Cả đời tiết kiệm, một ngày đến SCB tất cả rơi vào túi Manulife

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bà Hoàng Thị Yến suốt 36 năm dạy học ở trường giáo dục thường xuyên, chắt chiu dành dụm được một số tiền để phòng khi ốm đau bệnh tật lúc tuổi già nhưng tất cả dường như sụp đổ khi phát hiện bản thân cũng là nạn nhân “Tâm an Đầu tư” của liên minh SCB – Manulife, như bao người dân khác.
Bà Yến mang giấy tờ đến gõ cửa Ngày Nay nhờ giúp đỡ.
Bà Yến mang giấy tờ đến gõ cửa Ngày Nay nhờ giúp đỡ.

Bị dụ mua bảo hiểm nhân thọ

Chiều 25/12, bà Yến cùng em trai mắc tâm thần mang theo một sấp giấy tờ nặng cả ký tìm đến gõ cửa Văn phòng Ngày Nay tại TP.HCM nhờ giúp đỡ và giải thích chỉ mới biết thông tin rồi tham gia nhóm hơn 500 nạn nhân của Ngân hàng SCB – Bảo hiểm nhân thọ Manulife thời gian gần đây.

Bà Yến sinh năm 1960 ở Sài Gòn, là chị cả trong gia đình có chín anh chị em nên từ khi còn tuổi học trò đã vừa đi học vừa rong rủi bán bánh cam, bánh tiêu để phụ giúp ba mẹ lo cho các em. Sau khi đất nước thống nhất, bà được phân công về dạy ở một trường tiểu học ở huyện Nhà Bè.

Vài năm sau, bà Yến được điều về trường giáo dục thường xuyên tại Q.1 và gắn bó đến khi về hưu vào năm 2015. Ngoài công tác chuyên môn, bà Yến sẵn sàng phụ thêm những phần việc khác như quản lý thư viện, đôi khi làm thay bảo vệ những lúc đêm khuya.

Suốt 36 năm miệt mài công tác trong môi trường đặc biệt với mức lương trung bình, bà dành dụm từng đồng, chắc chiu từng cắt mới gom góp được đâu đó 300 triệu đồng, tức là mỗi năm dè sẻn chi tiêu thì dư ra chỉ hơn 8,3 triệu đồng – số tiền không mua nổi một cái điện thoại đời mới bây giờ.

“Đó là tất cả số tiền xương máu tôi dành dụm cả đời để lo cho tuổi già mang nhiều bệnh tật và cưu mang đứa em ruột mắc bệnh tâm thần phân liệt, tiểu đường, huyết áp. Bây giờ có nguy cơ mất trắng…”, bà Yến uống ly nước, với tay lấy tập giấy tờ mang theo rồi kể tiếp.

Bà vốn là khách hàng thân thiết của SCB từ những ngày đầu ngân hàng này thành lập nên có bao nhiêu đều gửi vào sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng này. Niềm tin của người phụ nữ càng nhân lên khi khắp nơi xuất hiện dòng chữ: “SCB - Ngân hàng Thương mại tốt nhất Việt Nam”.

Cả đời tiết kiệm, một ngày đến SCB tất cả rơi vào túi Manulife ảnh 1

Ngày 8/8/2020, SCB yêu cầu bà Yến trích tiền từ tài khoản sổ tiết kiệm chuyển cho Manulife nhưng đến ngày 20/8/2020 mới ký hợp đồng.

Đầu tháng 7/2020, bà Yến đến Ngân hàng SCB Nguyễn Công Trứ (số 50-52 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1) đáo hạn sổ tiết kiệm và có ý định mua một gói bảo hiểm sức khoẻ nhỏ như bên Bảo Việt mà bà từng được tặng nhưng phía nhà băng cho biết không bán sản phẩm này cho người trên 60 tuổi, nên thôi.

