Sau 15 năm hợp nhất kể từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã phát triển nhanh, toàn diện và bền vững hơn với một diện mạo hoàn toàn mới. Trong đó, diện mạo đô thị thay đổi rõ nhất qua những công trình giao thông công cộng.
_______________________
Những chuyến xe buýt bình dân đang dần trở thành “đại sứ du lịch”, giúp cung đường về ngoại thành, đến các điểm di tích, làng nghề quanh Thủ đô trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Cứ cuối tuần, khi công việc không bận rộn và lịch về quê chưa đến hẹn, Nguyễn Minh Hải, cán bộ Viện Xã hội học lại lên kế hoạch đưa cậu con trai đi du lịch quanh Hà Nội. Hai vợ chồng anh đã quen xê dịch từ hồi sinh viên, việc đưa con đi đó đây là điều mà cả hai đã thống nhất từ trước. Theo Minh Hải, trước kia, cả hai vợ chồng thoải mái phượt xe máy, nhưng khi có con nhỏ, chuyện đi xe máy là điều khó khả thi. “Rất may, khi mạng lưới xe buýt ở Hà Nội đã kết nối với tất cả các vùng quê xứ Đoài, việc dắt con đi chơi trở nên dễ dàng hơn. Mỗi chuyến du lịch của cả nhà đều có chi phí rất rẻ, chi phí đi lại chưa đến 50 nghìn đồng/người”, Hải hào hứng nói.
Bến xe Giáp Bát |
Cuối tuần trước, hai bố con Minh Hải đi Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng vào năm 1822 triều vua Minh Mạng. Nhà ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Hải dắt con lên xe buýt 02 đến trạm trung chuyển Yên Nghĩa. Sau đó hai bố con bắt tiếp tuyến buýt 89 (Yên Nghĩa – Bến xe Sơn Tây) là có thể thong thả cùng con chiêm ngưỡng công trình kiến trúc quân sự cổ dưới những vòm cây xanh cổ thụ hàng trăm năm. Hành trình này cũng là dịp để Hải đưa con về làng nghề làm bánh tẻ Phú Nhi thuộc phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, thưởng thức bánh tẻ Sơn Tây nóng hổi mà nhiều lúc ở thành phố tấp nập, anh không có cảm giác ngon và xuýt xoa đến thế.
Từ bến xe Giáp Bát có thể bắt xe đi khắp nơi |
Trước đó, vợ chồng Hải đã đưa con đến làng nghề Bát Tràng bằng tuyến buýt số 47A xuất phát từ điểm đón xe buýt Long Biên. Trên đường về, cả nhà còn không quên ghé chân vào vườn nhãn Gia Lâm và thảo nguyên Hoa Long Biên, hai địa điểm check-in sống ảo nổi tiếng của giới trẻ Hà thành với những trải nghiệm đầy ắp tiếng cười.
“Chỉ cần di chuyển đến các trạm trung chuyển tập trung đông xe buýt như trạm Long Biên, bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình… là bạn hoàn toàn có thể chọn tiếp hành trình khác đến các làng nghề ven Thủ đô. Mỗi chuyến đi chỉ tốn khoảng 7-10.000 đồng/lượt, trẻ con được miễn phí”, Hải chia sẻ.
Trạm trung chuyển Kim Mã |
Những chuyến phượt bằng xe buýt đến các làng nghề quanh Thủ đô, các khu điểm di tích nổi tiếng đã và đang trở thành sở thích của rất nhiều người trẻ. Những chuyến xe buýt có thể dẫn người dân nội thành tới những điểm du lịch hấp dẫn ở ngoại thành Hà Nội với chi phí chỉ từ 7.000 – 20.000 đồng/lượt.
