Đến Ninh Thuận vào thời điểm này, chứng kiến cảnh hàng ngàn hộ dân vật vã với nước sinh hoạt và sản xuất mới thấy sự khắc nghiệt của hạn hán kéo dài.
Tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, nhiều héc-ta nho của các hộ dân ở trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ chết khô, nhiều hộ dân mất cả trăm triệu đồng để đào ao chứa nước nhưng vẫn không đủ nước để tưới.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, do nắng hạn gay gắt nên tổng lượng nước ở 20 hồ thủy lợi trong toàn tỉnh hiện còn chưa đến 40 triệu m3, tương đương 20% tổng dung tích thiết kế.
Hầu hết các tuyến kênh mương nội đồng đã cạn nước từ nửa năm qua. Ngành đang tập trung nhiều biện pháp chống hạn như: tổ chức nạo vét khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương thủy lợi, hướng dẫn nông dân áp dụng những phương pháp tưới phun mưa, nhỏ giọt trong sản xuất để tiết kiệm nguồn nước, gieo trồng các cây chịu hạn; tổ chức đào giếng, ao hồ dự trữ nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho đàn gia súc…
Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa tại nhiều nơi nhưng do lượng mưa ít, nên mực nước tại các hồ tiếp tục giảm dần.
Hiện tại, tổng dung tích thiết kế của 21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận là 194,49 triệu m3. Nhưng, thời điểm hiện nay chỉ còn 82,20 triệu m3, giảm 27,12 triệu m3 so với thời điểm đỉnh hạn vào đầu tháng 5. Số hồ chứa nước cạn đáy (hoặc ở mực nước chết) đã tăng lên 17 hồ.
Hồi tháng 8/2018, do nguồn nước tưới bị thiếu hụt đã làm cho nhiều diện tích cây hoa màu của bà con tại xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận bị chết khô, gây thiệt hại nặng nề.
Trước tình hình hạn hán ngày càng diễn ra gay gắt, tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các địa phương điều chỉnh và cắt giảm diện tích gieo trồng lúa, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp với tình hình khô hạn. Tỉnh Ninh Thuận đang có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để các địa phương vùng tâm hạn tìm nguồn nước cho dân.
Đồng thời tập trung mọi nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.Mới đây, vào tháng 9.2018, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản thông báo dừng tổ chức Lễ hội Nho và Vang.
Theo đó, UBND tỉnh đã nêu lý do lễ hội không thể tổ chức được là, vì hiện nay và trong thời gian tới, tỉnh tập trung công tác ứng phó với tình hình hạn hán trên địa bàn và sẽ tổ chức vào năm 2019 khi có điều kiện thuận lợi.
Ông Báo Văn Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hòa cho biết: “Do ảnh hưởng của nắng hạn đã làm nhiều diện tích trồng bắp, lúa ở hai thôn Tà Lọt và Chà Panh chết khô khiến người dân bị thiệt hại nặng. Địa phương đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng suối Chà Panh để tăng lượng nước tưới cho bà con sản xuất.
Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh, huyện cần đầu tư hệ thống thủy lợi bài bản để bảo đảm nguồn nước tưới ổn định cho khoảng 500ha trồng ngô, lúa nước, sắn, mía, rau quả… của bà con. Có như thế, đồng bào Ra Glai nơi đây mới có điều kiện vượt qua thời điểm đói giáp hạt hàng năm và vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Trước tình hình hạn hán ngày càng diễn ra gay gắt, tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các địa phương điều chỉnh và cắt giảm diện tích gieo trồng lúa, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp với tình hình khô hạn.
Việc chuyển đổi cây trồng đã được tỉnh Ninh Thuận đưa ra từ nhiều năm trước. Dự kiến, đến năm 2020 tỉnh Ninh Thuận sẽ có 2.000ha đất được chuyển đổi từ cây lúa sang các cây trồng thích ứng với khô hạn.
Thực tế, trong những năm qua, nhân dân Ninh Thuận đã triển khai được một số mô hình chuyển đổi cây trồng rất hiệu quả. Đặc biệt là đã chuyển từ cây lúa nước sang cây trồng cạn như: bắp lai, đậu xanh, cỏ chăn nuôi gia súc... Giải pháp này bước đầu đã hạn chế được thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi do hạn hán gây ra.
Mặc khác, Ninh Thuận là địa phương có đàn gia súc khá lớn và đây chính là nguồn thu nhập chính của người dân, vì thế, đối với khu vực có đàn gia súc lớn, Ninh Thuận sẽ tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện và giải pháp để giúp dân di chuyển đàn gia súc đến nơi có nước.