Thấy vậy, Phó Giám đốc SCB chi nhánh Nguyễn Công Trứ hướng dẫn bà gặp chuyên viên tư vấn, giới thiệu tham gia gói đầu tư tiết kiệm với lãi suất cao. Nếu mỗi năm đóng 100 triệu đồng thì sau 7 năm tất toán cả vốn lẫn lãi là 1,1 tỷ đồng. Hơn nữa, tham gia gói này sẽ được tặng thêm một gói bảo hiểm ốm đau bệnh tật như bà Yến mong muốn.

“Mục đích tôi đến SCB là gửi tiết kiệm nhưng lãnh đạo và nhân viên đều tư vấn gói Tâm an Đầu tư linh hoạt lãi suất cao hơn ngân hàng, từ 8,7% - 15%/năm – là sản phẩm liên kết bởi Ngân hàng SCB và Công ty Manulife”, bà nói và cho biết không đồng ý tham gia sản phẩm này vì lo lắng rủi ro.

Trong những ngày tiếp theo, nhân viên SCB nhiều lần gửi bảng minh hoạ quyền lợi do đại lý bảo hiểm của Manulife Nguyễn Văn Ngọc thiết kế. Lãnh đạo và nhân viên SCB liên tục hối thúc và trấn an. “Bản thân không được tư vấn trung thực và đầy đủ từ đầu, trình độ hạn chế nên đồng ý tham gia sản phẩm Tâm an Đầu tư mà không biết là mình mua đang bảo hiểm nhân thọ”, bà Yến nói.

Giáo viên về hưu thu nhập 100 triệu đồng/tháng?

Để mau chóng đưa khách hàng vào thế không thể quay đầu, ngày 8/8/2020, nhân viên SCB yêu cầu bà Yến thực hiện trích từ sổ tiết kiệm cũ hơn 106 triệu đồng để chuyển vào tài khoản ngân hàng của Manulife, nội dung chỉ vỏn vẹn: “Thanh toán phí năm 1 Manulife”, mặc cho mãi đến ngày 20/8/2020, bà Yến mới nhận được một bộ Hợp đồng bảo hiểm số 2902545101, hiệu lực cùng ngày.

Trong đơn yêu cầu bảo hiểm của Công ty Manulife cho hợp đồng này do đại lý Nguyễn Văn Ngọc ký, bịa ra hàng loạt thông tin sai sự thật nhằm hợp thức hoá giấy tờ, như: “Bản thân tôi là giáo viên lại ghi nghề nghiệp kinh doanh, lương hưu tôi mấy triệu đồng ghi là thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng, tiền sử bệnh nền của tôi và người thân đều chọn “không”…”, bà Yến bức xúc.

Cả đời tiết kiệm, một ngày đến SCB tất cả rơi vào túi Manulife ảnh 2

Giáo viên về hưu thu nhập 100 triệu đồng/tháng?

“Tôi khẳng định toàn bộ đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn không phải tôi ghi. Nhân viên SCB gọi tôi lên và chỉ chỗ cho tôi ký tên phần dưới bên trái, bên phải là Nguyễn Văn Ngọc ký trước, còn chữ ký nháy ở giữa không biết của ai?”, bà viết trong đơn.

Cứ như thế, việc hợp thức hoá giấy tờ từ tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ của liên minh SCB - Manulife được hoàn tất mà khách hàng không mảy may phát hiện. Đến hẹn năm 2021 rồi sang 2022, lần lượt hơn 108 triệu đồng và 109 triệu đồng được trích từ sổ tiết kiệm cũ của bà Yến để chuyển vào tài khoản ngân hàng số: 1370107682880001 mang tên Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) mở tại Ngân hàng SCB.

Tổng cộng trong 3 năm (2020-2022), toàn bộ số tiền hơn 320 triệu đồng mà bà Yến tiết kiệm trong suốt 60 năm cuộc đời làm giáo viên đã biến thành bảo hiểm nhân thọ. Một thứ bảo hiểm là bà Yến phẫn nộ thốt lên rằng: “Tâm an nhưng lại bất an, mang danh nhân văn nhưng là thất đức”.