Đơn cử, chỉ với 10.000 đồng, một sinh viên hoàn toàn có thể vi vu trên tuyến buýt số 73 (Bến xe Mỹ Đình – Chùa Thầy), đợi 30 phút ngồi trên xe ngắm cảnh sắc làng quê thanh bình hai bên đường huyện Quốc Oai là có thể thong thả khám phá ngôi chùa cổ kính. Cũng xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, tuyến 103A đi Chùa Hương (Mỹ Đức) những ngày đầu Xuân lúc nào cũng đông vui, tấp nập. Nhiều bạn trẻ còn rủ nhau nhảy tuyến buýt số 92 đi từ Nhổn về Tây Đằng, khám phá vườn quốc gia Ba Vì quanh năm mát mẻ, xanh biếc bằng một buổi picnic thân thiện…
Đưa con đến thành cổ Sơn tây bằng xe buýt một cách dễ dàng |
Với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, xe buýt đang dần trở thành một trong những phương tiện giao thông công cộng tiện ích, phù hợp ngay cả với khách du lịch. Phạm Hòa Bình, sinh viên năm thứ hai, Đại học Ngoại Thương Hà Nội chia sẻ: “Phượt xe buýt không chỉ giá thành rẻ mà còn có nhiều lựa chọn, chẳng hạn một địa chỉ làng nghề, khu di tích có nhiều xe buýt đi về nên di chuyển vô cùng thuận tiện và linh hoạt. Mọi người có thể đến thăm quan đền Hai Bà Trưng (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) bằng nhiều tuyến buýt khác nhau, có thể chọn tuyến 35B, hoặc 63,112. Muốn đi Vườn Quốc gia Ba Vì có thể đi tuyến buýt 92, cũng có thể bắt tuyến 110, 119...”.
Đáng chú ý, đến nay mạng lưới xe buýt cũng kết nối với 7 tỉnh thành lân cận gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Không thể phủ nhận, sự xuất hiện dày đặc của hệ thống xe buýt công cộng đã góp phần tăng sức hút, kéo du khách về với các làng nghề ngoại thành Hà Nội. Nhiều làng quê đã rộn ràng tiếng bước chân du khách kể từ khi có những chuyến xe buýt về làng.
Thống kê nửa đầu năm nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.Trong đó, khách quốc tế đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 74,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu đi ngoại thành, thăm quan các làng nghề Hà Nội tăng lên đáng kể.
Xe buýt về ngoại thành |
Trước đó, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, lượng khách du lịch đến các khu, điểm tham quan du lịch ngoại thành Hà Nội tăng trưởng mạnh mẽ như: Vườn quốc gia Ba Vì đón 17.000 lượt khách; Bảo tàng dân tộc học đón 11.000 lượt khách; Làng cổ Đường Lâm đón khoảng 10.000 lượt khách; Di tích Cổ Loa đón 5.000 lượt khách; điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đón khoảng 6.046 lượt khách…
Chưa bao giờ, việc đi lại về các khu làng nghề, di tích lịch sử quanh Hà Nội lại dễ dàng đến thế. Hiện mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%, 65/75 bệnh viện đạt 87%, 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%, 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%, 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%, 23/24 làng nghề đạt 95,8%, 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch đạt 92%.
Nắm được nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, ngành Du lịch Thủ đô đã và đang triển khai nâng cấp, phát triển các tuyến du lịch từ trung tâm thành phố đến các làng nghề như Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); chùa Hương (huyện Mỹ Đức) kết nối với khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình); khu vực Sơn Tây - Ba Vì; Thạch Thất - Quốc Oai; Đông Anh - Sóc Sơn…
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội được đẩy mạnh nhằm thu hút khách du lịch đến với Thủ đô. Sở Du lịch đang triển khai đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, website, nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền, quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”. Sở Du lịch Hà Nội đang tổ chức thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách tại các điểm tham quan.
Để thực hiện công tác chuyển đổi số, Sở Du lịch Hà Nội triển khai phầm mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành Du lịch (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác từ đầu năm 2023 gồm: Khách du lịch; hành vi khách hàng; bản đồ số du lịch; tài nguyên, di sản và sản phẩm du lịch; dịch vụ mua sắm; dịch vụ vui chơi, giải trí...
Xe về chùa Hương |
Một điểm chờ xe buýt có nhiều lựa chọn đi ngoại thành |
Nhiều năm qua, để tăng cường năng lực cho mạng lưới giao thông công cộng, không chỉ hệ thống hạ tầng đường sá được xây dựng, mở mang mà mạng lưới xe buýt của thành phố cũng được tập trung đầu tư phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại. Mặt khác, xe buýt hiện nay đã có rất nhiều tiện ích như: Wifi miễn phí; hệ thống thông báo, cảnh báo bằng âm thanh; sàn thấp, bán thấp phục vụ người khuyết tật, người già… Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải khẳng định: “Điều đó cho thấy, không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách, mà xe buýt còn hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, góp phần xây dựng văn hóa, văn minh đô thị Hà Nội”.