo kiểm khí thải cho 5,240 xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn nhằm tạo tiền đề cho việc ban hành một chính sách rộng hơn về kiểm soát khí thải xe máy. Hoạt động thí điểm này đã nhận được phản hồi tích cực và đồng thuận của người dân, doanh nghiệp tham gia.

Chỉ số ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại thành phố Hà Nội trong hai năm 2021, 2022 thường xuyên rơi vào tình trạng cao nhất toàn quốc. So với ngưỡng tiêu chuẩn được Bộ Tài Nguyên Môi Trường đưa ra là (25 μg/m3) thì tất cả các quận huyện trên địa bàn đều vượt mức, thậm chí vượt mức gấp 2, gấp 3 lần. Không còn đe dọa tới sức khỏe, người dân Hà Nội đang đối mặt với một mối đe dọa về tính mạng.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Hà Nội cần đẩy mạnh ba giải pháp quan trọng nhất. Một là giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng. “Tương lai chỉ có cách đẩy mạnh các phương tiện công cộng mới có thể giúp Hà Nội “sạch” hơn. Các nước phát triển ở châu Á như Thái Lan có xe buýt rất thô sơ, nhìn như xe lam vậy, trong khi xe buýt của mình rất tốt. Tuy nhiên, số lượng người dân mình đi xe buýt còn ít, thói quen tạt ngang tạt ngửa nên xe máy vẫn là phương tiện linh hoạt nhất hiện nay”, ông nói.

Hai là xử lý ô nhiễm tại các làng nghề ngoại thành, đó là phải nỗ lực chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi nghề nghiệp. Thế hệ cao tuổi thì việc chuyển nghề là bất khả thi, nhưng người trẻ phải thay đổi dần cách làm, cách sinh hoạt, đồng thời Thành phố phải hỗ trợ họ chuyển đổi công nghệ, sử dụng công nghệ mới, thậm chí chuyển đổi năng lượng xanh để chung tay “cứu” Hà Nội.

Bức tranh 'xám' về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội ảnh 5
Hà Nội vẫn còn bài toán ô nhiễm bụi mịn chưa thể giải quyết triệt để

Một giải pháp nữa không kém phần quan trọng là tăng cường giám sát, theo dõi chỉ số không khí tại các khu công nghiệp quanh Hà Nội để kịp thời có những biện pháp xử lý.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Hà Nội. Để đạt được mục tiêu, bên cạnh quyết tâm của Hà Nội, cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố lân cận trong triển khai giải pháp ngăn chặn, xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí. Đồng thời, cần sự chung tay hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế và các tầng lớp nhân dân để xây dựng một Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, không ô nhiễm...

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?