Bởi lẽ đến tháng 8/2023 là hạn phải thanh toán số tiền năm thứ 4, do lúc này một loạt lãnh đạo Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị Bộ Công an bắt giữ nên bà Yến lên thẳng trụ sở Manulife hỏi thăm hợp đồng và cho biết bản thân không còn khả năng để đóng tiền do toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm cũ đã hết sạch.

Lúc này, bà mới ngã ngửa khi nhân viên Manulife nói Tâm an Đầu tư là bảo hiểm nhân thọ, không phải tiết kiệm, nếu rút ra trước thời hạn (đến năm 2045, tức bà Yến 85 tuổi) sẽ mất hết. Bà Yến nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi đến Manulife nhưng chỉ nhận được thư từ chối, gửi đến cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng TP.HCM nhận lại phiếu chuyển đơn đến SCB.

Đến nước này, bà Yến mới lờ mờ nhận ra bản thân đã bị lừa nên tìm đọc thông tin trên báo và liên hệ nhóm các nạn nhân Tâm an Đầu tư với hàng trăm người vẫn đang miệt mài gửi đơn thư tố cáo đến các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương với một niềm tin công lý sẽ được thực thi để bảo vệ những người yếm thế.

Cả đời tiết kiệm, một ngày đến SCB tất cả rơi vào túi Manulife ảnh 3

Hình ảnh các nạn nhân của liên minh SCB - Manulife suốt 8 tháng vất vả.

Phải vất vả đến bao giờ?

Câu chuyện của bà Yến cũng tương tự như những nạn nhân Tâm an Đầu tư khác và gần đây lại xuất hiện thêm những tấm băng rôn yêu cầu SCB – Manulife giải quyết gói Gia đình Tôi yêu và Kiến tạo Thịnh vượng – cũng là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhưng được giới thiệu là đầu tư tiết kiệm.

Ngày 26/12/2023, bà Yến và khoảng 50 người khác tiếp tục đến văn phòng Manulife ở đường Cống Quỳnh rồi sang Phạm Ngọc Thạch (Q.1) nộp danh sách khiếu nại. Sau đó, tất cả cùng nhau lên trụ sở doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ này ở Q.7 để yêu cầu Lãnh đạo Manulife đối thoại nhưng không gặp được ai ngoài bảo vệ.

Nhìn lại suốt thời gian qua, kể từ lúc vụ rút ruột chấn động lịch sử của Vạn Thịnh Phát và SCB bị phanh phui, đến khi liên minh Tâm an Đầu tư của SCB – Manulife vỡ lở đến nay đã hơn 8 tháng ròng rã, nhóm nạn nhân vẫn đều đặn đến trụ sở yêu cầu huỷ hợp đồng, trả lại những xương máu, mồ hôi nước mắt nhưng rất nhiều trường hợp phải ra về trắng tay.

Một số người may mắn được Manulife thừa nhận sai, huỷ hợp đồng, hoàn tiền cũng “trầy vi tróc vảy”, chứng minh đủ điều, trong khi tất cả đều bị gạt với một kịch bản như nhau, cũng chữ ký giả, ghi khống thu nhập, hợp đồng ký sau ngày chuyển tiền lần đầu, tư vấn đầu tư tiết kiệm lãi suất cao nhưng lại bán bảo hiểm nhân thọ.

Từ tháng 10/2023, Bộ Tài chính cho biết đang thanh tra Manulife và nhiều doanh nghiệp khác. Trước đó đã hoàn tất thanh tra bảo hiểm nhân thọ AIA và Dai-ichi.

Hồi tháng 6/2023, Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ: Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas với hàng loạt sai phạm trong việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Bộ yêu cầu 4 doanh nghiệp này bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạch toán chi phí chưa đúng quy định, trong đó: Prudential bổ sung 700 tỷ đồng, Sun Life bổ sung hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife bổ sung 174 tỷ đồng và MB Ageas bổ sung 2,5 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.